(HBĐT) - Nguyên là một Bí thư Huyện ủy, là người "khai sinh” ra các mô hình "Hòm thư tố giác tội phạm”, "Tiếng kẻng bình yên”, "Ổ nhà, dòng họ tự quản về ANTT” trên địa bàn huyện, nhưng bây giờ, người dân huyện Lạc Sơn lại biết nhiều hơn về ông, với vai trò là người đi "gom nhặt” những làn điệu dân ca cổ của người Mường đang đứng trước nguy cơ mai một, biến mất trong dòng chảy văn hóa, đời sống.
Ông Bùi Văn Nỏm (ngoài cùng bên phải) và những cộng sự trong lần tiếp xúc, tìm hiểu, sưu tầm những áng Mo, làn điện dân ca cổ của người Mường tại xã Văn Sơn (Lạc Sơn).
Theo chân nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, chúng tôi đến thăm ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn. Trên chiếc bàn ông đang ngồi làm việc chất đầy sách và các cuốn tài liệu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa được ông dày công sưu tầm trong nhiều năm qua. Âm thanh của những điệu rằng thường, hát đúp giao duyên (hát đối)... êm đềm du dương, nhẹ nhàng từ chiếc loa nhỏ gắn trên cột nhà. Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng cho biết: Đó là những điệu hát cổ. Nó là một trong những đỉnh cao về ngôn ngữ dân ca của người Mường, do chính những nghệ nhân cao tuổi của vùng Mường Vang thể hiện bằng chất giọng mộc mạc, nhưng vô cùng sâu lắng, nhiều cảm xúc. Nhờ có ông Nỏm mà huyện Lạc Sơn hiện đã sưu tầm, lưu giữ được nhiều làn điệu dân ca cổ của người Mường.
Kho tàng những làn điệu dân ca, khúc nhạc cổ mà ông Bùi Văn Nỏm dày công, bỏ tâm sức tập hợp những nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân dân gian tổ chức đi sưu tầm trong suốt những năm qua có thể nói là "đồ sộ”. Những làn điệu dân ca, những khúc hát đúp giao duyên, hay điệu thường đang, bộ mẹng... đều được lưu giữ dưới dạng các bản ghi âm, ghi hình. Đó đều là những lời ca cổ, chỉ những người lớp trước biết và biết hát, hiện đang dần bị mai một. Đáng nói hơn, "nếu không có tâm sức của ông Bùi Văn Nỏm thì có lẽ nhiều làn điệu dân ca đã hoàn toàn biến mất, không thể tìm lại được. Bởi nhiều người đã theo tổ tiên về với Mường Ma rồi. Đó là những tư liệu vô cùng quý” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân ứu tú Bùi Huy Vọng chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Văn Nỏm cho biết: Hiện nay, nhóm sưu tầm đã tập hợp, sưu tầm, lưu giữ được hàng trăm bản ghi âm, ghi hình, với thời lượng khoảng 70 tiếng đồng hồ những cuộc hát đúp, có những cuộc hát kéo dài từ sáng đến... đêm; cùng với đó là hàng trăm bản ghi âm, ghi hình chất lượng cao, thời lượng hơn 100 tiếng đồng hồ các nghệ nhân dân gian thực hiện màn diễn tấu. Ngoài ra là hàng trăm bài hát cổ với những ca từ, ngôn ngữ mang đậm hình tượng văn học.
Trở về đời thường sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, ông không nghỉ ngơi vui vầy con cháu, mà bỏ công sức, tiền của âm thầm tổ chức, sưu tầm, "gom nhặt” những làn điệu dân ca cổ của vùng đất Mường Vang, với chỉ một tâm niệm: Mình không làm, rồi những làn điệu dân ca Mường sẽ mất. Sẽ không còn có ai biết về những làn điệu dân ca cổ là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Mường.
Nói thì đơn giản vậy. Nhưng đó là cả một quá trình lao tâm khổ tứ không chỉ về chuyện tiền bạc, vật chất mà còn vì cái tâm. Ông tâm sự: Tôi đã từng phải trải qua rất nhiều cảm xúc. Có những lúc có thể nhảy nhót vui sướng, khi được nghe các cụ cao niên 80 - 90 tuổi diễn xướng một làn điệu dân ca cổ mà mình chưa từng được nghe. Nhưng cũng có khi òa khóc khi nghe tin một nghệ nhân dân gian cao niên đột ngột về với tổ tiên, mang theo những làn điệu dân ca cổ, như một phần hồn cốt của người Mường, mà mình chưa kịp lưu giữ... Cũng bởi vậy mà ông luôn thường trực một nỗi sợ. Ông sợ những làn điệu cổ, những câu hát giao duyên ấm áp tình người, giàu hình tượng của những nghệ nhân cao tuổi một ngày nào đó sẽ biến mất vĩnh viễn. Vậy nên, thời gian qua, ông trở thành người sống "vội”. Vội trong từng bước đi, vội trong từng suy nghĩ, vội trong từng ngày, từng đêm. Vội để lưu giữ được nhiều hơn những làn điệu, câu ca cổ. Ông bảo: "Cái này, tôi không để giữ cho riêng mình, mà là tôi để dành cho con cháu thế hệ sau. Để chúng biết và hiểu được, chúng được sinh ra, nuôi dưỡng trong một môi trường văn hóa dân tộc giàu bản sắc, nhân văn như thế nào”.
Mạnh Hùng
Sau khi không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được phép hoạt động trở lại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật để phục vụ nhân dân.
(HBĐT) - Ngày 29/5, UBND huyện Lạc Thủy tổ chức Hội thi Thông tin - Tuyên truyền huyện Lạc Thủy năm 2020.
Sáng 28/5, ông Phan Hộ - Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: Trong quá trình trùng tu tại nhóm tháp A các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga - Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước 2,24m x 1m68. Bước đầu các chuyên gia nhận định bộ Linga - Yoni liền khối này có từ thế kỷ IX và lớn nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này.
(HBĐT) - Huyện Kim Bôi hiện có 1 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân huyện Kim Bôi luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị di tích. Nhiều di tích đã trở thành những điểm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.
Cờ vua vốn là môn thể thao yêu thích của nhiều bạn nhỏ, và hè này các độc giả nhí sẽ được thưởng thức một tập truyện gồm 13 câu chuyện xoay quanh cờ vua hết sức thú vị của nhóm tác giả Nguyễn Huy Du và Nguyễn Hữu Huấn, do NXB Kim Đồng ấn hành. Tập truyện mang tên "Nước cờ hòa”.
Ngày 26/5, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức phát động Giải báo chí với chủ đề "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam" lần thứ I, năm 2020 - 2021. Đây là hoạt động tuyên truyền hướng tới Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021).