(HBĐT) - Nếu đến ngã ba Chỉ thuộc địa bàn xóm Chỉ Bái, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) dễ dàng nhận thấy sự hiện diện mát lành, ấn tượng của 2 cây cổ thụ được trồng từ năm 1963: Một bên là cây đa rợp bóng bình yên do đồng chí Hồ Thị Bi, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định trồng; một bên là cây gạo vươn cao mạnh mẽ, do đồng chí Bùi Văn Kín, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình trồng. Đó là hai dấu ấn lịch sử minh chứng sinh động cho nghĩa tình Hòa Bình - Gia Định khi xưa, gợi nhớ một thời sục sôi "Vì miền Nam ruột thịt” trên đất Hòa Bình.


Hiện nay, cây đa và cây gạo tượng trưng cho nghĩa tình son sắt Hòa Bình - Gia Định được UBND xã Hùng Sơn (Kim Bôi) bảo tồn để giới thiệu  rộng khắp đến người dân về ý nghĩa của một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Tự hào giới thiệu về dấu ấn lịch sử trên mảnh đất quê hương, đồng chí Bùi Thế Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn cho biết: Gần 60 năm qua, cả cây đa và cây gạo vẫn luôn xanh tốt như muốn giữ gìn, trân quý, khẳng định sự bền vững đời đời của mối ân tình Hòa Bình - Gia Định xưa. Cùng với năm tháng thời gian, mặc dù mảnh đất này đã có nhiều thay đổi nhưng người dân nơi đây vẫn  chung tay chăm sóc, giữ gìn sự xanh tươi của "cây đa Gia Định” và "cây gạo Hòa Bình”. Đây không chỉ là dấu ấn của một thời lịch sử đã qua, mà còn là niềm tự hào truyền lửa cho nhiều thế hệ con em Mường Động.     
 
Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, năm 2014, chính quyền, Nhân dân địa phương đã đóng góp để tu bổ khu vực này tương xứng với vai trò, ý nghĩa đặc biệt của nó. Cùng với việc xây bồn cây và làm bia ghi danh, xã Hùng Tiến cũ (nay là xã Hùng Sơn) tích cực vận động, triển khai các hoạt động ý nghĩa để tuyên truyền, lan tỏa giá trị địa danh lịch sử. Các trường học trên địa bàn thường tổ chức những buổi học dã ngoại. Đoàn viên, thanh niên làm công tác dọn dẹp vệ sinh. Đặc biệt, năm 2019, những thông tin về nghĩa tình Hòa Bình - Gia Định cùng biểu tượng cây đa - cây gạo đã được trân trọng đưa vào cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hùng Tiến, tiếp tục khẳng định niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, đảng viên, người dân nơi đây khi trên địa bàn có một dấu ấn lịch sử đặc biệt.

Ngược thời gian trở về những năm tháng cả nước cùng chung nhịp đập trái tim hướng về miền Nam ruột thịt đang oằn mình trong lửa đạn. Với tinh thần "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các phong trào "Vì miền Nam ruột thịt” được triển khai sâu rộng, trong đó, có một phong trào mang đậm nghĩa tình Bắc - Nam, đó là sự kết nghĩa của các tỉnh, thành phố miền Bắc với các tỉnh, thành phố miền Nam. Kết nghĩa với tỉnh Gia Định, Hòa Bình đã có nhiều hành động thiết thực vì miền Nam nói chung, vì Gia Định anh em nói riêng. Những năm 60, phong trào xung phong đi bộ đội, viết đơn tình nguyện đi chiến đấu đã được Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng. Hòa Bình đã thực hiện tốt khẩu hiệu "Gia Định cần người, Hòa Bình có người; Gia Định cần của, Hòa Bình có của”. Trong ký ức của nhiều cựu chiến binh, giai đoạn lịch sử sôi sục đó gắn liền với những cái tên lịch sử như Tiểu đoàn Hoà Bình II (phiên hiệu 493) chiến đấu ở B2 miền Đông Nam Bộ, Tiểu đoàn III (phiên hiệu 494) chiến đấu ở chiến trường B4, B5… Theo thống kê, từ năm 1965 - 1968, toàn tỉnh có 7 gia đình có 4 con, hơn 50 gia đình có 3 con, 450 gia đình có 2 con đi chiến đấu. Ngoài ra, có hàng chục gia đình cả 2 vợ chồng, 2 bố con trong quân ngũ. Trong 4 năm, toàn tỉnh đã động viên hơn 1 vạn thanh niên bổ sung vào quân đội, đi chiến đấu, bằng 34% nam công dân ở lứa tuổi 18 - 35 của tỉnh. 

Đó là tiền tuyến sục sôi. Còn ở nơi hậu phương cũng bền chí bền lòng, Nhân dân Hoà Bình ra sức thi đua lao động, sản xuất với các khẩu hiệu: "Hòa Bình đổ giọt mồ hôi, để cho Gia Định bớt rơi máu đào”, "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Gia Định anh em”… Khắp nơi trong tỉnh xuất hiện những hành động vì miền Nam, vì Gia Định, như: Vụ mùa Hòa Bình - Gia Định, xưởng cưa Hoóc Môn. Nhiều đập nước, vườn cây, trường học, tủ sách, nhà máy, đường sá mang tên Hòa Bình - Gia Định… Năm 1975, tỉnh Gia Định giải thể. Địa bàn tỉnh Gia Định trước khi giải thể tương ứng với TP Thủ Đức và một số quận, huyện thuộc TP Hồ Chí Minh ngày nay. 

Đặc biệt, trong ký ức nhiều người vẫn còn lưu giữ hình ảnh nhỏ bé, thân thiện của bà Hồ Thị Bi, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định với nhiều hoạt động ý nghĩa trên đất Hòa Bình. Năm 1960, bà được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh và trúng cử 2 khóa liên tiếp tại đây. Năm 1963, bà trồng một cây đa để kỷ niệm tại ngã ba xã Hùng Tiến (nay là xã Hùng Sơn). Cây đa đó giờ vẫn được người dân địa phương yêu mến gọi là "cây đa bà Bi”... Sau gần 60 năm, trên đất Mường Động ngày nay vẫn xanh mát biểu tượng tốt đẹp của một nữ anh hùng dân tộc, minh chứng cho nghĩa tình Hòa Bình - Gia Định một thời keo sơn, đời đời bền vững.

Thu Trang

Các tin khác


Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước: Chương trình nghệ thuật “Giai điệu Tổ Quốc” diễn ra tối 29-4

Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật "Giai điệu Tổ Quốc” vào tối 29-4 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nội dung; PGS,TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nghệ thuật.

Oscar vinh danh các đại diện châu Á

Lễ trao giải Oscar lần thứ 93 vừa diễn ra ngày 26-4 đã vinh danh những đại diện đến từ châu Á như đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao hay nữ diễn viên gạo cội Hàn Quốc Yuh-Jung Youn.

Những bài học từ một vở diễn lịch sử

Chỉ là câu chuyện ngoài chính sử, không quá đi sâu vào tình tiết, ngắn gọn trong lời thoại, ấn tượng trong thiết kế, vở Làm vua của Sân khấu Lệ Ngọc mới công diễn đã lôi cuốn khán giả.

Sắc màu "Phiên chợ vùng cao Mai Châu"

(HBĐT) - Hoạt động trở lại sau một khoảng thời gian tạm dừng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, "Phiên chợ vùng cao Mai Châu" - một trong những sản phẩm du lịch độc đáo hứa hẹn tiếp tục mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, những khám phá mới mẻ về cuộc sống, con người cùng những sắc màu văn hóa đặc trưng của vùng cao Tây Bắc.

Xã Phong Phú: Chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

(HBĐT) - Những năm qua, với nhiều cách làm khác nhau, xã Phong Phú (Tân Lạc) luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Khám phá chùa Hang - hang Chùa

(HBĐT) - Những bậc đá rêu phong phủ được che yên bình bởi tán cây xanh mát dẫn bước chân chúng tôi lên đến chùa Hang. Sau một thời gian tôn tạo, chùa Hang, xã Yên Trị (Yên Thủy) vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo của "ngôi chùa trong hang” nhưng đồng thời cũng có cảnh quan khang trang, đẹp mắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục