(HBĐT) - Những bậc đá rêu phong phủ được che yên bình bởi tán cây xanh mát dẫn bước chân chúng tôi lên đến chùa Hang. Sau một thời gian tôn tạo, chùa Hang, xã Yên Trị (Yên Thủy) vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo của "ngôi chùa trong hang” nhưng đồng thời cũng có cảnh quan khang trang, đẹp mắt.


Điểm đặc biệt của di tích chùa Hang, xã Yên Trị (Yên Thủy) là toàn bộ không gian thờ cúng đều ở trong hang đá.

Hang Chùa còn có tên là "Văn Quang Động”. Chùa Hang là tên thường gọi của ngôi chùa được xây dựng trong động Văn Quang, xưa kia chùa có tên chữ là "Thanh Lam Tự”. Di tích chùa Hang và hang Chùa cách trung tâm TP Hoà Bình khoảng 85 km về phía Nam, cách thị trấn Hàng Trạm khoảng 5 km, cách thị trấn Nho Quan, tỉnh Ninh Bình khoảng 13 km.

Gọi là Hang chùa vì tại 4 động ở núi này có tới 2 động có chùa ở trong đó. Vẻ đẹp của hang động không những chỉ được chùa tô điểm mà tự thân những hang động này cũng có những vẻ đẹp mà các bài ký, bài thơ của người xưa ghi lại trên vách đá đến nay còn nguyên giá trị. Tại vị trí trung tâm của di tích, hiện nay, trên vách hang Chùa vẫn còn lưu lại một số văn bia cổ được khắc bằng chữ Hán Nôm. Trong đó có 1 bức đại tự, 1 bài thơ, 2 bài ký và 1 bia về việc trùng tu chùa Hang. Các bài thơ, ký đều có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của Thanh Lam Tự cũng như khẳng định rằng ngôi chùa cổ này vốn rất linh thiêng, nhờ đó mà mảnh đất Yên Thủy đã sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt…

Theo các nhà khảo cổ học, hang Chùa cũng là nơi phát hiện ra dấu vết khảo cổ học thuộc nền "Văn hoá Hoà Bình”. Trong hang 2 và hang 3, người ta đã tìm thấy các trầm tích hoá thạch thức ăn của người xưa như vỏ ốc, vỏ sò, mảnh công cụ... Vào thời Trung đại, dấu tích văn hoá cũng để lại ở đây khá đậm nét đó là quả chuông đồng được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783). Chiếc chuông là bằng chứng cho thấy, vào thế kỷ XVIII hang Chùa đã được khai thác, hang được biến thành chùa bởi những vị tu hành đạo cao, đức trọng. Từ dưới đường quốc lộ 12, leo lên những bậc thềm đá sẽ thấy ngay trước mắt một khuôn viên bán sơn với vách núi to sừng sững ngay trước mặt. Chếch tầm mắt ngay phía bên phải là Cửa Đức Ông, theo lối đi bên phải cách Cửa Đức Ông vài chục mét là gian thờ Mẫu. Phía bên trái lối lên chính, đi chừng mấy chục bước chân, khuất tầm mắt sau sườn núi đá là gian chính điện Tam Bảo. Ngay sát không gian chính điện là gian thờ Chúa (thờ Tam vị Chúa Mường). Điều đặc biệt là tất cả không gian chùa, thờ cúng đều ở trong hang.

Không chỉ độc đáo bởi kiến trúc chùa trong hang, mà cảnh quan nơi đây còn được bao phủ bởi cây cối xanh mát quanh năm và hàng ngàn chậu hoa phong lan đang khoe sắc, tỏa hương, đung đưa trong gió. Vậy nên, mặc dù là mùa nắng nóng, nhưng khi vãn cảnh chùa Hang vẫn luôn cảm thấy rất mát mẻ, trong lành, bình yên.

Năm 1994, chùa Hang - hang Chùa đã được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Cũng từ ngày đó, vào những ngày đầu năm, xã Yên Trị lại tưng bừng mở hội chùa Hang. Lễ hội chùa Hang là lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng với mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong đó, ngày 14 tháng Giêng diễn ra các hoạt động giao lưu thể thao, đêm giao lưu văn nghệ "Mừng Đảng - mừng Xuân”. Ngày 15 tháng Giêng là chính hội với các hoạt động: Lễ rước, múa lân, ném còn, thi đấu bóng chuyền… Chùa Hang - hang Chùa là nét đẹp kết hợp giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa truyền thống. Đến với lễ hội, Nhân dân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh chùa độc đáo trong hang đá; sau đó, thắp nén hương thành kính cầu đức Phật cầu lộc, cầu tài và tham gia giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị chùa Hang - hang Chùa, năm 2020, một số hạng mục của di tích như: Giếng Tam Linh, đền Trình, lối lên xuống, khu vực nghỉ chân vãn cảnh… đã được tôn tạo và xây mới tạo sự khang trang, quy mô, nâng tầm giá trị di tích.


Dương Liễu


Các tin khác


Giỗ Tổ Hùng Vương - lắng đọng sức mạnh cội nguồn dân tộc

(HBĐT) - Xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ mà điểm nhấn quan trọng là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chất chứa nội hàm biểu trưng của lòng thành kính, tri ân của con dân đất Việt với công đức các Vua Hùng - những người có công dựng nước...

Nhộn nhịp phiên chợ Vó

(HBĐT) - Chợ Vó mỗi tuần họp 2 phiên, nhộn nhịp nhất là phiên họp vào sáng Chủ nhật. Đi chợ Vó có thể mua được đủ thứ, từ quần áo, giày dép, các nhu yếu phẩm, rồi nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, ở chợ phiên này còn lưu giữ được những nét quê của chợ phiên xưa.

Giao lưu Văn hóa đọc nhân ngày Sách Việt Nam

(HBĐT) - Ngày 16/4, Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn tổ chức Chương trình "Giao lưu Văn hóa đọc” nhân ngày Sách Việt Nam 21/4 lần thứ 8 năm 2021. Đến dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện Lương Sơn, cùng đông đảo giáo viên và học sinh các trường mầm non, TH&THCS, THPT, PT DTNT – THCS&THPT trong toàn huyện.

Quảng trường Hòa Bình - điểm đến thú vị

(HBĐT) - Đã thành nếp, cứ tối thứ Bảy, vợ chồng Hoàng Thu lại đưa 2 con đến vui chơi ở Quảng trường Hòa Bình (TP Hòa Bình). Chúng hào hứng, thích thú khi được gác lại bài vở để thỏa sức vui đùa. Còn với 2 vợ chồng, đây là khoảng thời gian được thư giãn sau một tuần làm việc mệt nhọc. Nhìn bọn trẻ tíu tít với các trò chơi, Thu cười vui: Chúng chỉ mong thứ Bảy thôi. Đến đây được tự lái nhiều loại xe điện, rồi đạp xích lô, không thì câu cá, tô tượng, xúc hạt... Nhiều hôm, hai vợ chồng giục mãi cũng chẳng muốn về. Nhưng em nói thật, ở đây người lớn còn thích chứ nói gì đến trẻ con. Rộng rãi, thoáng đãng,không khí náo nhiệt. Nhiều hôm bọn em còn tranh thủ đi bộ được vài vòng. Những lúc như vậy mới thấy thư thái làm sao.

Đảm bảo an toàn, chu đáo dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng

Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm Tân Sửu 2021 cho biết, năm nay là năm lẻ nên Giỗ Tổ Hùng Vương do tỉnh Phú Thọ tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục