Người dân xóm Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn) giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm thổ cẩm phục vụ phát triển du lịch.
Nếu xếp thứ tự theo câu thành ngữ "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động" thì Mường Vang xếp ở vị trí thứ 2 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh. Còn nhìn vào kết quả thống kê hiện tại, Lạc Sơn đang đứng ở tốp đầu của tỉnh trong việc lưu giữ những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường, cũng là huyện thực hiện có lớp lang, bài bản việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn hát Thường rang, Bộ mẹng, hát đúm giao duyên dân tộc Mường. Có vốn quý là gần 50 nghệ nhân và nhà nghiên cứu mo Mường, UBND huyện đã phối hợp Sở VH-TT&DL nghiên cứu, đề xuất lập hồ sơ khoa học các bộ khót của các nghệ nhân mo Mường; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn những giá trị của di sản mo Mường.
Trong lộ trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, những năm gần đây, huyện đã phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống như: lễ hội đình Cổi, xã Vũ Bình; lễ rước Bụt hang Khu Dúng, xã Nhân Nghĩa; lễ hội xuống Đồng, xã Yên Phú; lễ hội Đu Vôi, thị trấn Vụ Bản… Thông qua việc lập hồ sơ trùng tu, bảo tồn và đề nghị, huyện đã được đón bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho các di tích: Đền Cây Si, đền Trường Khạ, đền Thượng (thị trấn Vụ Bản), đền Mẫu (xã Vũ Bình) và di tích danh lam thắng cảnh thác Mu - xã Tự Do. Khảo sát trong dân còn lưu giữ được hơn 3.000 chiêng các loại, những năm qua, ngành Văn hóa huyện đã tổ chức các lớp truyền dạy chiêng Mường để người già truyền dạy cho người trẻ, thế hệ sau học thế hệ trước. Đồng thời, tổ chức các hội thi trình tấu chiêng Mường, hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc Mường... để giữ lửa cho văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, huyện quan tâm duy trì nghề dệt thổ cẩm tại xóm Lục, xã Yên Nghiệp, nghề mây giang đan tại xóm Bui, xã Nhân Nghĩa, vừa gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vừa tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch.
Từ sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa Mường đã nhập cuộc một cách tích cực, góp phần nhân lên giá trị di sản văn hóa truyền thống, tạo bản sắc riêng cho vùng đất, con người Lạc Sơn. Như ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, từ khi về nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước, ông đã bắt tay ngay vào việc sưu tầm, nghiên cứu, tạo sự lan tỏa văn hóa dân gian dân tộc Mường. Ngoài việc dành cả không gian chính ngôi nhà sàn của gia đình làm nơi trưng bày các hiện vật văn hóa Mường, ông còn rong ruổi sưu tầm, kết nối, trao truyền những làn điệu Thường rang, Bộ mẹng, hát đúm giao duyên dân tộc Mường trên địa bàn huyện. Đến nay, ông đã góp công tổ chức được trên 30 cuộc hát giao duyên giữa nghệ nhân các xã trong huyện và giao lưu với các nghệ nhân ở huyện, tỉnh bạn. Góp sức cùng UBND huyện tổ chức thành công hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Thường rang, Bộ mẹng, hát đúm giao duyên dân tộc Mường, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Nghệ nhân Bùi Huy Vọng, người được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016 vẫn miệt mài trên "cánh đồng” văn hóa dân gian dân tộc Mường: Nghiên cứu, viết sách, viết văn, viết báo, dạy chữ Mường, lưu lại những áng mo Mường… cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đôi lần được đến với danh thắng thác Mu - xã Tự Do, ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ, không khí mát lành tôi còn kiếm tìm bản sắc văn hóa dân Mường trong nếp sống, sinh hoạt, cách làm du lịch của người dân bản địa. Qua nghe, nhìn, cảm nhận lời ca, điệu múa, không gian thoáng đãng của những nếp nhà sàn truyền thống, tiếng lách cách thoi đưa từ những khung cửi… cảm nhận mạch nguồn văn hóa Mường Vang là vô tận và đang vươn dòng chảy tới tương lai.
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)