Nằm ở hữu ngạn dòng Cổ Chiên, Công Thần miếu (ở phường 5, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) hiện đang lưu giữ 85 đạo sắc phong thần triều Nguyễn, hiện đây là nơi còn giữ được số lượng đạo sắc phong thần triều Nguyễn nhiều nhất Việt Nam.
Công Thần miếu có tên là miếu Hội Đồng, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837). Ảnh: N.Tri
85 "báu vật” quý giá
Theo Đại Nam nhất thống chí, trước đây, Công Thần miếu có tên là miếu Hội Đồng, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837). Người dân trong vùng thường gọi đây là Đình Khao, vì các quan ở thành Vĩnh Long thường sử dụng để mở tiệc khao thưởng binh lính.
Đến năm 1867, thực dân Pháp chiếm được 3 tỉnh Nam Kỳ (trong đó có Vĩnh Long) và bắt đầu công cuộc triệt hạ tất cả công trình văn hóa nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ, 85 đạo sắc và phần lớn đồ tự khí ở miếu Hội Đồng được nhân dân quyết tâm bảo vệ giữ gìn, đem về cất giữ ở đình làng Thiềng Đức.
Đến năm 1915, do ảnh hưởng của phong trào chấn hưng văn hóa nên con gái bá hộ Trương Ngọc Lang (là bà Trương Thị Loan) đã cùng các nhân sĩ Vĩnh Long vận động xin tái lập miếu.
85 tấm đạo sắc được niêm phong khóa lại rất kỹ. Ảnh: N.Tri
3 năm sau, Tổng đốc Nam Kỳ đã ký ban hành bảng công nhận miếu. Từ đó về sau, giới thân hào thi sĩ cùng bà con trong vùng đóng góp công sức, tiền của để dựng lại miếu. Riêng ông Nguyễn Văn Kỷ hiến một mẫu đất, bà Trương Thị Loan đóng góp 4.000 đồng Đông Dương. Sau khi việc tái thiết miếu hoàn tất, để tránh sự dòm ngó của chính quyền thực dân, nhân dân quyết định đổi tên miếu Hội Đồng thành Công Thần miếu.
Công Thần miếu được Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998. Những người tham gia giữ gìn 85 đạo sắc quý ở đây đều là dân địa phương, là con cháu nhiều đời thế hệ trước.
Ông Phan Văn Khải (72 tuổi) - cố vấn Ban quản lý Công thần miếu - cho biết: "Năm 2000, một đoàn du khách giàu có đến đây tham quan, có một người gặp riêng tôi rồi ngỏ ý mua lại một tấm đạo sắc với giá 10.000 USD. Nhưng tôi nhất quyết không bán. Vì bản thân tôi cũng như bao đời trước đến nay đều xem đạo sắc là báu vật vô giá”.
Quyết tâm giữ gìn
Cũng theo ông Khải, hiện, ban quản lý miếu có 29 thành viên thường trực, 92 hội viên, tất đều tự nguyện tham gia gìn giữ 85 đạo sắc không công. Người lớn nhất năm nay đã 90 tuổi, trẻ nhất cũng trên 30 tuổi.
Để bảo vệ cho 85 tấm đạo sắc, có một đội dân phòng thay phiên tuần tra xuyên suốt để bảo vệ. Bên cạnh đó, người dân ở đây đều đồng lòng bảo vệ "báu vật” vì đa số đều là con cháu của thế hệ trước.
Đặc biệt, các bảo vật ở đây đều được đóng gói kín vào thùng kẽm, rồi cho vào thùng gỗ trang nghiêm, bên ngoài thêm lớp kính, lớp khung sắt và khóa niêm phong lại rất kỹ. Công Thần miếu được gắn rất nhiều camera an ninh, hệ thống báo động kết nối đến tất cả thành viên ban quản lý để bất cứ ai cũng có thể ngày đêm giám sát.
Công Thần miếu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998. Ảnh: N.Tri
Ông Khải còn cho hay, Công Thần miếu đã có 4 đời người trực tiếp ăn ngủ lại canh miếu, canh "báu vật”. Những người này được bầu, đặt tên bắt đầu bằng chữ Từ. Đó là ông Từ Thìn, Từ Sổ, Từ Ky và Từ Hiếu (vừa mới mất). Tất cả họ đều sống có đạo lý, có tâm huyết canh giữ đạo sắc cho đến hết đời.
"Trải qua nhiều thời điểm chiến tranh nhưng đạo sắc vẫn nguyên vẹn cho đến giờ. Tôi nhớ, thời kháng chiến chống Mỹ, đình làng Thiềng Đức bị cháy nhưng rất may bà con đã kịp mang toàn bộ đạo sắc vào Công Thần miếu lánh nạn. Không nhờ lúc đó nhanh trí thì coi như chẳng còn gì rồi” - ông Khải tâm sự.
Theo lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long, đối với 85 đạo sắc phong thần, UBND tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư hệ thống camera giám sát. Ngoài ra, tỉnh đang mời các chuyên gia và thành lập hội đồng nghiên cứu đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.
"Với 85 đạo sắc còn lưu giữ, Công Thần miếu hiện là nơi duy nhất cả nước còn giữ được số lượng đạo sắc phong thần triều Nguyễn nhiều nhất Việt Nam. Ngoài ra, người dân đang bảo vệ rất tốt cho 85 đạo sắc phong” - vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Theo báo Lao Động
(HBĐT) - Với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, việc bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch đã, đang được huyện Lạc Sơn quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần phát huy các giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Trong đó, nhiều di tích đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
(HBĐT) - Ngày 29/7, Sở VH-TT&DL phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT&DL) tổ chức lớp tập huấn công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Tham gia lớp tập huấn có các học viên là cán bộ, chuyên viên một số phòng ban của Sở VH-TT&DL; công chức Phòng VH-TT các huyện, thành phố; công chức văn hóa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ở một xã nhỏ của huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), tất cả người dân đều biết chơi diều. Diều đem lại cho họ nhiều thứ, nhưng cũng gây ra không ít hệ lụy.
(HBĐT) - Ngày 24/7, huyện Cao Phong đã tổ chức Liên hoan tuyên truyền cổ động huyện năm 2020.
(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn - Mường Vang là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, có những giá trị văn hóa đặc sắc trong nét ăn, nếp ở, sinh hoạt đời sống. Từ lâu nay, huyện đặc biệt quan tâm giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, hướng tới xây dựng Lạc Sơn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện, mến khách.
(HBĐT) - Những năm qua, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị TP Hòa Bình luôn được quan tâm đầu tư. Bộ mặt đô thị từng bước đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh.