(HBĐT) - Những giá trị văn hóa, tâm linh có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống đồng bào người dân tộc Mường. Với vai trò là nghệ nhân Mo Mường, người uy tín trong cộng đồng mang trọng trách "giữ lửa” cho văn hóa Mường, ông Bùi Văn Khẩn, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) không chỉ am hiểu tường tận về văn hóa dân tộc mình, mà còn lưu giữ nhiều vật dụng cổ, bảo tồn, truyền dạy các di sản văn hóa cho những thế hệ nối tiếp.


Nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Khẩn, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) lưu giữ nhiều bộ chiêng cổ, lịch Đoi… truyền lại cho thế hệ con cháu.

Ông Bùi Văn Khẩn, nghệ nhân Mo Mường chia sẻ: "Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Bi là một niềm tự hào. Bản thân tôi luôn mong muốn truyền thụ những tinh hoa văn hóa, giá trị tâm linh của dân tộc cho thế hệ sau, tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị của văn hóa Mường. Để từ đó, những giá trị của nguồn cội, văn hóa tinh thần của cha ông được trân trọng, không bị mai một, trường tồn mãi với thời gian”.

Theo chia sẻ của ông Khẩn, gia đình ông có truyền thống làm thầy Mo, đến nay đã là đời thứ 7 mang trọng trách giữ gìn văn hóa, tâm linh cho gia đình và bà con dân tộc bản Mường Lũy Ải. Trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân tộc Mường, thầy Mo có vai trò rất quan trọng, tiến hành những nghi lễ tâm linh xuống đồng, động thổ, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các bài Mo của ông không thể thiếu ở những nghi lễ trong vùng. Điều đặc biệt là toàn bộ nội dung các bài cúng được cha ông truyền lại bằng truyền miệng, người học phải ghi nhớ, hoàn toàn không có ghi chép bằng sách vở. Với những đóng góp trong việc lưu truyền văn hóa dân tộc, tháng 5/2019, ông được Nhà nước công nhận là nghệ nhân Mo Mường.

Không chỉ am hiểu về các nghi lễ của Mo Mường, người nghệ nhân 68 tuổi còn đọc rộng, hiểu nhiều. Trong căn nhà sàn cổ đã trải qua nhiều thế hệ, vẫn giữ được đầy đủ những đặc điểm kiến trúc cổ, thể hiện được dáng dấp của một nền văn hóa lâu đời. Nhà sàn là minh chứng rõ nét nhất về cuộc sống và những phong tục, tập quán của người dân tộc Mường. Ngoài ra, ông còn lưu giữ nhiều đồ dùng của người Mường cổ như cồng chiêng, cối giã gạo, khung dệt vải, lịch Đoi… Ông dạy con cháu sử dụng lịch Đoi (làm bằng thanh tre, nứa) để xem ngày tháng, mùa vụ, đoán định thời tiết, ngày tốt, xấu.

Khai Hạ là một trong những lễ hội lớn nhất của người Mường Bi, được tổ chức thường niên tại sân vận động xóm Lũy Ải, đậm đà bản sắc văn hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, do đó, ông luôn vận động bà con ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của lễ hội. Nhiều gia đình có một bộ chiêng, người già, trẻ nhỏ đều thuộc lòng các điệu chiêng; các trò chơi dân gian như đánh mảng, sắc bùa, hát đối… vẫn được lưu truyền, thường được tổ chức vào các dịp lễ, Tết.

Ông cũng luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương, tham gia sản xuất, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan như: kết hôn cận huyết thống để giữ của, tảo hôn, ép cưới được bài trừ, giảm sự rườm rà trong việc cúng tế ở các lễ hội gây tốn kém… Cải thiện rõ ràng nhất là người dân đã nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, không nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà, không đổ rác bừa bãi ra suối, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, đến cơ sở y tế khám bệnh khi ốm đau chứ không cúng bái…

Cùng với phong trào chung sức xây dựng NTM, bà con cải tạo ruộng vườn, giữ gìn những căn nhà sàn cổ, chỉnh trang để nhà sạch, vườn đẹp, ngõ xóm văn minh, diện mạo bản Mường Lũy Ải ngày càng thay đổi tích cực. Năm 2014, bản Mường Lũy Ải được tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng, được du khách đánh giá cao, giữ được nhiều nét văn hóa vốn có của người dân tộc Mường. Những đóng góp của nghệ nhân Bùi Văn Khẩn trong việc lưu truyền, giữ gìn, vận dụng trong đời sống văn hóa, tâm linh được chính quyền, người dân công nhận.

Hoàng Anh

Các tin khác


Âm nhạc Hòa Bình - những nốt thăng đáng mừng

Với những nhạc sĩ, thi sĩ và những người yêu âm nhạc ở Hòa Bình, năm 2023 được xem là một mùa bội thu: nhiều tác phẩm được sáng tác mới, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, cuộc thi khu vực do các tỉnh và Trung ương tổ chức.

Huyện uỷ Lạc Sơn gặp mặt những người làm công tác bảo tồn văn hoá truyền thống 

Ngày 15/3, Huyện uỷ Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành và báo chí, truyền thông về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024. 

Festival phở năm 2024: Sức hấp dẫn của phở Việt

Phở là món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Phở được nhiều đầu bếp, chuyên gia, tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Phường Dân Chủ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại huyện Lạc Sơn

Ngày 13/3, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lạc Sơn.

Huyện Lương Sơn đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao

UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục