(HBĐT) - Tri thức dân gian lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình (lịch Đoi/Roi) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tin vui này đang làm nức lòng những người tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, cũng như đông đảo cán bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Đăng Chành (Kim Bôi) xem ngày lành, tháng tốt trên bộ lịch tre của dân tộc Mường Hòa Bình. Ảnh: Tô Anh Tú (Sở VH-TT&DL)
Nghệ nhân Bùi Văn Lựng ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) phấn khởi đón nhận tin vui. Ông là thầy mo có uy tín hàng đầu và tuổi nghề mo cao bậc nhất xứ Mường Bi ngày nay nên rất hiểu, trân quý những giá trị độc đáo của lịch tre dân tộc Mường Hòa Bình - mà xứ Mường Bi quê ông thường gọi là "lịch Đoi”. Trong nhà ông Lựng có một bộ lịch Đoi, thường dùng để xem ngày lành, tháng tốt. Đây là báu vật văn hóa bấy lâu nay được ông gìn giữ rất cẩn thận.
Nâng niu bộ lịch cổ trên tay, ông Bùi Văn Lựng tự hào giới thiệu: Đây là lịch Đoi của người Mường Bi - Tân Lạc. Lịch Đoi giúp đoán định thời tiết, ngày tốt. Từ xa xưa, người Mường Bi cứ theo lịch Đoi mà chọn ngày lành, ngày đẹp để làm những việc quan trọng như tổ chức lễ khai hạ đầu năm, làm nhà, làm đám cưới... Theo cách tính lịch Đoi, các ngày từ 1-10, người Mường gọi là "ngày cây”; từ ngày 11-20 gọi là "ngày lồng”; từ ngày 21-30 gọi là "ngày cuối”. Người Mường nói chung, người Mường Bi nói riêng thường tổ chức những việc quan trọng vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ.
Nếu như vùng Mường Bi (Tân Lạc) thường gọi tri thức dân gian lịch tre dân tộc Mường là lịch Đoi/sách Đoi thì ở vùng Mường Vang (Lạc Sơn), di sản văn hóa đặc sắc này được biết đến với tên gọi khéch Roi/sách Roi, còn một số nơi khác gọi là vác bén - khắc dấu. Theo thống kê hiện nay, trong toàn tỉnh chỉ còn 5 bộ lịch tre cổ có từ hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Hiện, di sản văn hóa này vẫn còn nguyên giá trị, được một bộ phận nhân dân lưu giữ, sử dụng, đa số là bậc cao niên, các thầy mo, thầy cúng.
Theo nghiên cứu của Sở VH-TT&DL: Lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là tri thức dân gian đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử của người Mường Hòa Bình - từ khi chưa có nguyên liệu giấy và được lưu truyền đến ngày nay. Đây là loại lịch pháp hội tụ tri thức dân gian độc đáo của người Mường Hòa Bình. Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Mường Hòa Bình đã xây dựng cho mình một cách tính lịch rất độc đáo. Tuy chưa phát triển thành hệ lịch chặt chẽ có tính mật xác cao để có thể tính trước được nhiều năm, nhưng rõ ràng nó là sản phẩm của quá trình quan sát lâu dài về các quy luật của vận động tự nhiên. Xác lập ra cách tính lịch, người Mường đã có phương tiện để khám phá ra những quy luật tự nhiên, cũng như công cụ để hoạch định mùa vụ canh tác nông nghiệp riêng của mình. Hiện nay, tri thức dân gian này được ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người dân, thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc, xứng đáng là một tri thức, di sản văn hóa phi vật thể mang tầm cỡ quốc gia.
Được biết, bộ lịch tre của người Mường Hòa Bình làm từ những thanh tre được dóc, vót và đánh bóng cẩn thận, sử dụng để khắc các khấc, vạch, chấm (gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng) nhằm chỉ thị cho ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Bộ lịch dân gian này có 3 dạng hình thức: Một là bộ lịch tre thanh dài, có chiều dài 25 - 30 cm, rộng 2,2 cm, dày 0,5cm; hai là bộ lịch tre thanh trung bình, có chiều dài 15 - 20 cm, rộng 1,5 - 2 cm, dày 0,5 cm; ba là bộ lịch tre thanh ngắn, có chiều dài 10 - 15 cm, rộng 2 - 2,5 cm, dày 0,5 cm. Cả 3 dạng đều có 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi thanh tre được tạo hình chữ nhật, có 2 mặt rộng gọi là mặt lịch và 2 mặt hẹp gọi là sống lịch. Trên mỗi thanh tre có các bộ phận chính gồm: Gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thanh tre đều khắc 30 khấc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng, 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Cũng theo nghiên cứu của Sở VH-TT&DL: Lịch tre của dân tộc Mường Hòa Bình dựa trên sự quan sát chuyển động của mặt trăng và sao Đoi/Roi để định ra tháng và dựa vào đặc tính của trăng trong chu kỳ tháng để phân định thời gian nhỏ hơn. Các bộ lịch tre của từng vùng Mường trong tỉnh có xuất xứ chung đó là dựa vào quy luật vận động của sao Đoi/Roi. Mọi ký tự, dấu hiệu khắc trên các thanh tre được quy định một cách giống nhau nhưng cũng có sự khác biệt giữa các vùng, miền, ứng với vận động của thiên nhiên, khí hậu và vạn vật. Với những giá trị độc đáo, đặc sắc và mang tính tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa dân tộc, lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được ngành VH-TT&DL tiến hành khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học để trình Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tri thức dân gian đáng tự hào của xứ Mường Hòa Bình.
Thu Trang
(HBĐT) - Ngày 31/7, tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình -Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022; Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc, đánh dấu sự khởi động trở lại mạnh mẽ của các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội sau đại dịch Covid-19.
(HBĐT) - Đúng 20h ngày 31/7, tại Quảng trường Hòa Bình (TP Hòa Bình) chính thức diễn ra chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival 2022, được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh. Báo Hòa Bình điện tử sẽ tiếp sóng vào 20h, ngày 31/7. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đang được gấp rút hoàn tất, sẵn sàng cho sự kiện văn hóa lớn của tỉnh.
(HBĐT) - Sông Đà xưa lắm thác, nhiều ghềnh, nay là hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La êm đềm, phẳng lặng luôn là nơi khơi nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa. Theo đó, trong chuyến đi thực tế sáng tác, Hội Nhà văn Hà Nội đã chọn sông Đà là điểm đến. Trước khi du ngoạn vùng hồ, đoàn đã dừng chân tại trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật Tây Bắc thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) và có đêm giao lưu nghệ thuật đầy ấn tượng với các văn, nghệ sĩ của Hòa Bình.
Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đặc sắc, phong phú, với cộng đồng 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa với sự phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng ở nước ta hiện nay, bên cạnh ưu thế mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác cũng đang đặt ra không ít khó khăn thách thức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1298/UBND-KTN, ngày 28/7/2022 về việc phân luồng đảm bảo giao thông phục vụ chương trình nghệ thuật "Hoà Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnival Hoà Bình năm 2022.
(HBĐT) - Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá du lịch và giới thiệu hình ảnh Hòa Bình đến với du khách trong nước và quốc tế, trong 2 ngày 30 và 31/07, tại TP Hòa Bình sẽ diễn ra chuỗi các sự kiện văn hóa – nghệ thuật đặc sắc: Chương trình nghệ thuật đặc sắc "Hoà Bình- Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022.