Không đơn thuần chỉ là cuộc trưng bày những tài liệu, hiện vật như thông thường, Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) còn là những câu chuyện cảm động về những tập thể, cá nhân đã vượt lên hoàn cảnh, số phận để dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng vì lợi ích cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 


Khách tham quan tại một góc Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý".

Triển lãm kết nối người xem bằng hai phần trưng bày mang ý nghĩa đặc biệt, phần một: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Ðảng, toàn dân ta" như lời khẳng định đanh thép về quyết tâm của cả nước gắn liền phong trào thi đua "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Ðể rồi bước sang phần hai: "Những tấm gương bình dị mà cao quý", triển lãm mở ra tư liệu cụ thể về 131 điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng Ðảng và chính quyền; quốc phòng và an ninh. Ở đó, người xem gặp lại người lái xe Nguyễn Ngọc Mạnh với bộ quần áo cùng đôi giày giản dị anh đã mang trên người khi dũng cảm cứu cháu bé ba tuổi rơi từ tầng 12 của một chung cư tại Hà Nội cách đây chưa lâu. Ðó còn là hành trình yêu thương đầy cảm động của Ngô Minh Hiếu, cựu học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa, chàng trai suốt 10 năm qua miệt mài cõng người bạn hàng xóm Nguyễn Tất Minh bị bại liệt tới trường. Hay như câu chuyện của người thợ lò Phạm Ðức An ở mỏ than Hà Lầm, Quảng Ninh, người đã thắp lửa cho đồng nghiệp về tinh thần "kỷ luật và đồng tâm". Anh cũng là người đã trực tiếp tham gia giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt sâu trong lòng đất tại vụ sập hầm thủy điện Ðạ Dâng, Lâm Ðồng… Họ là những nhân vật truyền cảm hứng, những người đã lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia bằng trái tim nồng hậu và hành động thiết thực, để người với người thêm gắn kết, để cuộc sống thêm tươi đẹp và ấm áp hơn.

Năm 2020 - 2021 có thể xem là giai đoạn đầy sóng gió, biến động của Việt Nam khi nước ta vừa phải gồng mình chống dịch Covid-19, vừa phải đối phó với thiên tai bão lũ. Song, cũng chính gian nan, thách thức đã trở thành "lửa thử vàng" để làm ngời sáng những tấm lòng nhân ái, để nhân lên hành động sẻ chia và tạo động lực cho những sáng tạo ra đời. Ðến với triển lãm, nhìn tấm ảnh chụp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) với đôi bàn tay già nua gầy guộc, có lẽ bất kỳ ai cũng phải rưng rưng. Ðã hơn 95 tuổi nhưng mẹ vẫn miệt mài bên chiếc máy khâu cũ kỹ để cho ra đời những chiếc khẩu trang tinh tươm, những mong được góp chút sức nhỏ bé của mình trong công cuộc phòng, chống dịch. Cũng bằng chiếc máy khâu mòn vẹt ấy, gần 30 năm qua, những đường kim mũi chỉ của mẹ đã hòa nhịp chia sẻ để tạo nên những vỏ chăn từ thiện giúp đỡ người nghèo... Nếu xúc động, biết ơn là cảm xúc khi biết đến hành động yêu thương của mẹ Quýt thì cảm phục, rưng rưng chính là xúc cảm khi được xem những tấm ảnh chụp các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) cùng lực lượng địa phương dầm mình trong mưa lũ để cứu người dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khỏi đống đổ nát do cơn bão số 9 gây ra. Từ đây, càng thêm tự hào khi biết tới sáng chế của anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ trụ xanh, người đã làm ra những máy ATM phát gạo tự động để tặng cho những người khó khăn, mất việc làm trong thời gian dịch bệnh...

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết: 60 tập thể và 71 cá nhân ưu tú được giới thiệu tại triển lãm chính là những tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực sống, lòng nhân ái, quả cảm đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, Ðảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Cục Công tác đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) lựa chọn một cách kỹ lưỡng, công tâm từ hơn 300 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 - 2021. Ðây là năm thứ chín liên tiếp Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" được tổ chức tại Bảo tàng. Triển lãm là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021); 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021); và Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Không chỉ cổ vũ, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp mọi miền đất nước, triển lãm còn mang đến cho người xem nhận thức sâu sắc hơn, cụ thể hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó phấn đấu noi gương Bác từ những việc làm thiết thực hằng ngày...

Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo T.Ư Ðoàn Văn Báu nhấn mạnh: Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, triển lãm càng có ý nghĩa đặc biệt khi thông qua câu chuyện cụ thể của những điển hình tiên tiến góp phần nêu gương, lan tỏa, khơi lên tình yêu thương, văn hóa sẻ chia trong các tầng lớp nhân dân. Ðây cũng chính là "chìa khóa" để nhân lên những hành động vì cộng đồng, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, giúp đất nước ta luôn đoàn kết, vững vàng vượt qua mọi gian khó… Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến hết tháng 9-2021 và sẽ được tổ chức trưng bày tại một số địa phương trong cả nước.


                                                                               Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục