(HBĐT) - Cùng với những nét đẹp văn hóa truyền thống được khôi phục và gìn giữ, ở các Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) những năm gần đây có sự tái hiện của một nghi lễ độc đáo, đó là nghi thức "đường cày đầu Xuân", hay còn còn gọi là xuống đồng "đi cày, đi cấy đầu Xuân".


Rộn rã "Đường cày đầu xuân" thường được tổ chức dịp Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc).
Ảnh: T.L

Lớp con cháu ở vùng Thạch Bi (Phong Phú) ngày nay phần nào hình dung được nghi lễ "đi cày, đi cấy đầu Xuân" xưa kia qua lời kể của các cụ ông, cụ bà rằng: Trong xã hội cũ, nghi lễ cày luống đất đầu tiên chỉ thực hiện ở mảnh ruộng thờ của nhà lang. Sau nghi lễ đó, các gia đình trong Mường mới có thể cày bừa mảnh ruộng của nhà mình. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, nghi lễ cày bừa của người Mường, đặc biệt là vùng Mường Bi còn gắn liền với một ý nghĩa khác mang tính xã hội, đó là sự khẳng định uy quyền về đất đai của chúa đất trong phạm vi Mường. Để thực hiện nghi lễ, nhà lang cử ậu chấu (người giúp việc cho lang) trang phục chỉnh tề, đến thửa ruộng của nhà lang để cày luống đất đầu tiên. Trong khi đó, tại nhà của lang diễn ra lễ dâng cúng lên tổ tiên của nhà lang (chúa đất của cả Mường) cùng các vị thần chủ nhân khác của đồng ruộng là ông Lộk, ông Chộ, ông Đa, ông Hin, bà Pà...

Ở các xóm của thị trấn Mãn Đức khi xưa, theo tục lệ, dân làng phải tổ chức đi săn để kiếm một con thú làm lễ vật thờ cúng. Trong trường hợp đi săn không may mắn, dân làng, kể cả nhà lang phải đóng góp 1 con bò. Với lễ vật đó, người ta cầu được mùa, không chỉ cho các thửa ruộng nhà lang mà là cho tất cả các thửa ruộng được cày bừa trong phạm vi Mường.

Do ý nghĩa xã hội thời đó mà nghi lễ cày bừa không được thực hiện ở tất cả mọi vùng Mường. Mặt khác, nếu so với các nghi lễ nông nghiệp khác liên quan đến việc trồng cây lúa nước như tục thờ cây lúa, nghi lễ thờ cúng và quan niện hồn cây lúa ở người Mường thì mức độ phổ biến của nghi lễ cày bừa khá hạn chế, chỉ trong phạm vi các gia đình có quyền lực như nhà lang. Tại các gia đình nông dân, người ta chỉ đợi chờ nghi lễ tại nhà lang kết thúc để bắt đầu một thời vụ canh tác mà không tiến hành một nghi lễ nào cho việc chuẩn bị đất đai.

Trong cuộc sống hiện đại hiện nay, việc bảo tồn các lễ hội dân gian, các yếu tố chứa đựng văn hóa trở thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao của người dân, nghi lễ "đi cày, đi cấy đầu Xuân" được khôi phục và trở thành nghi thức tín ngưỡng độc đáo được tái hiện vào mỗi lần tổ chức Lễ hội Khai hạ Mường Bi. Anh Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Kể từ năm 2002, Lễ hội Khai hạ Mường Bi được phục dựng và tổ chức thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách trong nước, quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống quê hương, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Đồng thời, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh đến du khách trong và ngoài nước, góp phần KT-XH của huyện và của tỉnh.

Cùng với đó, nghi lễ xuống đồng (đi cày, đi cấy đầu Xuân) được tái hiện và trở thành nét đẹp phong tục. Nghi lễ này được thực hiện sau khi tổ chức xong các nghi lễ: Mo Thần Thổ công Thổ địa, mo cúng Thần Thành hoàng, lễ dâng hương tại Miếu thờ; lễ thờ cúng, mo tế Thần Thành Hoàng; rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng bà từ Miếu thờ xóm Lũy Ải xuống sân vận động qua cửa phía Tây, các nghi thức tế lễ tại khán đài sân vận động xã Phong Phú, mo dấng chiếng, hòa tấu Chiêng Mường, khai mạc lễ hội, rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng bà ra cổng phía Đông Nam sân vận động về trước khu Nà Trùng. Sau nghi thức "đi cày, đi cấy đầu xuân" diễn ra thì đến phần rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà về Miếu, thực hiện các nghi thức Mo cúng, tế lễ, dâng hương tại Miếu thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà để kết thúc phần lễ của Lễ hội Khai hạ.

Tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2019 trở về trước, cũng đã khôi phục lại nghi lễ đi cày, đi cấy đầu Xuân. Nhưng phải đến Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2020, nghi lễ này mới được tái hiện một cách sinh động và bài bản. Lần đầu tiên, có sự thực hiện nghi thức của 20 nông dân là các nam giới khỏe mạnh và 10 con trâu tốt làm "bạn đồng hành" trên mỗi đường cày, phụ nữ thì nhổ những luống mạ đẹp mang đến cấy. Công việc diễn ra trong không khí rộn ràng khởi đầu một năm mới với sự cổ vũ của hàng nghìn người. Bà con vùng Mường Bi quan niệm, chưa có nghi lễ này thì chưa được xuống đồng. Bà con chỉ đồng loạt triển khai làm mùa khi nghi lễ diễn ra đã xong. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghi thức "đường cày đầu xuân” không được tổ chức.

Theo anh Cao Bá Chính, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, nghi lễ "đi cấy, đi cày đầu Xuân" khởi động trong ngày đầu năm mới đánh dấu bước chuyển từ cái khô cằn, giá rét của mùa đông sang sự tươi sáng, ấm áp của mùa xuân, tạo nên sức sống vạn vật. Cư dân nông nghiệp bước vào chu kỳ canh tác mới với niềm hân hoan, hứng khởi và ước muốn gia đình, cộng đồng sức khỏe, thịnh vượng, mùa màng tươi tốt. Thông qua việc tái hiện nghi lễ này, những cư dân đất Mường ngày nay tìm thấy trong đó ý nghĩa sâu xa của các   tín ngưỡng dân gian, những giá trị văn hóa và đạo đức cao quý của cộng đồng.


Bùi Minh

Các tin khác


Ghi nhận công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại các điểm thờ tự, thăm viếng đầu xuân

(HBĐT) - Sáng ngày mồng 1 Tết Tân Sửu, chúng tôi có mặt tại chùa Hòa Bình Phật Quang (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình). Ngay khu vực cổng vào, nhà chùa đã bố trí nước rửa tay sát khuẩn cùng các bảng biển truyền thông, hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đa số người dân đến chùa đeo khẩu trang và có ý thức về việc giữ khoảng cách.

Huyện Cao Phong tăng cường công tác phòng chống dịch COVD-19 tại các điểm di tích

( HBĐT) - Những ngày sau Tết, nhu cầu tham quan, vãn cảnh, thực hành tín ngưỡng của Nhân dân rất lớn, vì vậy huyện Cao Phong đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý và phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm di tích, danh thắng.

Phiêu cùng Bình Liêu

(HBĐT) - Đi Quảng Ninh nhiều đến nỗi không nhớ hết số lần, thế nhưng cuối năm rồi mới là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Bình Liêu - huyện miền núi xa xôi của "đất mỏ”. Về đã lâu nhưng vẫn tiếc hùi hụi là sao không đến mảnh đất này sớm hơn, để có được nhiều cung bậc cảm xúc phiêu lãng cùng Bình Liêu, cùng những con người phiêu lưu đến đây lập nghiệp và thành công.

Vũ điệu Chămpa bên tháp cổ

(HBĐT) - Đến "xứ trầm hương” khi vừa kết thúc một đợt mưa bão. Đầu giờ chiều, mưa dứt hẳn, men theo dòng sông Cái, tôi tìm đến khu tháp cổ linh thiêng, nơi mà tôi luôn nghĩ sẽ đặt chân đến đầu tiên khi tới đây. Nắng đã lên và nhuộm vàng dòng sông Cái. Hình ảnh núi Cù Lao và tháp Bà Ponagar in bóng trên sóng nước lung linh.

Năm Sửu nói chuyện trâu

(HBĐT) - Trâu - con vật gắn liền với đời sống người nông dân Việt Nam, từ lúc gà chưa gáy sáng, con trâu đã cùng nông dân ra đồng, nào cày, nào bừa… con trâu đảm nhận phần lớn công việc nặng nhọc của nhà nông... Chưa hết, hình ảnh trâu còn gắn liền với bao sự kiện trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục