Sau một năm không được tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội trong dịp Tết cổ truyền để phòng chống dịch COVID-19, những ngày này, người dân Lào trên khắp cả nước đang nô nức chuẩn bị chào đón Tết Boun Pi May năm 2021 (tức năm 2564 Phật lịch).


Người dân tắm cho Phật. Ảnh minh họa: Hoàng Chương/TTXVN

Năm nay, Tết cổ truyền của các dân tộc Lào anh em rơi vào ngày 14-15-16/4 dương lịch. Do tình hình COVID-19 trên thế giới và trong khu vực vẫn đang có những diễn biến phức tạp, Chính phủ Lào cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người nơi công cộng trong dịp Tết. Thay vào đó, người dân được tổ chức các buổi tụ họp ở phạm vi hẹp trong gia đình hoặc ở công ty.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi dịp Tết cổ truyền, Lào có rất nhiều hoạt động lễ hội cộng đồng đặc sắc thu hút đông đảo người dân cũng như du khách tham dự như biểu diễn văn hóa, âm nhạc, thi sắc đẹp, rước bà chúa xuân, hội chợ hàng hóa…. Tuy nhiên, năm nay, trước tình hình một số nước láng giềng của Lào chưa khống chế được đà lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, Lào ngày 12/4 cũng ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 1 năm (kể từ giữa tháng 4/2020), chính phủ nước này đã yêu cầu người dân ngừng tụ tập đông người nếu không thể giữ giãn cách tối thiểu 1m; tạm thời đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, các cửa hàng ăn uống trong thời gian còn lại của tháng 4; đặc biệt người dân nếu không có việc cấp thiết, không nên di chuyển sang các địa phương khác trong giai đoạn Boun Pi May. Người dân cũng được khuyến cáo tiếp tục thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, thường xuyên đeo khẩu trang, tránh đến nơi đông người, giữ giãn cách, báo cáo các trường hợp nghi nhập cảnh bất hợp pháp cho cơ quan chức năng địa phương….

Dù dịch bệnh khiến nhiều hoạt động đón Tết năm nay bị hạn chế, song nhiều người vẫn cảm thấy vui vì còn được tổ chức tụ họp quy mô hẹp, nhất là khi nhớ lại không khí lặng lẽ dịp Tết cổ truyền năm ngoái trong thời gian Lào áp đặt lệnh phong tỏa.

Đối với người Lào, Tết là dịp để mọi người tạm thời dẹp bỏ mọi ưu tư, muộn phiền và những lo toan trong cuộc sống, diện những bộ quần áo đủ sắc màu để cùng nhau vui chơi, ca hát và té nước. Theo quan niệm của người Lào, năm mới là phải vui và để thêm vui thì ngoài té nước, còn phải mặc những bộ cánh càng lòe loẹt, càng sặc sỡ càng tốt. Đó là lý do mà vào mỗi dịp Tết cổ truyền, người người, nhà nhà ở Lào lại tìm mua những chiếc áo thật rực rỡ.

Đã thành truyền thống, cứ đến Tết là Công ty Thủy điện Nam Ngum (Nặm Ngừm 2) lại mua tặng mỗi cán bộ nhân viên một áo vải lanh sặc sỡ chỉ dùng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Chị Phengphet Soumala, nhân viên công ty chia sẻ : "Năm nào, công ty cũng mua áo chơi Boun Pi May cho cán bộ nhân viên, chỉ trừ năm 2020 khi nhà nước cấm tổ chức mọi hoạt động do dịch bệnh. Năm nay tình hình COVID-19 cải thiện hơn nên công ty lại tiếp tục mua áo chơi Tết cho cán bộ, nhân viên để tổ chức hẹp ở công ty”.

Từ đầu tháng 4 cho đến thời điểm diễn ra Tết cổ truyền, trên rất nhiều tuyến phố ở thủ đô Viêng Chăn, các cửa hàng đã bày bán đủ loại quần áo có màu sắc và hoa văn sặc sỡ, phục vụ cho nhu cầu mua sắm vui chơi của người dân Lào. Tuy nhiên, năm nay các cửa hàng buôn bán khó khăn hơn do Chính phủ Lào khuyến khích người dân ăn Tết trong nhà, duy trì các phong tục truyền thống và cấm các hoạt động công cộng.

Là người có thâm niên bán hàng quần áo để mặc trong dịp Tết đã hàng chục năm, chị Boualien Panvilaythong, chủ cửa hàng quần áo ở đường Khouvieng, thủ đô Viêng Chăn, cho biết dù được mở cửa bán hàng, nhưng so với các năm trước khi có dịch COVID-19, lượng hàng bán được không nhiều, có lẽ do chính phủ chưa cho tổ chức các sự kiện tập trung đông người nơi công cộng và do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước khi có dịch, trong mỗi dịp Tết Boun Pi May, chị thường bán được trên 1.000 chiếc áo, doanh thu khoảng trên 100 triệu kip (hơn 10.600 USD). Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh nên ngày chỉ có doanh thu khoảng trên 2 triệu, thậm chí có ngày chỉ bán được 400 đến 500 nghìn kíp.

