(HBĐT) - Cùng các thầy, cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, chúng tôi có cơ hội được tham gia điều tra, khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường của hơn 800 người dân thuộc 4 Mường lớn Bi – Vang – Thàng – Động. Thật đáng trân trọng gần 100% cán bộ, công chức cấp xã, huyện, giáo viên từ bậc mầm non đến THPT, HSSV, Nhân dân, người lao động được hỏi đều có chung câu trả lời là mong muốn được học chữ Mường, được tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Mường.
Trước đây, trong các nghiên cứu đã được công bố, dân tộc Mường là 1 trong 26 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa có chữ viết chính thức. Điều này khiến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường gặp không ít khó khăn, nhiều bản sắc riêng dần bị phai nhạt. Do đó, khi Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình được ban hành đầu năm 2017 đã mở ra một giai đoạn mới cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Mường. Đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH &CN khẳng định: Trước yêu cầu cấp thiết về việc dân tộc Mường cần có bộ chữ dân tộc Mường, Sở KH&CN đã phối hợp với Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu, thực hiện Đề tài khoa học "Xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Quá trình xây dựng bộ chữ Mường tuân thủ các quy định, trình tự của Nhà nước về thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học. Sở đã chọn Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và các cá nhân tham gia đề tài là các giáo sư, phó giáo sư có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng bộ chữ dân tộc cũng như chuyên môn về ngôn ngữ học. Các thành viên trong tổ nghiên cứu tổ chức nhiều cuộc điền dã khảo sát, điều tra, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và các nghệ nhân Mường, nhiều nhà quản lý tham gia. Vì vậy, có thể nói, bộ chữ dân tộc Mường là tâm huyết của cả một tập thể, đội ngũ những người yêu và hiểu văn hóa Mường, là niềm tự hào của bà con người dân tộc Mường ở Hòa Bình.
Là bộ chữ của dân tộc Mường, được xây dựng từ nhu cầu thực tế, niềm tự hào bảo tồn văn hóa Mường của chính người dân nên xuyên suốt trong quá trình xây dựng bộ chữ, xây dựng bộ gõ, các ngành chức năng liên quan đã thực hiện nhiều đợt điền dã, khảo sát, lấy ý kiến của người dân để hoàn thiện các phần việc.
Trao đổi với chúng tôi, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng (xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn) khẳng định: Chữ Mường có thể sử dụng cho nghiên cứu, ghi chép mọi mặt của đời sống văn hóa như Mo Mường, các làn điệu dân ca, tri thức dân gian của dân tộc Mường; ghi chép, lưu giữ tiếng Mường đúng với bản sắc mà không lo bị "tam sao thất bản” do truyền khẩu…
Việc ra đời bộ chữ Mường phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người Mường ở Hòa Bình. Bộ chữ ra đời góp phần ghi lại một cách chính thức, chính xác văn hóa Mường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp đến văn hóa, chữ viết của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng. Việc ứng dụng vào thực tế, dạy - học chữ Mường cần được quan tâm, trước hết là đối với những người biết tiếng Mường và trong nhà trường, thế hệ trẻ. Chữ Mường giúp con em học và sử dụng tiếng Mường nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giúp Mo Mường được lưu giữ một cách chính xác, tiến tới lập hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trình Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, chữ ra đời cũng đáp ứng những yêu cầu về công tác cán bộ trong tình hình mới theo Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 9/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ: "Yêu cầu của công tác quản lý và phát triển KT -XH, AN-QP đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc... Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu bắt buộc”.
Vì vậy, sau những bỡ ngỡ ban đầu, hiện nay bộ chữ viết của dân tộc Mường được người dân quan tâm, tìm học. Đến nay đã có một số đơn vị như: Ban Dân tộc, Báo Hòa Bình, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chủ động tổ chức các lớp học chữ Mường cho cán bộ, công chức, viên chức; đoàn viên, thanh niên...
Về việc triển khai đề án "Dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh” đến nay đã hoàn thành việc xây dựng, tập huấn cho 20 cán bộ cốt cán dạy chữ dân tộc Mường, điều tra khảo sát và tổ chức hội thảo đánh giá. Thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình giảng dạy, tài liệu và sách giáo khoa... Phấn đấu từ năm 2021 – 2025 sẽ triển khai dạy và học thí điểm ở các trường dân tộc nội trú, một số trường phổ thông, trung tâm GDTX-GDNN, trường CĐ, TCCN và trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình; triển khai dạy thí điểm cho CB,CC,VC và người lao động (dự kiến 1 lớp); triển khai giai đoạn 1 cho CB,CC,VC và người lao động (25% CB,CC,VC trong toàn tỉnh, khoảng 4.000 người tham gia). Qua đó, từng bước đưa chữ Mường vào cuộc sống, giúp người Mường thêm yêu, thêm hiểu, thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình.
Dương Liễu