(HBĐT) - Mường Bi - Tân Lạc là 1 trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển KT-XH, những năm qua, huyện Tân Lạc đã triển khai nhiều biện pháp để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII).


Huyện Tân Lạc bảo tồn và phát huy tốt giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Ảnh: Đội văn nghệ quần chúng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.

Lưu giữ bản sắc văn hóa

Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú có diện tích gần 1,5 km2, với trên 80 nóc nhà sàn nằm ven các sườn đồi, gò đồi nhỏ trong thung lũng Mường Bi rộng lớn. Năm 2008, xóm được Bộ VH-TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước; được công nhận là điểm du lịch địa phương năm 2014. Xóm Lũy Ải đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mỗi năm thu hút từ 1 - 2 nghìn lượt khách thăm quan, trải nghiệm.

Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Huyện đã triển khai thực hiện quy chế bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, danh thắng, quy chế phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa tới Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Lưu giữ, phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống như các lễ hội, trò chơi dân gian (đánh mảng, bắn nỏ...). Mở các lớp học hát thường đang, bộ mẹng, nhạc cụ dân tộc... Khuyến khích việc khai thác, phát triển văn hóa dân gian các dân tộc. Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, trang phục dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc trong đời sống.

Hiện nay, toàn huyện còn lưu giữ khoảng 700 chiếc chiêng, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: mo Mường, hát ví, thường đang, bộ mẹng... Các lễ hội được phục dựng, tổ chức theo đúng quy định. 100% xóm, bản trong huyện có đội văn nghệ quần chúng. Ngoài ra, huyện thành lập được 16 đội văn nghệ xã, thị trấn, 1 đội tuyên truyền lưu động của huyện. Trên địa bàn có 19 điểm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh được bảo vệ và khai thác, trong đó có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 9 điểm được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê. Huyện có 5 ông mo được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp giấy chứng nhận có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình.

Phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập

Trong bối cảnh hội nhập, du lịch được xem là một giải pháp nhằm mở hướng cho việc khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên nhân văn. Dựa trên những tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, lợi thế về địa lý, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong thời gian qua, huyện tập trung phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, như: du lịch cộng đồng tại làng Mường cổ Lũy Ải (xã Phong Phú), xóm Ngòi (xã Suối Hoa); xây dựng mới 2 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Chiến (xã Vân Sơn), xóm Bưởi Cại (xã Phú Cường)… Du lịch thăm quan các điểm như: động Thác Bờ, động Hoa Tiên, động Nam Sơn, vịnh Ngòi Hoa. Du lịch văn hóa - tâm linh: chùa Kè (xã Phú Vinh), hang Bụt (thị trấn Mãn Đức), lễ hội Khai hạ Mường Bi (xã Phong Phú)... Đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút 10 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch; trong đó, 5 dự án được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng số vốn trên 1.829 tỷ đồng, 5 dự án còn lại đang trong quá trình thẩm định, xin ý kiến và trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy cho biết: Thực tế cho thấy, công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Những thuần phong, mỹ tục được phục hồi, tập tục lạc hậu bị loại bỏ. Văn hóa chính là nguồn động lực thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển toàn diện, đồng thời cũng là mục tiêu của sự phát triển.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân bằng nhiều hình thức. Tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh công tác sưu tầm; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.


Đinh Thắng


Các tin khác


Tân Bình - Khu dân cư tiêu biểu, xuất sắc

(HBĐT) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố Tân Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) Đinh Thị Ngần cho biết: Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ năm 2011, khu phố đã xây dựng và thực hiện tốt Quy ước của khu dân cư. Quy chế dân chủ được triển khai và thực hiện nghiêm túc, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đặc biệt, 67 đảng viên trong chi bộ đều đi đầu, gương mẫu trong việc chấp hành và tuyền truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào ở địa phương, tạo động lực để dân cư trên địa bàn đẩy mạnh phát triển kinh tế, cùng đoàn kết, gắn bó xây dựng đời sống mới.        

 Xây dựng nét đẹp văn hóa công sở

(HBĐT) - Tháng 7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) tỉnh Hòa Bình thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025. Đến nay, phong trào thi đua đã được triển khai sâu rộng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Khai mạc triển lãm tranh cổ động tuyên truyền Đại hội XIII của Đảng

(HBĐT) - Ngày 18/9, tại TP Hòa Bình, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức khai mạc triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trao giải thưởng các cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự khai mạc có các đồng chí: Thịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành của tỉnh và tác giả đạt giải.

Khai trương cửa hàng Café sách Câu lạc bộ Khởi nghiệp kinh doanh Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 18/9, trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đã tổ chức khai trương cửa hàng Café sách Câu lạc bộ Khởi nghiệp kinh doanh trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.       

Liên hoan tuyên truyền cổ động huyện Kim Bôi năm 2020

(HBĐT) - Trong 2 ngày 16 - 17/9, huyện Kim Bôi tổ chức Liên hoan tuyên truyền, cổ động chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.             

Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn tri ân Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ, Nhà hát công diễn chương trình "Sức sống Lưu Quang Vũ” gồm những vở kịch đã gắn liền với tên tuổi kịch tác gia này. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục