(HBĐT) - Tháng 11… nhiều năm qua, bao người vô hình chung vẫn luôn nghĩ đến là "tháng của các nhà giáo, tháng của ngành GD&ĐT”. Cũng vì thế mà các cuộc gặp gỡ bạn bè, tri ân thầy cô, họp lớp, hội khóa… thường diễn ra không chỉ trong ngày 20/11, mà có thể trước đó nhiều ngày. Cả xã hội đều thực sự quan tâm đến các hoạt động liên quan đến thầy cô, trường lớp, học sinh, bạn bè... Truyền thống "tôn sư trọng đạo”, hiếu học được nhân lên, lan tỏa, những kỳ vọng, niềm tin đặt lên đôi vai những người làm công tác giáo dục dường như cũng nhiều hơn, nặng hơn. Niềm tin đó như những đóa hồng tươi dành tặng cho một nghề cao quý mà Bác Hồ đã từng nói...

Trong lòng mỗi người ai chẳng có hình bóng đẹp đẽ, ấn tượng về những người thầy, cô của mình. Có thể chỉ là một thầy giáo già, một cô giáo trường làng thời các thầy cô được trả công bằng thóc, bằng điểm HTX. Có thể là người cô vì học sinh thân yêu, mà lặn lội hàng chục cây số đường rừng phân tích lẽ thiệt hơn, để gia đình ủng hộ việc đến trường của các em. Là những người thầy, người cô miệt mài "cắm bản” ở xóm, bản vùng cao, vùng lòng hồ, đồng hành với các em vì sự nghiệp "cái chữ”. Biết bao tấm gương sáng của các thầy, cô được cả xã hội biết đến, cảm phục, biết ơn. 

Ngoài tri thức, các thầy cô còn truyền năng lượng tích cực cho các em về tình cảm, kỹ năng, trách nhiệm, nhân cách, đạo lý làm người. Mỗi lời nói, hành động của thầy, cô đều có tác động đến tâm hồn các em. Xã hội dù đổi thay đến đâu, thời công nghệ số có tác động tới cuộc sống thế nào, cũng không thể làm thay đội ngũ thầy cô đối với sự lớn lên, trưởng thành của các thế hệ học sinh. Còn nhiều lắm những tấm lòng thầy, cô đau đáu vì sự nghiệp "trồng người" nói chung, đối với học sinh nói riêng. Cũng vì thế, chứng kiến các em hồ hởi, tươi vui, ánh mắt lấp lánh cầm những bông hồng đỏ tặng cô mà thấy rằng, chính các em đang làm "người lớn” ấm lòng và niềm tin về các thầy cô vẫn vẹn nguyên… Muôn đời vẫn thế.

Thế nhưng, nhìn lại quãng thời gian qua… vẫn còn có những câu chuyện không vui liên quan đến người làm công tác giáo dục ở tỉnh nhà và nước nhà. Ngày 20/11/2020, các bản tin pháp luật trên nhiều tờ báo danh tiếng đều nhất loạt đưa tin về kết quả xét xử của TAND cấp cao tại Hà Nội, về vụ án gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La. Bản tin đó khiến ai từng quan tâm vụ việc tương tự ở Hà Giang và Hòa Bình khá buồn lòng và suy ngẫm. Đó là một vết đen trong trang sử giáo dục mà hiện tại và hậu thế cần biết để tránh không lặp lại. Nói điều đó không hẳn để khơi lại "vết thương lòng” của toàn xã hội, mà chỉ muốn cảnh tỉnh, muốn cho ai đó trước khi thực hiện một việc tội lỗi nào đó cần dừng lại trước khi quá muộn. Còn nếu cố nhúng chàm, pháp luật sẽ lên tiếng…

Cho nên… ngày 20/11 năm nay, dù có buồn lòng về câu chuyện mới xảy ra không lâu, vẫn thấy ánh lên những niềm vui mới về giáo dục tỉnh nhà. Hãy nhìn vào ánh mắt những thầy cô sống trung thực, hết lòng vì học sinh thân yêu, hãy nhìn vào đôi mắt trong veo của các em học sinh chứa chan sự vô tư cùng những đóa hồng đỏ thắm… để tiếp tục nhân lên niềm tin thật lớn. Niềm tin vào sự nghiệp "trồng người”, niềm tin vào Con Người đang trên hành trình cao quý đó.


Bùi Huy

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục