(HBĐT) - Thời đại bùng nổ thông tin và sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông, giải trí, mạng xã hội hẳn không mấy ai còn nhớ tới đội chiếu phim (đội chiếu bóng) thời chưa có màn ảnh nhỏ. Thực tế bao năm qua, những đội chiếu phim vẫn luôn được duy trì để thực hiện nhiệm vụ chính trị nâng cao đời sống tinh thần, dân trí cho người dân ở vùng sâu, cao, xa, đặc biệt khó khăn.
Một buổi chiếu phim của Đội chiếu phim số 1 (Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh) tại xóm Nàng, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) năm 2020. Ảnh: T.L
Đội chiếu phim số 1 thuộc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh là một trong những đơn vị được Ban chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” T.Ư khen tặng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề này giai đoạn 2018 - 2020. Anh Bạch Thanh Tình, cán bộ Đội chiếu phim số 1 chia sẻ: "Thông thường thời điểm này hàng năm, anh em tập trung thực hiện đợt chiếu phim tuyên truyền kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7. Tuy nhiên năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch chiếu phim phục vụ bà con không thể thực hiện”.
Đội chiếu phim số 1 thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (cũ) được thành lập tháng 12/2005. Thời điểm đó, trung tâm có tới 7 đội chiếu phim với hơn 30 cán bộ. Tháng 1/2019, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh. Căn cứ tình hình thực tiễn, nhu cầu công việc, đội chiếu phim được thu gọn còn 3 đội, nhân sự giảm một nửa so với hơn 10 năm trước. Phát huy tinh thần đội cơ động của trung tâm, Đội chiếu phim số 1 tiếp tục thực hiện chức năng tham mưu giúp Ban giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh về công tác chiếu phim phục vụ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Nhiệm vụ cụ thể là tổ chức chiếu phim, đưa các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh đến với bà con vùng cao, sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân. Qua đó góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng con người mới và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN trên địa bàn.
Đã thành thông lệ, bao năm qua bất kể nắng hay mưa, các thành viên Đội chiếu phim số 1 vượt hàng trăm cây số để đến với những bản làng xa xôi. Trước, máy móc lỉnh kỉnh, đường đi khó khăn, mỗi chuyến đi chiếu phim phải từ 3 người trở lên. Khi đến điểm chiếu phim mỗi người mỗi việc: Người lắp máy, chỉnh âm thanh, người dựng phông, người mở loa thông báo chương trình. Nay, máy móc được đầu tư mới hiện đại, nhỏ gọn hơn, mỗi chuyến đi chỉ cần 1 - 2 người, mỗi người thực hiện được nhiều phần việc khác nhau, từ giao lưu, kết nối với cấp ủy, chính quyền cơ sở, với khán giả, giới thiệu phim, đến lắp đặt hệ thống điện, máy móc, phông bạt… phục vụ buổi chiếu phim. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, anh Tình chia sẻ: Nghề chiếu phim vất vả lắm, chúng tôi thường xuyên phải đi sớm về khuya. Thức dậy từ 4h để lên đường, có hôm về đến nhà đã gần 2h hôm sau. Trời nắng ráo còn đỡ, gặp ngày mưa đường trơn trượt, lầy lội hay lũ dâng có khi phải ở lại cơ sở 2 - 3 ngày vì sợ nước mưa làm hỏng máy móc, thiết bị. Vất vả là vậy nhưng nhận được tình cảm, sự quý mến của bà con thì bao mệt mỏi đều tan biến hết.
Năm 2018, đội thực hiện 276 buổi chiếu phim tại 19 xã và 180 thôn, bản, phục vụ 14.460 lượt người xem, đạt 100% kế hoạch; năm 2019 tổ chức 247 buổi chiếu phim tại 36 xã, 162 thôn, bản vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, phục vụ 13.250 lượt người xem. Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát nên hoạt động chiếu phim chỉ thực hiện được một số tháng với tổng số 216 buổi, phục vụ 12.390 lượt người xem. Các thể loại phim phục vụ bà con chủ yếu là phim lịch sử; phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; phim về đề tài chiến tranh… do Cục Điện ảnh cấp. Ngoài ra, đội phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phòng, chống tệ nạn xã hội; khuyến nông, khuyến lâm; tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, gương người tốt, việc tốt… Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên đội mới thực hiện được 39 buổi chiếu phim tuyên truyền về bầu cử.
Đồng chí Đỗ Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chia sẻ: Dù làm việc trong điều kiện khó khăn, vất vả với đồng lương eo hẹp, nhưng các thành viên trong đội luôn động viên nhau phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thầm lặng với hành trình "giảm nghèo về văn hóa, thông tin ở cơ sở”, Đội chiếu phim số 1 hoàn toàn xứng đáng khi được Ban chỉ đạo T.Ư khen tặng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020”.
THÚY HẰNG
(Hội Nhà báo tỉnh)
(HBĐT) - Ngày 16/7, Sở VH-TT&DL ban hành Công văn số 1222/SVHTTDL-QLVH về việc đăng công khai danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" lần thứ 10.
(HBĐT) - Về Quý Hoà (Lạc Sơn) đúng dịp lúa đang vào độ chín vàng. Trên các thửa ruộng bậc thang, bà con tập trung gặt, gánh những bó lúa trĩu nặng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Dát, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Ở Quý Hòa, hầu hết là đồng bào dân tộc Mường cùng sinh sống ở các bản làng bên sườn núi. Cuộc sống chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước. Ngoài ra, bà con chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Trong nhiều năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Nhân dân chú trọng gìn giữ và bảo tồn những nét độc đáo trong văn hóa dân tộc. Bởi phải mất một thời gian dài mới hình thành được những nét đẹp văn hóa dân tộc, thì việc bảo tồn nó cũng cần sự kiên trì.
Những ngày này, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều tác giả, nghệ sĩ chọn chủ đề COVID-19 để sáng tác các ca khúc với ca từ da diết, giai điệu nhẹ nhàng, mang tính cổ vũ tinh thần người dân sớm vượt qua dịch bệnh.
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021).
Sau hơn 30 năm làm nghề, NSND Tống Toàn Thắng phải thừa nhận rằng, những tiết mục đơn lẻ đã không còn đủ sức hấp dẫn công chúng hiện đại.
(HBĐT) - Nhà tù Phú Quốc thuộc xã An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được ví như "Địa ngục trần gian” - nơi đây đã ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó chính là ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm và bất khuất của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến chống quân xâm lược.