Chỉ là câu chuyện ngoài chính sử, không quá đi sâu vào tình tiết, ngắn gọn trong lời thoại, ấn tượng trong thiết kế, vở Làm vua của Sân khấu Lệ Ngọc mới công diễn đã lôi cuốn khán giả.


Cảnh trong vở diễn Làm vua. Ảnh: Trần hải

Kịch bản sân khấu vở Làm vua được đạo diễn Lê Quý Dương biên tập, chuyển thể và dàn dựng từ kịch bản văn học của TS Nguyễn Đăng Chương, trong đó có biên tập, bổ sung nhân vật và một số cảnh diễn. Vở diễn lấy không gian lịch sử của triều đại nhà Đinh, tái hiện những câu chuyện xoay quanh Vua Đinh Tiên Hoàng trong mối quan hệ hoàng tộc, triều chính và chốn hậu cung. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng đã dựng nên nhà nước Đại Cồ Việt, khẳng định nền tự chủ độc lập, mở ra triều đại phong kiến tập quyền đầu tiên của dân tộc. Chuyện kịch đề cập và lý giải mối quan hệ của ba nhân vật chính: Đinh Tiên Hoàng đế, Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, để từ đó làm rõ chủ đề tư tưởng về đạo làm vua, về trách nhiệm trước vận mệnh đất nước và dân tộc. Đạo diễn Lê Quý Dương đã xây dựng được một kịch bản theo hướng sân khấu hiện đại, nhưng đậm chất sử thi.
 
 Câu chuyện lịch sử thời dựng nền tự chủ của triều đại nhà Đinh đã được soi chiếu lại bằng một tư duy dàn dựng và phong cách diễn xuất hoàn toàn mới. Cả ba nhân vật chính đã biết hy sinh và vượt lên trên tình riêng của mình để trọn vẹn tấm lòng và trách nhiệm trước vận mệnh của giang sơn xã tắc, muôn dân trăm họ và nền chính thống non trẻ của nhà nước Đại Cồ Việt.
 
 Đinh Tiên Hoàng đế được sử sách ngợi ca, nhưng cũng để lại nhiều uẩn khúc chưa sáng tỏ trong cuộc đời riêng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả sự nghiệp, có thể thấy những hành xử của ông là phù hợp. Đây là một vai diễn khó và đầy thách thức, bị va đập và giằng xé giữa một bên là tình yêu tha thiết ông dành cho Hoàng hậu Dương Vân Nga, với một bên là trách nhiệm lớn lao của một vị hoàng đế trước vận mệnh sống còn của giang sơn xã tắc và giấc mơ thái bình, hạnh phúc cho muôn dân. Ông hiểu và đau nỗi đau khi hy sinh tình cảm cá nhân để thu phục người tài, đoàn kết nhân tâm, tạo lập những mối quan hệ bền vững vì cơ đồ Đại Cồ Việt. Một sự hy sinh trong nỗi đau quặn thắt, nghiệt ngã đến tận cùng, nhưng vô cùng quang minh và vĩ đại trước muôn đời hậu thế của một vị vua vì dân, vì nước. Nghệ sĩ Văn Hải - người vào vai Vua Đinh Tiên Hoàng đế đã diễn xuất chạm được đến tận cùng cảm xúc của nhân vật, khắc họa nên hình tượng vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt thời tự chủ, song cũng rất đời thường, rất mộc mạc ngay từ thuở "phất lau trắng làm cờ tập trận”. Chính những điều bình dị ấy từ những người dân thường đã theo Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, làm nên sự nghiệp, thống nhất đất nước. Trong từng cảnh diễn, đối thoại, nhưng cũng là tự sự nội tâm mới thấy được tầm vóc của bậc quân vương biết "đặt ngai vàng vào giữa lòng dân”, biết trọng dụng người tài, liêm chính khi dạy bảo con trai Nam Việt Vương Đinh Liễn.
 
 Đã có nhiều vở diễn về Hoàng hậu Dương Vân Nga, nhưng vở Làm vua mang đến cách nhìn mới với chiều sâu nội tâm của nhân vật. Vào vai diễn này, NSND Lệ Ngọc đã thể hiện thành công hình tượng một Dương Vân Nga đầy bản lĩnh và nghị lực, song cũng là người phụ nữ với những yêu thương, dằn vặt giữa đôi ngả tình yêu. Đau đớn đấy mà vẫn phải dìm nén trong lòng mối tình đầu trong trắng với dũng tướng Lê Hoàn, để khẳng định sự đoan chính, ngay thẳng của một chính cung Hoàng hậu hết lòng vì đất nước, vì Đinh Tiên Hoàng đế. Với những bổ sung mới trong kịch bản, đạo diễn đã đẩy xung đột nội tâm nhân vật lên đỉnh điểm mà cái hay là vẫn giữ được sự thăng bằng, không để tình cảm bị xô đẩy, vượt qua lý trí. Và cũng như Đinh Tiên Hoàng đế, Hoàng hậu Dương Vân Nga đã vượt qua những trái ngang của định mệnh, góp phần "dẹp loạn bên trong” giữ vững sự ổn định nơi triều chính, làm yên lòng người, nhằm củng cố sức mạnh đất nước bởi "Vương quyền nào cũng chỉ là nhất thời, chỉ có giang sơn xã tắc là trên hết”.
 
 Không kém phần đẹp và bi tráng được đạo diễn dụng công xây dựng trong vở diễn là hình tượng tướng quân Lê Hoàn, đề cao bổn phận với triều đình, với dân tộc, tự hào với "trách nhiệm thiêng liêng của một Thập đạo tướng quân, trọn vẹn tấm lòng trước sơn hà, xã tắc”. Bên cạnh đó là nhiều nhân vật được đạo diễn mở rộng và phát triển số phận như Công chúa Phất Kim, Nam Việt Vương Đinh Liễn, Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc, em gái Dương Vân Nga, Phò mã Đô úy Ngô Nhật Khánh, người hầu gái..., góp phần tỏa sáng hơn cho hình tượng ba nhân vật chính.
 
 Một trong những yếu tố làm nên thành công của vở Làm vua là đã kết hợp chặt chẽ giữa tính huyền thoại sử thi với kỹ thuật và ngôn ngữ, dàn dựng hiện đại. Xuyên suốt vở diễn luôn phảng phất tiếng đàn đáy, tiếng phách và trống chầu trăn trở, sục sôi như hòa vào cảnh diễn từ những khoảng lặng trữ tình nội tâm hay cao trào căng thẳng. Vở diễn quy tụ ê-kíp sáng tạo nổi tiếng như họa sĩ Điệp Nguyễn (diễn họa phối cảnh 3D), họa sĩ Khánh Art (thực hiện toàn bộ bối cảnh), chuyên gia ánh sáng Long Lighting... Ở vở diễn này, kỹ thuật hiện đại được áp dụng với sân khấu quay, tách khối cảnh trí cùng hiệu ứng ánh sáng gây nhiều ấn tượng.
 
 Có thể nói, đây là vở diễn được Sân khấu Lệ Ngọc đầu tư lớn nhất từ trước tới nay với mong muốn có một vở kịch sử thi và chính luận thật sự quy mô. Theo một nhà phê bình sâu khấu, vở Làm vua không đề cập, minh họa nguyên bản lịch sử mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi, vừa mang tính đương đại, nêu lên nhiều bài học quý giá cho các thế hệ hôm nay.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Nhân lên từ sức mạnh cội nguồn dân tộc

(HBĐT) - "Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Câu ca ấy như một lời thề trong sâu thẳm mỗi trái tim con dân đất Việt; ẩn chứa cả một thế giới tâm linh sâu nặng nghĩa tình. Nguồn mạch của sức mạnh được bắt đầu từ những truyền thuyết lịch sử rất xa xưa; là mối tình đặc biệt của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, sinh ra một trăm người con… 50 người con theo cha xuống biển, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, 49 người con theo mẹ lên núi, khai sơn phá thạch phát triển kinh tế và giống nòi. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu xưng Vương lấy quốc hiệu Văn Lang từ thủa đó…

Ngày hội sách và văn hóa đọc tỉnh năm 2021

(HBĐT) - Ngày 20/4, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2021.

Mâm cơm trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Tâm điểm của tuần mới này chính là ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Năm nay giỗ Tổ Hùng vương có 2 thời điểm chính là 17/4 và 21/4 (mùng 6 và 10/3 Âm lịch). Vì vậy, cuối tuần qua, mặc dù thời tiết có mưa nhưng người dân bốn phương vẫn "đội mưa” đổ về Đền Hùng trong ngày lễ hội, thành tâm dâng lễ tưởng nhớ các Vua Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương - lắng đọng sức mạnh cội nguồn dân tộc

(HBĐT) - Xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ mà điểm nhấn quan trọng là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chất chứa nội hàm biểu trưng của lòng thành kính, tri ân của con dân đất Việt với công đức các Vua Hùng - những người có công dựng nước...

Nhộn nhịp phiên chợ Vó

(HBĐT) - Chợ Vó mỗi tuần họp 2 phiên, nhộn nhịp nhất là phiên họp vào sáng Chủ nhật. Đi chợ Vó có thể mua được đủ thứ, từ quần áo, giày dép, các nhu yếu phẩm, rồi nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, ở chợ phiên này còn lưu giữ được những nét quê của chợ phiên xưa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục