Màn trình diễn chiêng trong lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc).
Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng chung sống, mỗi dân tộc đều thể hiện được nét bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn... Trong đó, dân tộc Mường chiếm đa số, sống tập trung ở những khu vực có địa hình thấp, các trung tâm trù phú nhất của người Mường là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Trong đời sống văn hóa, người Mường vẫn lưu giữ được nhiều yếu tố truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa của dân tộc Mường như dân ca, nghệ thuật chiêng, mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... vẫn lưu giữ và được đánh giá cao. Đa số các dân tộc còn giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình, bảo tồn, lưu giữ những giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết (trừ dân tộc Mường), tri thức dân gian, trang phục...
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh và Bộ VH-TT&DL, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động về văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể có sự đầu tư. Kết quả đạt được: 1 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; đầu tư thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng, duy trì 59 lễ hội. Đặc biệt, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể mo Mường Hòa Bình, nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, mo Mường được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ VH-TT&DL phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường Hòa Bình trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ khẩn cấp.
Cũng theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, những giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển, trong đó, mo Mường, chiêng Mường, chữ viết, dân ca dân vũ… được quan tâm đầu tư. Hiện nay, tỉnh đã thành lập được 2 câu lạc bộ mo Mường ở Tân Lạc và Lạc Sơn; có 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, 27 nghệ nhân đang lập hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa đợt 3, trong đó, 1 nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân; tổ chức xây dựng bộ chữ phiên âm tiếng Mường từng bước đưa vào giảng dạy. Ngoài ra, Sở VH-TT&DL cũng đang tiến hành sưu tầm, lập hồ sơ nghệ thuật múa keeng loóng của người Thái và tri thức dân gian lịch Đoi của người Mường để trình Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đỗ Hà