Thiếu nữ Mường Thàng - Cao Phong duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc.
Em Bùi Thị Ngọc, học sinh lớp 12, trường PT DTNT THCS&THPT huyện Cao Phong cảm thấy thân thuộc xen lẫn tự hào mỗi khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Ngọc chia sẻ, em sinh ra và lớn lên ở xóm Bằng, xã Tây Phong - nơi có 3 dân tộc Mường, Kinh, Dao cùng sinh sống, trong đó đa số là dân tộc Mường. Là con gái, em rất thích mặc váy Mường, nói tiếng Mường và xung quanh em mọi người cũng như vậy. Một cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc đã nuôi dưỡng tâm hồn em, dù ở trường hay khi ở nhà, tình yêu và niềm tự hào về nguồn gốc luôn sưởi ấm trái tim của cô học trò nhỏ.
Cũng như Bùi Thị Ngọc, nhiều người con gái sinh ra ở vùng đất Mường Thàng luôn cảm thấy đằm thắm nhất khi ướm mình trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc. "Là gái Mường em chẳng rực rỡ đâu/ E ấp hoa văn ẩn mình trong cánh áo…". Nào là chiếc khăn trắng thắt duyên dáng trên đầu, nào là chiếc áo ngắn có độ dài vừa chấm eo lưng, rồi yếm thắm, bộ tênh, xà tích… Đặc biệt là phần cạp váy có màu sắc rực rỡ, được dệt công phu tạo thành điểm nhấn ấn tượng cho cả bộ trang phục.
Được biết, Mường Thàng - Cao Phong vốn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đáng tự hào. Cộng đồng người Mường ở đây đã hình thành, kết nối, tạo ra những giá trị văn hóa rực rỡ, góp dấu ấn đặc sắc vào nền văn hóa Hòa Bình.
Lịch sử ghi lại: Đây là địa bàn nằm trong vùng đất có nền văn hóa lâu đời thuộc thời đại đá cũ "Văn hóa Sơn Vi” sang thời đại đá mới "Văn hóa Hòa Bình”. Từ xưa, người Mường đã sáng tác và truyền miệng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, tiêu biểu như: Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”; truyện "Nàng Nga - Hai Mối” "Út Lót - Hồ Liêu”, "Vườn hoa núi Cối”... cùng nhiều ca dao, tục ngữ, làn điệu dân ca, âm nhạc cồng chiêng và các tri thức dân gian khác.
Mỗi dịp Tết đến xuân về hoặc trong các lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa đặc sắc của Mường Thàng lại được thắp sáng trên vùng đất Cao Phong. Điển hình như lễ hội đền Bờ (xã Thung Nai), lễ hội khai mùa Mường Thàng (xã Dũng Phong), lễ hội khai xuân (xã Hợp Phong), lễ hội rước nước đền Bồng Lai (thị trấn Cao Phong), lễ hội chùa Quoèn Ang (xã Hợp Phong), lễ hội chùa Khánh (xã Thạch Yên)… Các lễ hội đều thấm đẫm hồn cốt văn hóa truyền thống, được thể hiện sinh động trong đời sống văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của Nhân dân. Vì thế, đó là những giá trị tốt đẹp và trân quý, được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Cao Phong luôn ý thức giữ gìn, phát huy.
Trong nỗ lực gìn giữ, phát huy hồn cốt của văn hóa Mường Thàng, huyện Cao Phong đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú trọng đầu tư các quần thể di tích lịch sử - văn hóa nổi bật trên địa bàn. Hiện nay, huyện có 3 khu di tích lịch sử đã được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận di tích quốc gia, văn hóa, lịch sử và 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Các di tích gắn với văn hóa truyền thống như sự tích "Vườn hoa núi Cối” (xã Hợp Phong), di tích cách mạng Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan (xã Bình Thanh), di tích đền Bờ (xã Thung Nai)… không những đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa hiện đại, mà còn tạo sức hút mạnh mẽ và vẻ đẹp đặc sắc cho mảnh đất, con người Cao Phong. Để đưa văn hóa truyền thống đi sâu vào đời sống hiện đại, huyện tích cực duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khôi phục trò chơi dân gian trong các dịp lễ hội, khai thác trở thành sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương.
Thu Trang