Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo nhằm cụ thể hóa vị trí, vai trò của thư viện công cộng cấp tỉnh với tư cách là một loại thư viện thuộc nhóm thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Thư viện và vị trí là thư viện trung tâm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Thư viện.
Dự thảo bổ sung các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn giúp cho thư viện công cộng cấp tỉnh có thể phát huy vai trò như một thư viện trung tâm của tỉnh/thành phố, thúc đẩy quá trình liên thông, liên kết, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các thư viện khác trên địa bàn.
Theo dự thảo, tên gọi của thư viện công cộng cấp tỉnh được quy định như sau: Thư viện tỉnh+tên tỉnh/thành phố. Thư viện công cộng cấp tỉnh có đối tượng phục vụ là mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện.
Thư viện công cộng cấp tỉnh do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có chức năng thu thập, bảo quản, tổ chức khai thác và sử dụng chung tài nguyên thông tin về địa phương, nói về địa phương, các tài nguyên thông tin trong nước và nước ngoài phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; phát triển văn hóa đọc, kỹ năng thông tin cho nhân dân trên địa bàn thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện.
Thư viện công cộng cấp tỉnh là thư viện trung tâm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong các hoạt động sau: Phát triển tài nguyên thông tin bao gồm: Tài liệu cổ quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt, tài nguyên thông tin về tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số; tài nguyên thông tin của địa phương và viết về địa phương; xử lý thông tin, xây dựng sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; bảo quản các tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt của tỉnh/thành. Luân chuyển, trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn thư viện theo quy định của pháp luật; hiện đại hóa thư viện, ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động thư viện; liên thông, liên kết, kết nối các thư viện theo quy định của pháp luật.
Thư viện công cộng cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện
Ngoài nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 11, Điều 38 và Điều 39 của Luật Thư viện, thư viện công cộng cấp tỉnh có nhiệm vụ phát triển tài nguyên thông tin, tiếp nhận xuất bản phẩm địa phương; trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện và thực hiện việc thanh lọc tài nguyên thông tin theo quy định. Thực hiện nhiệm vụ luân chuyển tài nguyên thông tin, tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các thư viện trên địa bàn; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện trên địa bàn.
Cung ứng thông tin, sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện cho người sử dụng. Biên soạn ấn phẩm thông tin chọn lọc, thư mục; hướng dẫn tra cứu và trả lời các thông tin về tài nguyên thông tin của thư viện. Bảo quản tài nguyên thông tin theo quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, thư viện công cộng cấp tỉnh còn có nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tự động hóa, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện; tham gia xây dựng và phát triển tài nguyên thông tin số, tài nguyên thông tin mở, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng cấp tỉnh bao gồm: Lãnh đạo và các phòng chức năng. Lãnh đạo thư viện công cộng cấp tỉnh có giám đốc và các phó giám đốc theo quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.