Các địa phương miền duyên hải Nam Trung Bộ sở hữu những nét văn hóa biển, đảo khá độc đáo, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch biển, đảo. Thực tế những năm gần đây cho thấy, khai thác tốt tiềm năng và giá trị văn hóa biển, đảo đã đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi.
Các tỉnh Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận trải dài trên một dải đất hẹp ven biển. Sự giao thoa, tiếp biến các giá trị văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh và văn hóa của cư dân vùng biển tạo cho mỗi địa phương vừa có nét tương đồng vừa có nét dị biệt, tạo nên một bản sắc văn hóa biển, đảo độc đáo.
Những nét văn hóa biển, đảo đặc sắc
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ thu hút khách đến quanh năm với các loại hình du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng biển, đảo. Du khách ngày càng có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của ngư dân vùng biển, đảo. Văn hóa của cư dân biển Nam Trung Bộ thể hiện rõ nét qua các lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội cầu ngư. Mùa xuân, du khách có thể đắm mình trong không gian lễ hội cầu ngư đậm chất văn hóa biển ở Khánh Hòa, Phú Yên... Kèm theo đó là các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, các trò chơi sôi động, hấp dẫn thu hút hàng nghìn người tham gia. Trong tất cả các kỳ Festival Biển Nha Trang-Khánh Hòa, lễ hội cầu ngư luôn là một điểm nhấn, thu hút hàng chục nghìn du khách, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia. Còn ở Phú Yên, quyền Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết, lễ hội cầu ngư được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện, địa phương thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này gắn với phát triển du lịch.
Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).
Tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân biển, đảo cũng tạo nên một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Lễ hội "Lăng Thần Nam Hải” được ngư dân vùng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) tổ chức hằng năm nhằm cầu mưa thuận gió hòa. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Văn Hòa cho biết, hiện tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích được kiểm kê, gồm các loại hình đình làng, chùa, miếu, lăng thờ cá Ông, tháp Chăm, thánh đường Hồi giáo; di tích lịch sử cách mạng; danh thắng… Hằng năm, các lễ hội bảo tồn di sản văn hóa nơi đây thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu.
Cũng như lễ hội cầu ngư, lễ hội yến sào Khánh Hòa luôn có mặt trong các chương trình Festival Biển Nha Trang-Khánh Hòa. Đây là lễ hội tri ân thủy tổ, thánh mẫu và nghề yến truyền thống lâu đời ở Khánh Hòa, với các hoạt động nổi bật gồm lễ tri ân tiền nhân, tôn vinh nghề nuôi và chế biến các sản phẩm từ chim yến; du khách được đi tàu du lịch ra thăm đảo yến, tận mắt ngắm những tổ yến xinh xinh trên vách đá. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Lê Hữu Hoàng cho biết, trong Đề án phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa lễ hội, tạo nên nét bản sắc du lịch văn hóa biển, đảo đặc trưng.
Những năm gần đây, các làng chài ở hai xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) của tỉnh Bình Định là những điểm đến du lịch biển thu hút nhiều du khách. Làng chài cổ Nhơn Lý được chọn thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng, nhằm góp phần phát triển và bảo tồn văn hóa ở địa phương theo hướng bền vững. Làng Nhơn Lý quy tụ những nét đặc sắc nhất của bán đảo Phương Mai (Bình Ðịnh), từ làng chài cổ cho đến con người, lối sống, kiến trúc nhà cửa... Theo Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, Nguyễn Tấn Dũng, một số kiến trúc sư người Mỹ đã làm bộ sưu tập kỳ công về kiến trúc các ngôi nhà và đề xuất xây dựng một dự án bảo tồn làng cổ Nhơn Lý. Hiện, địa phương đang nỗ lực tuyên truyền để người dân tham gia giữ gìn, biến các giá trị văn hóa truyền thống thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, bền vững.
Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Hiện nay, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân sống ven biển và trên các đảo trong vịnh Nha Trang đang được du khách quan tâm, chẳng hạn như các dịch vụ trải nghiệm tại làng nghề truyền thống ở Hòn Tằm, TP Nha Trang. Ở đây, ngoài các dịch vụ du lịch tham quan sinh thái, các trò chơi giải trí biển, du khách còn được trải nghiệm đời sống văn hóa của xưởng làm đồ mỹ nghệ, nghề dệt may hoặc thưởng thức những điệu hò dân gian miền biển.
Nhắc tới cảnh đẹp các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, khách du lịch không thể không nhắc tới những tên gọi như vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, Bãi Xép (Phú Yên); bãi biển Đại Lãnh, bãi Trũ, hòn Tằm (Khánh Hòa), các bãi biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Ninh Chữ-Cà Ná (Ninh Thuận). Những vũng, vịnh, bãi tắm đẹp tự nhiên, hoang sơ đang được hoạch định phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao trên biển, trên cát và là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển loại hình du lịch sinh thái biển, lặn biển trong tương lai. Hiện nay, tại khu vực biển Hòn Mun đã có dịch vụ tổ chức đám cưới dưới đáy biển. Hòa mình vào thiên nhiên, những đôi uyên ương tổ chức ngày trọng đại nhất của đời mình trong khung cảnh lãng mạn dưới đáy đại dương. Dịch vụ này đang ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm.
Ẩm thực miền biển Nam Trung Bộ cũng là một điểm nhấn của văn hóa biển, đảo. Nhiều món ăn đặc sản mang tính vùng miền luôn được du khách thích thú nhắc tới như chả cá Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), rượu Bàu Đá (Bình Định), cá ngừ đại dương Phú Yên, tôm hùm Khánh Hòa, con dông Ninh Thuận… Ngoài những đặc sản được thiên nhiên ban tặng như yến sào, tôm hùm, bào ngư…, cách nấu nướng, pha chế của người dân miền biển Nam Trung Bộ cũng tạo được nét riêng, nhất là các món chế biến từ hải sản. Chẳng hạn như bánh căn, một món ăn dân dã chỉ với bột gạo và tôm, mực nhưng đã tạo nên nét đặc trưng của đặc sản vùng miền, nhiều du khách đến đây đều mong muốn được thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Ở góc độ địa phương, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được đánh giá là nơi kết tụ tinh hoa di sản lễ hội và địa chất. Trên hòn đảo chừng 10 km² chứa đựng một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa đạng và độc đáo với sáu di tích quốc gia, hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Ở Lý Sơn còn in đậm dấu ấn lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia trên Biển Đông của Việt Nam qua các thời kỳ. Điển hình nhất là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân trên đảo gìn giữ hàng trăm năm qua, có giá trị về lịch sử và văn hóa-tín ngưỡng, mang tính đặc trưng riêng có của đảo Lý Sơn mà không nơi nào trong cả nước có được. Nhờ đó, hoạt động du lịch ở hòn đảo này có nhiều khởi sắc. Lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng bình quân gần 15%/năm. "Nhờ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu của các dòng văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt được gìn giữ mà Lý Sơn hôm nay trở thành điểm đến của đông đảo du khách. Huyện tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, lịch sử, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh hơn nữa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Lê Văn Ninh chia sẻ.
Những năm qua, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể, trong đó có những lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên nét văn hóa riêng có, rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo. Du lịch biển, đảo đang trở thành loại hình du lịch chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch của các tỉnh. Điều đáng mừng là hệ thống sản phẩm du lịch biển, đảo khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đang được hình thành, ngày càng đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo hiện vẫn còn nhiều hạn chế, như: chưa phát huy hết các giá trị văn hóa truyền thống; nhiều nơi khai thác biển thiếu định hướng gây hủy hoại môi trường; nhiều yếu tố văn hóa mới xâm nhập gây tổn hại văn hóa truyền thống; nguy cơ biến mất của nhiều làng nghề ngày càng cao; di tích xuống cấp; môi trường ô nhiễm… Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch biển, đảo khá tương đồng nhưng các tỉnh còn thiếu sự liên kết, phối hợp dẫn đến tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch, phát triển thiếu cân đối. Trong thời gian tới, những hạn chế này cần được các địa phương trong khu vực chung tay khắc phục, tăng cường liên kết để việc khai thác giá trị văn hóa biển, đảo cho phát triển du lịch đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Tập thơ "Sông Đà 24" là sản phẩm kế tiếp 23 tập thơ của Câu lạc bộ hưu trí tỉnh đã xuất bản trước đó. Quả là một số lượng lớn về thơ trong khi bộ môn thơ chỉ có 23 hội viên. Các hội viên khác nhau về tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, cảm nhận văn chương. Nhưng họ có điểm chung là sự đam mê, học hỏi lẫn nhau, cùng tìm nguồn cảm hứng, tìm độ chín cho tác phẩm. Thơ của mỗi hội viên đều phản ánh sâu sắc các vấn đề thời sự trong cuộc sống hàng ngày. Thơ nói lên tình yêu thương con người với con người, lòng tin yêu Đảng, tin yêu cuộc sống mới.
(HBĐT) - Ở bản nhỏ nằm ven trục đường chính với tiền cảnh là vườn mận, vườn đào thơ mộng, kề bên đồi chè Shan tuyết tươi màu, có một điểm dừng chân độc đáo đang rộng cửa đón khách tới thăm, đó là Mong Space - không gian văn hoá của người Mông. Chủ nhân của điểm đến này là chị Sùng Y Dớ, người dân tộc Mông xóm Trà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu).
(HBĐT) - Cuộc thi viết về chủ đề "Hòa Bình – Khát vọng phát triển” trên Báo Hòa Bình năm 2022 nhằm đổi mới hình thức thông tin tuyên truyền, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí trong tình hình mới, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào cuộc sống.
(HBĐT) - Ngày 21/12, Học viện Dân tộc phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội thảo "Quản lý văn hoá dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức”.
(HBĐT) - Được ví như "chốn tiên cảnh vùng cao”, xã Vân Sơn (Tân Lạc) thu hút khá đông du khách đến trải nghiệm, khám phá nhờ lợi thế cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, nền văn hóa đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc Mường.
Sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch COVID-19, cuối tháng 11/2021, nước ta đã bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại ở một số vùng du lịch trọng điểm.