(HBĐT) - Tết Nhâm Dần 2022 đã về. Cũng như bao gia đình khác, người Mường ở Hòa Bình tất bật chuẩn bị một năm mới mong cầu mọi điều may mắn, hanh thông trong công việc và cuộc sống. 28 Tết, chuẩn bị thịt lợn, gói bánh chưng cũng là lúc ông Mo, ông trượng bấm đốt ngón tay tính lịch "đá rò" chọn ngày cúng mời tổ tiên về ăn Tết, chọn giờ xuất hành cho năm mới bình an, khang khái.
Tôi còn nhớ, có một lần nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng đã từng nói với mình đại ý rằng: Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi một dân tộc trên thế giới đều phải dựa vào thiên nhiên. Họ quan sát, đúc kết từ thiên nhiên để tính toán ra quy luật vận động của đất trời, của vũ trụ. Và từ đó, lịch ra đời. Vì vậy, lịch - chính là biểu hiện kết tinh cao nhất trí tuệ, tri thức của một dân tộc. Người Mường ở Hòa Bình với hàng nghìn năm phát triển đã đúc kết và lưu truyền 2 bộ lịch rất nổi tiếng để áp dụng trong cuộc sống. Đó là bộ lịch "khao roi" và bộ lịch "Trừ đá rò".
Nếu lịch khao roi phục vụ cho đời sống, trong sản xuất nông nghiệp thì lịch "Trừ đá rò" lại là những đúc kết của người Mường cổ trong việc lựa chọn tìm ra những ngày tốt, những giờ tốt để bắt đầu một công việc mới hay trước khi xuất hành. Đá Rò cũng cho người ta cách tính đề có thể dự đoán được việc lành dữ để tránh. Đó là lí do vì sao năm mới, những ông Mo, ông trượng xưa thường bấm đốt ngón tay tính ngày lành tháng tốt để khởi đầu một năm mới với mong muốn một năm mới thuận lợi.
"Đàn ông không qua thớm ngàng - đàn bà không qua khóa rỏ"
Nghệ nhân Bùi Văn Lựng ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) là một trong số ít người nắm giữ "bảo bối" lịch Đoi của người Mường Hoà Bình.
Đó là câu nói nổi tiếng mà người Mường còn sử dụng lịch "Đá rò" để ứng dụng trong đời sống. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng: "Đá rò" theo tiếng phổ thông có nghĩa là Học theo ông Rùa. Rò trong tiếng Mường chỉ con rùa, song còn nghĩa khác là sự dò tìm phán đoàn. Đá trong tiếng Mường là đại từ danh xưng chỉ bậc bề trên như ông nội (Pố đá hoặc pố tá) hay người có vai vế. Trừ trong tiếng Mường có nghĩa đen là phép trừ, loại bỏ, song nó còn còn nghĩa khác là thuật bấm độn, đoán trước. Dịch theo tiếng phổ thông là trừ đá rò nghĩa là thuật bấm độn của ông rùa. Với người Mường xưa, Trừ đá rò là công cụ để nhận biết thế giới, đoán định để tính ngày giờ tiến hành các công việc hệ trọng trong gia đình.
Khác với lịch Khao roi được khắc trên 12 thanh tre, lịch trừ đá rò được tính trên 3 ngón tay của bàn tay bên trái vì vậy chỉ có thể truyền từ đời này qua đời khác bằng hình thức truyền miệng. Không phải là một thầy mo nhưng sinh ra trong một gia đình dân tộc Mường ở huyện Cao Phong - một trong 4 vùng Mường cổ nổi tiếng nên anh Bùi Văn Kìn (tổ 2, Phương Lâm - TP Hòa Bình) vẫn thuộc nằm lòng những quy luật tính lịch trừ đá rò. Anh Kìn giải thích: Trong lịch trừ đá rò của người Mường có 8 tên gọi cho các tháng là Thớm ngàng, Cây trong, Thớm trong, Kim trong, Khóa rỏ, Kim tha, Thớm tha và Cây tha. Cũng những tên này được dùng để gọi ngày và giờ như: Tháng Thớm ngàng, ngày Thớm ngàng, giờ Thớm ngàng… Đếm theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ tháng Thớm ngàng là đốt dưới của ngón tay giữa và từ đó tính ra các tháng trong năm. Đốt giữa của ngón tay giữa trong quan niệm của người Mường là khoảng không vô định của phương và hướng nên bỏ qua khi tính, cách tính ngày của người Mường cũng vậy. Sau khi xác định tháng tại một đốt, người tính sẽ đếm tiếp theo chiều kim đồng hồ cho đến ngày cần tính thì dừng lại. Cách tính giờ cũng tương tự, bắt đầu từ Ca gáy cho đến giờ cần tính. Để tính ngày tốt, xấu theo lịch Trừ đá rò, người Mường còn quy ước ngày tháng Cây trong, Thớm trong, Kim trong là hướng vào, những ngày tốt lành; những ngày như Kim tha, Thớm tha, Cây tha kí hiệu hướng ra ngoài là rất xấu. Tháng Thớm ngàng là tháng kỵ đối với đàn ông; tháng Khóa rỏ là kỵ đối với đàn bà. Vì vậy mỗi khi bấm độn, những ông Mo thường dùng câu "đàn ông không qua thớm ngàng - đàn bà không qua khóa rỏ" để tiên lượng việc lành - giữ đối với mỗi người.
Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng cho rằng: Với người Mường, quan sát lịch trừ đá rò chỉ có: Cây (cây cối, hoa cỏ), Thướm (đất), Kim (kim loại), khóa rỏ (trời - tức là yếu tố có mây, sấm chớp nhưng cũng là khoảng không hư vô) là 4 thành tố cấu tạo nên 8 cung, ứng với 8 tháng. Từ mỗi thành tố người Mường nhận thấy chúng có hai mặt đối lập, song không triệt tiêu nhau như câu trong đối lập với cây tha, kim trong đối lập với kim tha...
Ngoài ra, lịch Trừ đá rò còn quy định chia vũ trụ ra làm hai tầng và bốn phương, bốn hướng vận động với những tính chất vận động riêng, hướng vào trong cho ta thấy lành, mát, tốt, nhưng chậm, thế yếu, hướng ra ngoài thì nóng, xấu, mạnh, hướng lên trên nhanh, khô, vô hại, nhưng bất lợi, mất, hướng xuống dưới chậm, ướt, có máu, chết. Như vậy, với những quy định trong lịch trừ đá rò sẽ giúp cho việc xác định được ngày giờ tốt xấu để cưới vợ, làm nhà hay bắt đầu những việc lớn.
Liên kết giữa lịch Khao roi và lịch Trừ đá rò
Theo nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng, lịch Khao roi và lịch Trừ đá rò có mối tương quan song lại tương đối độc lập. Nghiên cứu cho thấy: Để khớp lịch Đá rò với lịch Khao roi, người Mường quy ước dựa trên sự dịch chuyển của sao Roi. Lịch Sao roi dùng 12 thẻ tre tương ứng với 12 tháng âm lịch. Người Mường quy ước tháng Thớm ngàng tương ứng với tháng Giêng; tháng Cây trong tương ứng với tháng 2 và tháng 3; tháng Thớm trong tương ứng với tháng 4, tháng Kim trong tương ứng với tháng 5 và tháng 6; tháng Khóa rỏ tương ứng với tháng 7; tháng Kim tha tương ứng với tháng 8 và tháng 9; tháng Thớm tha tương ứng với tháng 10 và cuối cùng là tháng Cây tha tương ứng với tháng 11 và tháng 12. Một tháng trong lịch của người Mường được chia làm 3 tuần: 10 ngày đầu tháng gọi là ngày Cây; 10 ngày giữa tháng gọi là ngày Lồng và 10 ngày cuối tháng gọi là ngày Cuối.
Thực tế, người Mường xưa thường xem theo lịch Khao roi và cả lịch Trừ đá rò. Trên lịch Khao roi của người Mường còn khắc ký hiệu sao roi liên quan đến sự vận động của ngôi sao này. Vào ngày sao roi là ngày xấu, không nên làm các việc hệ trọng. Ngoài ra, lịch Khao roi cũng khắc ký hiệu chỉ ngày mưa, nắng, tốt, xấu… ngày có thể đi săn, đánh cá… Ngoài ra, các ngày như: Ngày Cây tha, Kim tha là những ngày xấu; ngày Cây trong, Kim trong là ngày tốt. "Người Mường xem lịch Khao roi và tính đốt ngón tay theo lịch trừ đá rò để lựa chọn ngày tốt, ngày xấu. Có nhiều ngày, những ngày này thường trùng khớp với nhau, cũng có khi lệch nhưng người xem phải biết ứng dụng linh hoạt và tùy theo cách nhìn, cách đọc để áp dụng" - anh Kìn chia sẻ.
Ngày nay, lịch Khao roi và lịch Trừ đá rò không còn được thông dụng trong đời sống người Mường mà chủ yếu chỉ có các thầy Mo, thầy trượng áp dụng. Tuy nhiên, đúng như nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng đã từng chia sẻ: Cả 2 bộ lịch đều thể hiện thế giới quan sinh động của người Mường cổ. Những nhận thức sơ khai của người Mường đối với thế giới, quy luật của thời gian và vũ trụ. Từ đó ứng dụng vào đời sống. Chính vì vậy, vẫn có rất nhiều gia đình Mường, đặc biệt tại 4 vùng Mường cổ Bi, Vang, Thàng, Động vẫn dùng lịch trừ đá rò để bắt đầu một năm mới như một cách lưu giữ nét văn hóa truyền thống, hướng về về tổ tiên, đồng thời cũng hy vọng về một năm hanh thông, thuận lợi.
Phương Linh