Theo phong tục của người Lào, ngày thứ nhất (14/4) là ngày chuẩn bị tiễn đưa năm cũ, mỗi gia đình sẽ làm lễ để tưởng nhớ công ơn, công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã cho họ có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay. Buổi chiều người dân sẽ đến chùa làm lễ cúng Phật, cầu nguyện và sau đó rước tượng Phật ra một gian riêng trong 3 ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật, cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước….

Bên cạnh các hoạt động tôn giáo và sum vầy gia đình, phần vui nhất trong Tết Lào chính là hoạt động té nước, diễn ra bắt đầu từ chiều 14/4 sau khi thực hiện nghi lễ tắm Phật. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Vì thế, trước khi té nước, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc thọ và sức khỏe. Tục té nước ngày Tết cổ truyền của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này, không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những "gầu” nước dội lên khắp người khi đến thăm. Theo quan niệm của người Lào, ai bị ướt nhiều sẽ hạnh phúc và gặp may mắn nhiều hơn. 

Năm nay, do dịch bệnh, các hoạt động truyền thống như vậy cũng được hạn chế và người dân cũng tìm cách thích nghi với trạng thái mới. Vội vã đi mua đồ chơi Tết cho các con, chị Bounthan Pankham, bản Dongkhamsang, quận Hatsaiphong, thủ đô Viêng Chăn, vui vẻ tâm sự, năm nào chị cũng đi mua đồ chơi Tết té nước cho các con, năm ngoái do COVID-19 bị cấm tổ chức mọi thứ nên đành chịu, năm nay tình hình đỡ hơn nên chị lại đi mua đồ để các con chơi Tết, dù chỉ chơi ở trong nhà vẫn vui hơn bị cấm.

Có thể nói người dân Lào năm 2021 đón Tết cổ truyền dân tộc trong một tâm thế đặc biệt, vừa hết sức cảnh giác với sự lây lan của đại dịch COVID-19, vừa vui mừng vì năm nay vẫn còn được đón Tết. Tất cả đều hy vọng, với việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định chống dịch do chính phủ đưa ra, tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.

 

                               Theo Baotintuc

Các tin khác


Thưởng thức ẩm thực Hòa Bình ở ngã ba bãi Sang

(HBĐT) - Khu vực ngã ba Bãi Sang (trước thuộc xã Đồng Bảng, nay thuộc xã Đồng Tân, huyện Mai Châu) từ lâu đã được biết đến là điểm dừng chân ăn uống quen thuộc của những lái xe đường dài trên tuyến đường Hà Nội, Hòa Bình – Sơn La. Thực phẩm tươi sống, chế biến theo cách truyền thống cộng với những gia vị đặc trưng cùng với giá cả phải chăng khiến cho ẩm thực ngã ba bãi Sang ngày càng hấp dẫn thực khách. Giờ đây, không chỉ có lái xe đường dài, ngã ba bãi Sang đã trở thành điểm dừng chân không thể thiếu của khách du lịch trên cung đường khám phá Tây Bắc. Nhiều nhà hàng mới được xây dựng, kiến trúc đẹp, chất lượng phục vụ sang trọng càng làm cho ẩm thực ngã ba bãi Sang thêm nức tiếng.

Mê mẩn Trà sư trong vũ khúc hoàng hôn

(HBĐT) - Du lịch để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên chính là một cách tận hưởng cuộc sống trọn vẹn. Hoàng hôn cũng là khoảnh khắc chuyển giao như một phép màu kỳ lạ, Trà Sư duyên dáng khoác lên mình chiếc "phượng bào” đỏ rực kiêu sa hòa quyện cùng sắc vàng quý tộc dệt nên thước lụa tinh tế lấp lánh nắng chiều. Tác phẩm nghệ thuật được chế tác công phu từ bàn tay tạo hóa, toát lên vẻ đẹp lộng lẫy đồng điệu trong không gian chẳng khác chi cảnh vật "địa đàng trần gian”. Nếu bạn đang cảm thấy mỏi mệt, một buổi chiều thư giãn và chìm trong khung cảnh lãng mạn, đắm mình trong không gian ảo diệu của ánh hoàng hôn ở Trà Sư sẽ là gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.

Chính phủ hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật chất lượng cao

Ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 558/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).

Huyện Yên Thủy: Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

(HBĐT) - Đó là một trong những nội dung lớn của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được Ban Chỉ đạo phong trào huyện Yên Thủy tích cực triển khai. Qua đó, tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, xã hội, góp phần quan trong hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP của địa phương, củng cố, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở.

Ngày hội Phiên chợ vùng cao Mai Châu

(HBĐT) - Ngày 4/4, trong chuỗi sự kiện hướng tới dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30 /4/1975- 30/4/2021), ngày Quốc tế lao động 1/5, UBND huyện Mai Châu tổ chức Ngày hội Phiên chợ vùng cao với việc mở lại Phiên chợ vùng cao được diễn ra vào Chủ nhật hàng tuần tại thị trấn Mai Châu và chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Đây cũng là hoạt động khởi động kích cầu du lịch trên địa bàn.

Thăm di tích lịch sử hang đá Trại

(HBĐT) - Khu di tích lịch sử hang đá Trại (hang xóm Trại) là một trong số hang tiền sử thuộc Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng thế giới. Di tích này đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng cấp quốc gia năm 2001. Từ khi phát hiện đến nay, hang đá Trại thu hút đông đảo nhà khoa học trên thế giới và trong nước đến nghiên cứu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục