Với giọng hát nam cao sang trọng, khỏe khoắn, NSND Trung Kiên là một trong những giọng hát hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam đã đi suốt dọc dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng trong lòng nhiều thế hệ khán thính giả yêu nhạc Việt, còn vang vọng mãi tiếng hát của ông, sang trọng, hào hùng, càng lên những nốt cao càng sáng đẹp, luôn dạt dào cảm xúc qua những ca khúc như: Tình ca, Bài ca Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Ðất nước trọn niềm vui...


NSND Trung Kiên.

Là thế hệ ca sĩ đầu tiên của nước nhà được đào tạo cơ bản tại nhạc viện nước ngoài theo dòng nhạc cổ điển, với vốn tri thức nghệ thuật và thanh nhạc phong phú, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, NSND Trung Kiên là thế hệ giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, người truyền lửa cho nhiều thế hệ ca sĩ sau này. Ðã bước qua tuổi 80, ông vẫn bền bỉ với công việc trên giảng đường thanh nhạc, góp phần tạo dựng nên những giọng hát hàng đầu của Việt Nam như: Lê Dung, Quang Thọ, Ðăng Dương, Quốc Hưng, Lan Anh, Tân Nhàn... cùng nhiều tiến sĩ, thạc sĩ âm nhạc. Bên cạnh vai trò của một nghệ sĩ, NSND Trung Kiên còn là một nhà lãnh đạo, một nhà quản lý xuất sắc. Năm 1992, ông là ca sĩ đầu tiên của nước ta được cử giữ chức Thứ Trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phụ trách về nghệ thuật.

Tôi viết những dòng này khi được tặng những an-bum mới của NSND Quốc Hưng, một học trò của NSND Trung Kiên và trái tim người lính trong tôi lại thổn thức với các giai điệu: Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình, Sông Lô chiều cuối năm, Mối tình đầu... Tôi bỗng nhớ đến tuổi 17 của mình với ba-lô sau lưng và khẩu súng cầm tay, hành quân trên dãy Trường Sơn, bất chợt ở một lưng đèo được nghe Bài ca Trường Sơn do nghệ sĩ Trung Kiên thể hiện, vang vọng từ chiếc ra-đi-ô của Chính trị viên đại đội: Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua không một dấu chân người/Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Khi ấy lòng tôi dâng trào cảm xúc và như uống từng lời ca khúc. Lại một đêm kia trên đỉnh Phu-nốc-cốc của nước bạn Lào, lại được nghe giọng hát tràn đầy khí thế mà vẫn lắng đọng trữ tình với Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn. Giọng hát ấy đã thôi thúc bước chân những người lính trẻ chúng tôi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vượt qua mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày toàn thắng. Lúc ấy, tôi mới chợt hiểu giá trị của tiếng hát Trung Kiên, người mà từ tuổi ấu thơ tôi đã từng được gặp, từng được nghe hát trong Khu văn công Cầu Giấy. Và với người lính chúng tôi trên đường ra trận, không chỉ là tiếng hát, đó còn là tiếng kèn xung trận, giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để vượt qua mưa bom, bão đạn và khó khăn hiểm nguy vì sự nghiệp thống nhất đất nước. NSND Trung Kiên thật sự là một nghệ sĩ lớn, một trong những ca sĩ cách mạng hàng đầu, chất chứa trong đó hơi thở và tầm cao của thời đại.

Có một lứa những ca sĩ học trò đã và đang kế cận, tiếp bước sự nghiệp của NSND Trung Kiên, trong đó nổi bật có NSND Quốc Hưng.

Mười năm ròng rã trên giảng đường, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, Quốc Hưng dần dần bước lên đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc, của tri thức âm nhạc. Anh được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và tiếp tục như thầy Trung Kiên ngày nào, là người thầy giảng dạy và người nghệ sĩ biểu diễn và một nhà quản lý. Ở những vị trí công việc khác nhau anh đều hoàn thành xuất sắc, đều rất hoàn hảo, chỉn chu. Là người thầy, anh đào tạo được nhiều trò giỏi, nhiều ca sĩ xuất sắc và được tín nhiệm đảm nhiệm vị trí của thầy Trung Kiên năm xưa để rồi từ đây bước sang con đường quản lý với chức Trưởng khoa Thanh nhạc. Từ một diễn viên chèo chuyên đóng các vai thay thế cho NSND Quốc Chiêm, NSND Quốc Hưng đã trở thành Tiến sĩ âm nhạc của dòng nhạc bác học, cổ điển. Là một nghệ sĩ biểu diễn, anh cũng rất xuất sắc với nhiều vai diễn trong các nhạc kịch lớn của thế giới như nhạc kịch Viên đạn thần của Weber hoặc trong vở thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long... Nhiều chuyên gia nhận xét, giọng hát Quốc Hưng khá quý hiếm với âm vực rộng, khai thác âm vực trầm rất sáng rõ, được thế giới trân trọng và đánh giá cao. Năm 2017, nghệ sĩ Quốc Hưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Có thể nói, anh là người học trò xuất sắc, đã tiếp thu tinh hoa và kế tục rất xứng đáng những người thầy của mình trên bước đường nghệ thuật.

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục