(HBĐT) - Xứ Mường ngày Tết có những điều đặc biệt bởi những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Trong đó, mo khấn tổ tiên ngày Tết chứa đựng tầng ý nghĩa nhân văn, đạo hiếu sâu sắc là một phần không thể thiếu trong những ngày quan trọng.


Thầy mo trẻ Bùi Văn Vinh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) thực hiện bài mo mời tổ tiên trong ngày Tết.

Vùng Mường Vang  - Lạc Sơn vào xuân cũng là lúc làng trên, xóm dưới dọn dẹp, sửa sang nhà cửa và chuẩn bị những mâm cỗ dâng lên tổ tiên. Nghệ nhân mo Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn nổi tiếng ở vùng Mường Khênh lại sắm mũ, áo, túi khót để đến các gia đình làm lễ. Ngôi nhà sàn truyền thống là nơi cất giữ những đồ nghề hành lễ của ông mo. Người Mường thường gọi là "Tết năm mới” và với cách tính "ngày lui, tháng tới”, việc khấn lễ ngày Tết bắt đầu từ khoảng 25 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng. 
"Năm cũ đã hết/ Ngày Tết đã đến/ Ra mùa năm mới/ Ba mươi tháng chạp/ Mùng một tháng giêng...”. Những câu thơ mo theo lời khấn của nổ nhà thầy mo Bùi Văn Minh được xướng lên bằng ngôn ngữ tiếng Mường đánh dấu sự khởi đầu một năm mới. Trong những câu mo tiếp theo, thầy mo mời tổ tiên về ăn Tết. Đối với người Mường, ngày Tết thường đụng lợn, gói bánh ống, bánh uôi và những thứ ngon nhất, đẹp nhất phải dâng lên bàn thờ tổ tiên trước, sau đó con cháu mới thụ lộc. Lời khấn mo cũng thể hiện những mong ước tốt đẹp trong năm mới: "Mong cho tổ tiên/ Bênh vực con cháu/ Sang năm mới dưới sướng tốt con lợn con gà/ Trên nhà yên lành con người/ Của cải làm ra đầy nhà/ Bờ suối tốt cỏ nuôi trâu to, bò béo/ Cơm đầy kho, lúa đầy đụn/ Giàu của, giàu cải...”.


Thầy mo Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) truyền dạy mo Mường cho những người yêu mo trong huyện.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cho rằng: Mo là hiện tượng văn hóa nổi trội, sáng tạo vĩ đại của người Mường. Trong mo có hàng trăm cát (chương) mo. Mo không chỉ được sử dụng trong tang lễ mà trong các nghi lễ tín ngưỡng khác như lễ hội, lễ cầu si, lễ mát nhà, lễ Tết... Theo kiểm kê của Sở VH-TT&DL, có 23 nghi lễ sử dụng mo. Trong đó, mo khấn ngày Tết là một nét đẹp văn hóa, đậm chất nhân văn, thể hiện đạo hiếu, lòng tôn kính tổ tiên của người Mường. Qua mo đã chỉ cho con cháu biết cội nguồn, tri ân đấng sinh thành. Đồng thời, báo cáo với tổ tiên kết quả một năm lao động, làm việc và mong năm mới bình yên, hạnh phúc, sung túc hơn. Tổ tiên như một điểm tựa tinh thần để trấn an bản thân, gia đình trước khó khăn của cuộc sống. Từ đó vững tâm bước vào năm mới, hướng tới tương lai tốt lành.

Với những giá trị nhân văn sâu sắc, mo Mường vẫn trường tồn qua bao giai đoạn lịch sử, chứng tỏ sức sống bền bỉ của di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc biệt của dân tộc Mường. Mo đã góp phần hình thành nên cốt cách, tâm hồn của người Mường và bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong dặm dài lịch sử. Di sản quý giá này xứng đáng được lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Phấn khởi là qua dòng chảy của thời gian, trong cuộc sống hiện đại, mo Mường đã được nhìn nhận đúng giá trị. Những chủ nhân tương lai của xứ Mường luôn trân trọng và mong muốn tiếp nối truyền thống cha ông. Bởi vậy, lớp truyền dạy mo Mường đầu tiên tại Mường Vang vào tháng 8/2021 đã thu hút 40 học viên tham gia, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ. Việc truyền dạy trực tiếp được nghệ nhân mo Bùi Văn Minh và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng thực hiện, kết hợp bằng cả tiếng Mường và tiếng Việt. Học mo Mường không dễ và không phải ai cũng làm được thầy mo, nhưng những câu mo khấn được sử dụng hàng ngày có niềm đam mê, yêu thích là có thể học được. Ngày nay, các thiết bị ghi âm, ghi hình, mạng internet cũng trợ giúp đắc lực cho việc học, làm cho mo đến gần hơn với cộng đồng người Mường.

"Được truyền dạy những bài mo của người Mường như mo khấn tổ tiên ngày Tết, mo trong lễ thanh minh, tôi càng thấy được nét đẹp và giá trị di sản cha ông để lại. Mất bản sắc là mất hồn cốt của dân tộc, nên phải có ý thức giữ lấy những nét đẹp văn hóa truyền thống” - ông Bùi Văn Lịch, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn), học viên yêu thích mo Mường chia sẻ. 

Từ vùng Mường Vang, sang vùng Mường Bi - Tân Lạc, mo Mường luôn có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng. Lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ Tết trong vùng đều hiện diện ông mo và vang vọng những roóng mo. Nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng, Bùi Hồng Bào… nhuần nhuyễn cả nghìn câu thơ mo. Họ như những hạt nhân văn hóa trong cộng đồng và được người dân tôn trọng gọi là thầy. Nhiều thầy mo còn được cộng đồng suy tôn là những người uy tín trong cộng đồng, mang trọng trách tuyên truyền người dân làm những điều hay, lẽ phải. Chính trong các bài mo đã chứa đựng kho tàng tri thức dân gian, ngôn ngữ Mường cổ, đạo lý nhân văn của người Mường. Mỗi roóng mo được xướng lên, hãy lắng nghe từ tâm, thấu hiểu sẽ cảm thấy muốn sống nên người hơn, hướng đến chân - thiện - mỹ. Đến nay, huyện Lạc Sơn, Tân Lạc đều đã thành lập được câu lạc bộ mo Mường và có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi phật thể đặc biệt này.

Sức sống của mo Mường còn hiện diện ngay tại TP Hòa Bình, trung tâm tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Không phải là thầy mo như ông Nguyễn Văn Tiện ở phường Dân Chủ, nhưng ông Nguyễn Văn Dưỡng ở phường Thịnh Lang cũng thuộc cả nghìn câu khấn bằng tiếng Mường. Mỗi dịp Tết đến, ông đều khấn mời tổ tiên về ăn Tết, đêm giao thừa, mùng 1 và ngày hóa vàng. Ông đều nói tiếng Mường với cháu, chắt hàng ngày mong thế hệ sau giữ lấy truyền thống của gia đình mình, vùng Mường mình và dân tộc mình.

"Hôm nay ngày ba mươi Tết/ Hết năm cũ ra mùa năm mới/ Mọi sự qua/ Ba sự khỏi/ Dễ bề làm giàu sang/ Làm nên làm có/ Cho hợp lòng bố/ Cho đến lòng con/ Cháu con chút chít/ Sắm sửa đẹp lành…”. Những câu mo ngày Tết đã được xướng lên mang theo bao ước vọng của từng gia đình, từng vùng Mường về một năm mới tốt lành, xây lên khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của vùng đất Hòa Bình. 


Cẩm Lệ

Các tin khác


Mùa Xuân Hòa Bình trong câu thơ, điệu nhạc

(HBĐT) - Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đặc sắc, thẫm đẫm tình người, hồn sông, hồn núi, mùa xuân Hòa Bình đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, là chất xúc tác để các nghệ sỹ tạo nên những tác phẩm thơ ca, nhạc họa… trường tồn mãi với thời gian, với lòng người.

Đưa dân ca Mường lan xa trên không gian mạng

(HBĐT) - Hàng nghìn năm qua, những câu hát Đúm giao duyên, Thường Rang, Bộ Mẹng… là dân ca như mạch suối ngầm dung dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Mường. Nhưng bất cập không thể vượt qua khi đó, lời nói, lời ca của các nghệ nhân như người xưa hay nói "lời nói gió bay”, không có phương tiện gì ghi lại.

Bờ xưa - Tết trước

(HBĐT) - Từng có mặt tại chợ Bờ huyện Đà Bắc liên tục 5 năm (từ 1977 - 1982), khi đập thủy điện Hòa Bình chưa đắp, nay mỗi dịp Tết đến, tôi lại da diết nhớ chợ Bờ với những phiên chợ Tết đông vui như trẩy hội. Nhất là giờ đây, khi nơi này trầm sâu dưới trăm mét nước. Tết lại sắp về, Bờ xưa có thổn thức cùng tôi?

Thú chơi lan hồ điệp dịp Tết Nguyên đán

(HBĐT) - Tết đến, xuân về, nhà nhà náo nức sắm sửa cho gia đình những chậu hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu để đón năm mới. Vài năm trở lại đây, cùng với đào, mai - những loài hoa tượng trưng cho Tết cổ truyền Việt Nam, người dân TP Hòa Bình nở rộ thú chơi hoa lan hồ điệp trong ngày Tết Nguyên đán.

Người trẻ giữ hồn Tết cổ truyền

(HBĐT) - Ngày nay, cùng với tiện nghi của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ tích cực tham gia các hoạt động góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc dịp Tết cổ truyền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục