(HBĐT)-Cách đây vừa tròn 77 năm, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh trong đó ghi rõ "Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam". