(HBĐT) - Khu di tích lịch sử hang đá Trại (hang xóm Trại) là một trong số hang tiền sử thuộc Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng thế giới. Di tích này đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng cấp quốc gia năm 2001. Từ khi phát hiện đến nay, hang đá Trại thu hút đông đảo nhà khoa học trên thế giới và trong nước đến nghiên cứu.


Hang đá Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) được tu bổ, tôn tạo phục vụ khách thăm quan, nghiên cứu, học tập về Văn Hoá Hoà Bình.

Từ ngã ba Xưa đi thêm khoảng 8 km, dừng chân tại nhà văn hoá xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) bắt đầu hành trình khám phá vùng đất cổ. Con đường từ chân núi lên đến cửa hang đã được đầu tư xây dựng để thuận tiện đi lại, xung quanh xây tường rào kiên cố. Hang nằm ở sườn phía Đông của một quả núi độc lập bên bờ suối Lạn. Ngọn núi nằm ở trung tâm của vùng Mường Vang, giữa khu cánh đồng bằng phẳng. Xa xa là những mái nhà sàn ẩn hiện giữa vườn cây. Cửa hang rộng khoảng 8 m, cao 10 m, sâu 13 m. Cửa có hình vòng cung, ánh sáng chiếu được toàn bộ diện tích hang bên trong, không khí trong hang thoáng đãng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh) cho biết: Hang xóm Trại là nơi tìm thấy vết tích của nền Văn hoá Hoà Bình vào loại sớm nhất lưu vực sông Hồng. Hang được phát hiện năm 1975, từ đó đến nay, địa điểm này nhiều lần được các nhà khoa học nghiên cứu và khai quật, cụ thể các năm: 1981, 1982, 1986, 2004, 2008. Qua những lần khai quật, diện tích lòng hang hầu như đã khai quật hết, thu được trên 5.000 hiện vật. Từ kết quả điều tra cho thấy, hang xóm Trại là một di tích Văn hoá Hoà Bình có tầng văn hoá dày (4 m). Lẫn trong tầng văn hoá phần nhiều là vỏ ốc suối, công cụ và các mảnh gốm thô, lúa, gạo cháy…, đó là minh chứng rõ rệt nhất về một nền nông nghiệp trồng lúa nước sơ khai ở thời Văn hoá Hoà Bình.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm: Xóm Trại xưa là vùng rậm rạp, chủ yếu cây sồi và dẻ phát triển, ngay cả miệng hang cũng bị các loại cây dây leo phủ kín, người tiền sử chỉ sống bằng hái lượm sồi, dẻ và săn bắn tại khu vực này. Hiện tại, đã phát hiện 6 vết mòn sâu và lớn bên dưới tầng Văn hoá Hoà Bình đã, đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng. Những vết mòn này có độ mòn rõ rệt và sử dụng lâu, điều này chứng tỏ đây là nơi con người nguyên thuỷ từng cư trú, là nơi phát hiện về con người cổ nhất trên thế giới.

Thích thú quan sát từng dấu tích của người tiền sử còn in hằn trên vách đá trong lòng hang, chị Nguyễn Mỹ Linh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được đến thăm hang xóm Trại. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào đây là lòng hang khá rộng và thoáng, không bị ẩm ướt, ngột ngạt như nhiều hang đá khác, hơn nữa vị trí còn rất đẹp. Tôi ấn tượng nhất với lối đi mòn của người Việt cổ có niên đại 21.000 năm, sâu hơn so với tầng văn hoá cổ chừng 4 m. Là người yêu thích lịch sử, được tận mắt chứng kiến những vết tích cổ xưa có niên đại hàng chục nghìn năm, tôi thấy thực tế sinh động hơn rất nhiều so với những gì được biết qua sách vở.

Năm 2008, di tích hang xóm Trại được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Bảo tồn nguyên trạng các dấu vết đường đi; gia cố, bảo tồn tầng văn hoá trong hang; dựng cụm tượng ma nơ canh tái tạo cảnh sinh hoạt bên bếp lửa trong hang; giữ nguyên một phần tầng văn hoá đã hoá thạch bên vách hang… để phục vụ cho việc thăm quan, nghiên cứu về Văn hoá Hoà Bình.

Trong thời gian tới, cùng với dự án tổ hợp khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, cáp treo và tàu hỏa leo núi, yoko tại xã Quý Hoà, Tân Lập trở thành một trong số điểm dừng chân được dự kiến, hang sẽ được tu bổ, tôn tạo thêm để trở thành điểm thăm quan hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, bà con xóm Trại cũng sẽ được tập huấn để phát triển những sản vật đặc trưng của địa phương trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi về với xóm Trại.

Đến với hang đá Trại, bao nhiêu dấu tích còn sót lại là bấy nhiêu hiện thực sống động hiện lên về cuộc sống của người cổ xưa. Đây thực sự là một "bảo tàng văn hoá” chân thực nhất, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị với Văn hoá Hoà Bình, là niềm tự hào của vùng đất cổ Mường Vang.


Khánh Linh


Các tin khác


Nguy cơ mối mọt xâm hại phố cổ Hội An

Khảo sát mới đây của các đơn vị chức năng cho thấy, 265 di tích trong các khu phố cổ thuộc TP Hội An (Quảng Nam) đang bị mối mọt gây hại ở mức nặng và rất nặng. Việc triển khai các giải pháp xử lý tình trạng này là điều cấp thiết ngay nhằm ngăn chặn kịp thời sự phá hại cũng như ngăn ngừa sự tái xâm nhập trở lại của các tổ mối đang gây hại cho các công trình.

Huyện Lương Sơn: Lan tỏa phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu

 (HBĐT) - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (KDCNTMKM), giai đoạn 2018-2020, đến nay, huyện Lương Sơn có 9 KDCNTMKM đạt chuẩn theo quy định. Phong trào xây dựng KDCNTMKM góp phần tạo nên những miền quê trù phú, phát triển. Xây dựng KDCNTMKM là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM, huyện NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTMKM.

Đắm say điệu Rằng, Thường ở Mường Vang

(HBĐT) - Dư âm về "chiếu hát" lần đầu tiên được mở lại sau nhiều năm ở sân hội đình Khói, xã Ân Nghĩa vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người dân vùng đất Mường Vang - Lạc Sơn. Không khí sôi nổi, điệu hát đắm say, cả hội xuân như cuốn theo "chếu hát”...

Huyện Cao Phong: Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm thành lập Trung đoàn 12 Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 26/3, tại xóm Bãi Bệ I, xã Dũng Phong, UBND huyện Cao Phong tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh "Địa điểm thành lập Trung đoàn 12 Hòa Bình, năm 1951". Dự lễ có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,  Sở VH-TT&DL, Bộ CHQS tỉnh và một số sở, ngành, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong. 

Khi “văn hóa làng” lên phố

(HBĐT) - Không lấn chiếm lòng đường, hè phố; không có chợ cóc, chợ tạm; không cơi nới mái che, mái vẩy, treo hình ảnh, đặt biển quảng cáo gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị; không viết, vẽ, dán quảng cáo, rao vặt lên tường, cây xanh, cột điện và các công trình đô thị… Đó là những quy định TP Hòa Bình đặt ra để hướng tới xây dựng đô thị văn minh. Phần đa các gia đình, khu dân cư đã thực hiện tốt, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những người, những hộ chấp hành chưa nghiêm, ấy là khi "văn hóa làng” được đưa lên phố.

Ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke tự phát

(HBĐT) - Thời gian gần đây, tình trạng hát karaoke tự phát tại các gia đình có chiều hướng tăng, gây khó chịu, bức xúc cho những người hàng xóm và cộng đồng. Tình làng nghĩa xóm có nơi cũng bị "sứt mẻ" chỉ vì ô nhiễm tiếng ồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục