(HBĐT) - Cùng đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hải Dương, chúng tôi có dịp đến thăm Văn miếu Mao Điền nằm bên đường quốc lộ 5, cách thành phố Hải Dương 15km về phía Bắc, thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Chỉ đứng sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), với hơn 500 năm tồn tại và thờ hơn 600 vị tiến sĩ, Văn miếu Mao Điền đã trở thành niềm tự hào về truyền thống hiếu học của vùng đất, con người tỉnh Hải Dương. Năm 2017, Văn miếu Mao Điền được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.


Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hoà Bình thăm Văn miếu Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Chị Lê Thị Thoa, Phó Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá Văn miếu Mao Điền giới thiệu: Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi. Chữ Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia, nơi đây là khu ruộng rất rộng, nhiều cỏ thơm, cỏ thi người ta đã chọn nơi này để làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn, Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trường thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích do vậy có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.

Văn miếu Mao Điền được biết tới là một trong số ít văn miếu hàng tỉnh còn tồn tại ở Việt Nam. Lịch sử của văn miếu bắt đầu từ hơn 500 năm về trước. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, triều đình cho mở thêm một số trường học nữa ngoài trường Quốc Tử Giám ở kinh thành để đẩy mạnh phát triển Nho giáo. Ở xứ Đông (gồm toàn bộ tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, huyện Đông Triều của Quảng Ninh) Văn miếu Mao Điền được xây dựng vừa làm nơi thờ các bậc tiên hiền Nho học vừa làm trường thi của vùng. Từ giữa thế kỷ XV cho đến khoa thi cuối cùng của nhà Nguyễn, nơi đây trở thành nơi thi Hương của vùng trấn Hải Dương. Đặc biệt, trong thời Mạc (1527-1593) đã bốn lần tổ chức thi đại khoa ở Mao Điền.

Ngay từ khi mới xây dựng, Văn miếu Mao Điền đã là một công trình có kiến trúc văn hóa uy nghi, bề thế. Đi trên quốc lộ 5 theo hướng Hải Dương - Hà Nội, ngay từ xa đã thấy Tam quan đồ sộ của Văn miếu Mao Điền nằm giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông. Qua Tam quan là cây gạo cổ thụ hơn 200 tuổi in bóng xuống hồ nước xanh mát làm tôn lên vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch cho Văn miếu. Tương truyền, cây gạo này được trồng vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), thời điểm tái thiết Văn miếu trấn Hải Dương. Hai bên tả, hữu trước dãy điện thờ chính là lầu chuông đồng nặng 1042 kg, đường kính miệng 115 cm, cao 150 cm, lầu trống đại có miệng 150 cm, chu vi tang trống 565 cm, dài 188 cm. Lầu chuông, lầu trống được thiết kế theo phong cách truyền thống hai tầng tám mái toàn bằng gỗ lim, tuy giản dị nhưng rất mềm mại, uyển chuyển.

Dãy nhà chính của Văn miếu gồm hai lớp quay về hướng Tây, với 7 gian, mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng, áp sát vào nhau. Nhà trong thờ Khổng Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả và đặt bàn thờ và bát nhang công đồng. Hai bên vách treo bảng danh sách 637 vị tiến sĩ quê ở trấn Hải Dương trong thời đại khoa cử Việt Nam. Nhìn vào bảng danh sách đồ sộ ấy, không khỏi cảm phục tinh thần hiếu học của người dân xứ Đông. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu.

Hai di vật cổ nhất của Văn miếu Mao Điền được đặt ở dãy nhà ngoài là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và khánh đá từ thời Tây Sơn. Chiếc khánh đá có âm thanh trong trẻo thể hiện trình độ rất cao của người thợ chế tác đá Việt Nam đầu thế kỷ XIX, với một bên tai đã vỡ.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn về những điểm đặc biệt của Văn miếu Mao điền, chị Lê Thị Thoa đưa chúng tôi đến thăm phía trong hậu cung của Văn miếu - nơi thờ chín bài vị. Chị giới thiệu chi tiết từng bài vị trong hậu cung. Theo đó, chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ. Trong cách bài trí thờ tự cũng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khổng Tử là ông tổ đạo nên được thờ ở chính giữa, bên trái là Chu Văn An, một người thầy mẫu mực trong truyền thống đạo Nho nước ta. Những người còn lại đều là những người con xuất chúng của trấn Hải Dương. Đặc biệt là trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ, nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt. Các hạng mục đều được quy hoạch cân đối và đẹp mắt.

Hiện nay, Văn miếu là địa chỉ "khuyến học, khuyến tài” giáo dục mọi thế hệ học sinh tỉnh Hải Dương và học sinh cả nước về phát huy tinh thần "tôn sư trọng đạo” và hiếu học của người tỉnh Đông. Tại Văn miếu diễn ra hai kỳ lễ hội 18/2 và lễ dâng hương 20/8 âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn lượt khách thăm quan, học tập.

Chia tay các đồng nghiệp Báo Hải Dương với những tình cảm nồng ấm, trong chúng tôi vẫn còn mãi dư âm về truyền thống của các bậc danh tài nơi đây và thêm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân đất Việt.


Linh Trang


Các tin khác


Độc đáo lễ hội Pang Phoóng của đồng bào dân tộc Kháng

Trong Danh mục 23 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, tỉnh Điện Biên có 1 di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng là Lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của cộng đồng dân tộc Kháng, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo.

Giao ban cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc quốc lộ 6 năm 2020

(HBĐT) - Ngày 30/11, tại tỉnh Lai Châu, Cụm thi đua Hội Nhà báo 5 tỉnh, thành phố dọc QL6 gồm: Hà Nội, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hoà Bình tổ chức hội nghị giao ban nhằm tổng kết công tác thi đua năm 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tới dự có đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lai Châu.

Xã Kim Lập: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua tiếng chiêng, điệu múa

(HBĐT) - Các khu dân cư trên địa bàn xã Kim Lập (Kim Bôi) vừa tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) tưng bừng, rộn rã. Đó cũng là dịp bà con các xóm, thôn cất cao lời ca, tiếng hát, dùng tiếng chiêng, điệu múa thể hiện nét đẹp bản Mường, ngợi ca Đảng, Bác Hồ, niềm tin cuộc sống mới và tình yêu quê hương, đất nước.

Huyện Lạc Sơn: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc

(HBĐT) - Còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bà Bùi Thị Dừn, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) đã bắt đầu chuẩn bị bình, trấu mới, men… để ủ rượu cần. Thật thú vị là ngoài làm rượu cần, bà Dừn vẫn còn giữ nghề nuôi tằm. Những chiếc kén vàng ươm được bà nâng niu, se sợi, khéo léo dệt thành chiếc cạp váy hoa văn duyên dáng của người phụ nữ Mường. Cũng như gia đình bà Dừn, mỗi hộ sinh sống trên mảnh đất Mường Vang, ngoài việc xây dựng nếp sống gia đình văn minh theo nếp sống văn hóa mới, cũng đều trân trọng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.      

Hoa hồng và niềm tin

(HBĐT) - Tháng 11… nhiều năm qua, bao người vô hình chung vẫn luôn nghĩ đến là "tháng của các nhà giáo, tháng của ngành GD&ĐT”. Cũng vì thế mà các cuộc gặp gỡ bạn bè, tri ân thầy cô, họp lớp, hội khóa… thường diễn ra không chỉ trong ngày 20/11, mà có thể trước đó nhiều ngày. Cả xã hội đều thực sự quan tâm đến các hoạt động liên quan đến thầy cô, trường lớp, học sinh, bạn bè... Truyền thống "tôn sư trọng đạo”, hiếu học được nhân lên, lan tỏa, những kỳ vọng, niềm tin đặt lên đôi vai những người làm công tác giáo dục dường như cũng nhiều hơn, nặng hơn. Niềm tin đó như những đóa hồng tươi dành tặng cho một nghề cao quý mà Bác Hồ đã từng nói...

Đình Băng được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh

(HBĐT) - Tại UBND xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) vừa diễn ra lễ trao bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Băng, xã Ngọc Lâu. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục