(HBĐT) - Đến hẹn lại lên, vào dịp rằm tháng Giêng - Ngày thơ Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lại tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu để các hội viên cùng hát, đọc cho nhau nghe những sáng tác của mình. Ngày thơ năm nay cũng vậy. Dẫu được tổ chức trong quy mô nhỏ, với sự góp mặt của gần 20 văn, nghệ sĩ nhưng cũng đủ để say, để mơ cùng những vần thơ, điệu nhạc.


Hai tác giả thơ của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thể hiện tuyệt phẩm âm nhạc "Mùa xuân đầu tiên” tại Ngày thơ - nhạc Nguyên tiêu 2022.

Trong không gian thoáng rộng nên thơ của gia đình họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao (con trai cố nhạc sĩ Văn Cao) nằm riêng một góc đồi thuộc xã Mông Hóa (TP Hòa Bình), các văn, nghệ sĩ như được hun đúc thêm miền xúc cảm. Bởi vậy, mặc dù đã xuất bản tới vài tập thơ, chung có, riêng có với vài trăm bài thơ thuộc nhiều thể loại, nhưng trong khoảnh khắc ấy, không gian, thời gian ấy, nhà thơĐinh Đăng Lượng chọn bài thơ "Nguyên tiêu" của Bác Hồ để đọc. Với chất giọng trầm ấm khi ông cất giọng: "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Bản dịch nôm: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”, từng câu, từng chữ như thấm vào hồn khán, thính giả vốn là những văn, nghệ sĩ.

Tiếp nối những vần thơ đẹp đó, họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao giới thiệu về xuất xứ bài thơ, bài hát do chính mình sáng tác và phổ nhạc mang tên "Người đi tìm lá diêu bông" viết về cố nhà thơ Hoàng Cầm khi ông ở tuổi 75. Lời đề từ đó giúp cho các văn, nghệ sĩ lắng lòng để cảm nhận những ca từ mộc mạc viết về một tâm hồn thơ lãng mạn, luôn chứa ẩn những giấc mơ khi đã ở tuổi xế chiều. Bài hát "Người đi tìm lá diêu bông" do ca sĩ Thùy Liên, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh thể hiện có sự bổng trầm, luyến láy, du dương: "… Bảy mươi lẻ bóng thanh tao/ Nhà thơ chống gậy đi tìm diêu bông/ Bảy mươi lẻ bóng thanh tao/ Nhà thơ chống gậy khua vào hoàng hôn”.

15 tiết mục thơ - nhạc trong chương trình thơ - nhạc hầu hết là các tác giả "tự biên, tự diễn” tạo nên một sân chơi thật đặc biệt, thật "chất”, theo cách nói của các văn, nghệ sĩ. Qua lời giới thiệu của nhạc sĩ Huy Tâm, các văn, nghệ sĩ thuộc lĩnh vực thơ, họa, văn xuôi… biết đến nhạc sĩ Phạm Quang Dụ, một trong những "nhạc sĩ phòng thu” đã hòa âm, phối khí cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng viết về đất và người Hòa Bình. Trong không khí mùa xuân ấm tình nghệ sĩ, nhạc sĩ Phạm Quang Dụ tự đệm đàn ghi ta và cất cao giọng hát với tác phẩm "Xuân trên đảo”, một ca khúc hay về người lính đảo canh giữ vùng trời, vùng biển Trường Sa. Xen ghép giữa những bài thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Hoàng Tâm đem đến chương trình thơ - nhạc một ca khúc mang đậm chất ví Mường: "Rượu cần ngọt mát làn môi/ Vít cần gợi nhớ những lời yêu thương/ Rượu cần giọt mật quê hương/ Một lần cùng uống vấn vương tâm tình…” - bài hát "Hương say rượu cần” phổ thơ Trần Quốc Dũng.

Đến với ngày thơ ai cũng muốn đọc, ngâm để chia sẻ những sáng tác của mình, nhưng đứng trước không gian và những hiện vật gợi nhớ nhạc sĩ Văn Cao - "Cây cổ thụ 3 ngọn" của nền nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Lê Thanh Hồng và Lê Mai Thao đã chọn ca khúc "Mùa xuân đầu tiên”, một tuyệt phẩm âm nhạc được sáng tác vào mùa xuân 1976, năm đầu tiên đất nước hoàn toàn độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà để thể hiện. Những ca từ bay bổng "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…” đã làm sáng lên không gian thơ, nhạc ngày xuân.

Trong niềm cảm xúc dâng tràn, nhà thơ Lê Mai Thao chia sẻ: Ngày thơ - nhạc năm nay diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên quy mô tổ chức nhỏ hẹp, không khí không xôm tụ, rực rỡ tiếng chiêng ngân như mọi năm. Nhưng bù lại, Ban tổ chức đã chọn chốn điền viên của gia đình họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao, nơi không gian thoáng đãng với cây cối, hồ nước, nếp nhà sàn mái lá đặc trưng của văn hóa Mường khiến cho các nghệ sĩ hết sức xúc động. Bởi, trong ngày đầu xuân mới được gặp nhau, cùng chia sẻ những câu thơ, bản nhạc. Hy vọng năm 2022 dịch bệnh sẽ hết để các văn, nghệ sĩ có những cuộc dã ngoại thật ý nghĩa, tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong năm tới thực sự xôm tụ với sự góp mặt đông đảo các văn, nghệ sĩ của tỉnh. Qua đó khơi nguồn sáng tạo các tác phẩm thi ca, để văn hóa, nghệ thuật Hòa Bình tiếp bước thăng hoa.

Lam Nguyệt

(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục