(HBĐT) - Những ngày tháng Tư, lật dở trang sử hào hùng, gặp gỡ những bậc lão thành cách mạng, người tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cảm nhận niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của quân và dân TP Hòa Bình.



Thành phố Hòa Bình nay đã có diện mạo mới.

Trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã Hòa Bình là một địa bàn chiến lược rất quan trọng án ngữ đường quốc lộ 6, mạch máu giao thông nối Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ với vùng Tây Bắc. Cùng với vị trí nằm hai bên bờ sông Đà, cách trung tâm Thủ đô hơn 70 km, thị xã trở thành một trong 94 mục tiêu trên bản đồ đánh phá của không quân Mỹ. Chính vì vậy, năm 1965, Đảng bộ thị xã khóa V đã xác định: "… không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của kẻ địch, đảm bảo tốt sản xuất và đời sống của Nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà”. Tại 4 kỳ đại hội sau, Đảng bộ thị xã đều xác định các nhiệm vụ trọng tâm, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. 
10 năm (1965 - 1975) là chặng đường lịch sử đầy khó khăn, thử thách của quân và dân thị xã. Trong năm 1965, 1966, không quân Mỹ liên tiếp trinh sát và ném bom xuống xã Thịnh Lang làm hàng chục nhà cửa của đồng bào bị thiêu hủy. Hàng chục tốp máy bay phản lực của giặc Mỹ trút hàng trăm quả bom xuống trường lái xe ở khu phố Chăm… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, công tác phòng tránh, đào hầm, sơ tán được khẩn trương thực hiện. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI, cán bộ, đảng viên, Nhân dân bắt tay vào đợt thi đua, quyết tâm giữ vững thế chủ động với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 10.265 hầm, 95 chiến hào đã được đào trong thời gian ngắn; xây dựng được hệ thống báo động phòng không nhanh và hiệu quả. Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ được củng cố, phát triển. Quân và dân thị xã chắc tay súng ngày đêm canh giữ bầu trời. Thị xã đã xây dựng được 30 trận địa phòng không, khẩu đội 37 ly, 20 ly… và hàng trăm súng trường, tạo thành lưới lửa dày đặc, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh trả có hiệu quả với máy bay địch. Điển hình, ngày 15/8/1965, các chiến sỹ tự vệ phối hợp ăn ý với bộ đội chủ lực lần đầu tiên bắn cháy chiếc máy bay F4H của giặc Mỹ được mệnh danh là "thần sấm” đi oanh kích thị xã, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân. 

Thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cả thị xã, từ các nhà máy, xí nghiệp đến khu phố, từ các cụ phụ lão đến các em thiếu nhi đều ra sức thi đua. Các khẩu hiệu được tích cực thực hiện: "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thanh niên "Ba sẵn sàng”, phụ nữ "Ba đảm đang”… Nhân dân tham gia dân công hỏa tuyến. 10 năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, thị xã hết sức, hết lòng chi viện cho miền Nam, cho Gia Định kết nghĩa thân yêu; có 3.596 thanh niên lên đường nhập ngũ, 365 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 394 thương binh để lại một phần máu thịt nơi chiến trường. Quân và dân thị xã còn góp 3.150 tấn lương thực, 1.080 tấn thực phẩm, 2.600 tấn rau quả… Tất cả tấm lòng, sự son sắt và anh dũng đó đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Ghi nhận những đóng góp, năm 1999, Nhân dân và LLVT thị xã Hòa Bình đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Một số xã, phường cũng được tặng danh hiệu cao quý này. Những trang sử vẻ vang đó và kinh nghiệm tích lũy được là hành trang quý giá để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phấn đấu xây dựng TP Hòa Bình nay trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh, bản sắc. 

Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Bí thư Thành ủy khẳng định: Truyền thống lịch sử là cội nguồn tiếp thêm sức mạnh để thành phố tiếp tục nỗ lực bứt phá vươn lên, xứng tầm là trung tâm của tỉnh. Thành phố tập trung xây dựng khối đoàn kết, hệ thống chính trị vững mạnh. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH; xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, phấn đấu là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Trước hết, tập trung thực hiện các giải pháp để trở thành đô thị loại II trước năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II đã đề ra. 

Mục tiêu trên có nền tảng, cơ sở là thành phố đã đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thành phố nay đã có vị thế mới khi huyện Kỳ Sơn (cũ) sáp nhập vào. Thành phố cũng vững vàng thực hiện "mục tiêu kép” trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hết năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 76%; hộ nghèo chỉ còn 1,28%, thu ngân sách Nhà nước hoàn thành với 597 tỷ đồng. Trong quý I/2021, các chỉ tiêu về KT-VH-XH đạt kết quả tích cực. Hàng loạt các dự án trọng điểm, tầm cỡ đã, đang và sẽ được thực thiện. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã tìm "đất lành” để triển khai dự án. Thành phố đang quản lý 96 dự án sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Cầu 3, rồi cầu 2 sẽ sừng sững bắc qua dòng sông Đà lịch sử… Tương lai đang rộng mở, thành phố xây ước mơ trở thành thành phố đáng sống. Điều này rất cần sự chung tay, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mỗi công dân.

 Cẩm Lệ

Các tin khác


Phát động cuộc thi báo chí về "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng"

Các tác phẩm báo chí tham dự cuộc thi sẽ góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước: Chương trình nghệ thuật “Giai điệu Tổ Quốc” diễn ra tối 29-4

Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật "Giai điệu Tổ Quốc” vào tối 29-4 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nội dung; PGS,TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nghệ thuật.

Oscar vinh danh các đại diện châu Á

Lễ trao giải Oscar lần thứ 93 vừa diễn ra ngày 26-4 đã vinh danh những đại diện đến từ châu Á như đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao hay nữ diễn viên gạo cội Hàn Quốc Yuh-Jung Youn.

Những bài học từ một vở diễn lịch sử

Chỉ là câu chuyện ngoài chính sử, không quá đi sâu vào tình tiết, ngắn gọn trong lời thoại, ấn tượng trong thiết kế, vở Làm vua của Sân khấu Lệ Ngọc mới công diễn đã lôi cuốn khán giả.

Sắc màu "Phiên chợ vùng cao Mai Châu"

(HBĐT) - Hoạt động trở lại sau một khoảng thời gian tạm dừng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, "Phiên chợ vùng cao Mai Châu" - một trong những sản phẩm du lịch độc đáo hứa hẹn tiếp tục mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, những khám phá mới mẻ về cuộc sống, con người cùng những sắc màu văn hóa đặc trưng của vùng cao Tây Bắc.

Xã Phong Phú: Chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

(HBĐT) - Những năm qua, với nhiều cách làm khác nhau, xã Phong Phú (Tân Lạc) luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục