(HBĐT) - Nhờ chủ động, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) của huyện Cao Phong ngày càng phát triển rộng khắp. Hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Xác định phong trào TDĐKXDĐSVH có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, vì thế, trong những năm qua, phong trào luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện và nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Nhờ được chú trọng triển khai, phong trào tạo được sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy rõ trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng. Qua đó khơi dậy niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong cộng đồng dân cư, tổ dân phố, phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng. Việc xây dựng gia đình, dòng họ, thôn, xóm, phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới... đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển KT-XH.
Điểm nhấn của phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện thời gian qua là việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Nhiều mô hình gắn với tiêu chí cảnh quan môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh, trật tự... được các hội, đoàn thể phát động, nhân rộng như: "Tuyến đường ánh sáng an ninh", "Đoạn đường phụ nữ tự quản", "Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon và bảo vệ môi trường”... Điều dễ nhận thấy khi đến các thôn, xóm ở huyện hiện nay không chỉ những vườn cam chín vàng đang vào vụ thu hoạch, hay những ngôi nhà khang trang ẩn hiện sau những vườn cây ăn trái trĩu quả; những cổng làng văn hóa, nhà văn hóa thôn, bản được xây dựng mà còn ở các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được bê tông kiên cố và được tô điểm thêm bằng những hàng cây xanh, những luống hoa rực rỡ sắc màu.
Trưởng phòng VH-TT huyện Phạm Ngọc Nhất cho biết: Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện đã trở thành cuộc vận động lớn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và lan tỏa trong Nhân dân. Phong trào đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Việc củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt nhiều kết quả khả quan. Số lượng đăng ký và đạt gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày càng tăng. Năm 2020, toàn huyện có 83% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 92% thôn, xóm, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 82% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 1 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 7 vườn mẫu. Các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, 7/10 xã có nhà văn hóa; 87/88 nhà văn hóa xóm đáp ứng các hoạt động văn hóa, chính trị của địa phương.
Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Giữ gìn và phát huy những thành tựu đạt được trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng các danh hiệu trong phong trào: "Gia đình văn hóa”, "Khu dân cư văn hóa”, "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, "Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, đẩy mạnh công tác vận động thực hiện xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức tốt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Phấn đấu cuối năm nay, toàn huyện có 82% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 80% thôn, xóm, khu dân cư đạt văn hóa; giữ vững 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Đỗ Hà
(HBĐT) - Sáng 25/10, Báo Hòa Bình tổ chức họp báo phát động Cuộc thi ảnh báo chí "Nét đẹp Hòa Bình” lần thứ I trên Báo Hòa Bình năm 2022. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình chủ trì họp báo. Tham dự có các cơ quan báo chí trong tỉnh.
Tối 20/10, tổ khúc múa đặc biệt mang tên "Ánh sáng tâm hồn" đã chính thức ra mắt công chúng trên nền tảng trực tuyến. Ðây là công trình nghệ thuật đầy tâm huyết được nghệ sĩ múa hai miền nam, bắc thực hiện trong suốt những ngày giãn cách xã hội vừa qua, như lời tri ân sâu sắc gửi tới lực lượng tuyến đầu, đồng thời ngợi ca tình người trong đại dịch.
(HBĐT) - Kiến trúc nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường với vật liệu truyền thống bằng gỗ, tuy nhiên, trải qua thời gian bị xuống cấp, mối mọt, cột kèo gỗ để dựng nhà cũng khan hiếm, không được khai thác. Với giá thành rẻ hơn, chất lượng bền, đẹp không kém những nhà sàn truyền thống, người dân xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đã lựa chọn xây nhà sàn bê tông thay nhà sàn gỗ, góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.
(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có 3 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 64% dân số. Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân, bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở vùng cửa ngõ của tỉnh được lưu giữ, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ đã có hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
(HBĐT) - Hiện nay, huyện Lạc Sơn có 173 di tích, thắng cảnh đã được đưa vào kiểm đếm với các loại hình: Di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh. Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn huyện được quan tâm, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, phục dựng, góp phần vào công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương, gắn quảng bá với phát triển du lịch.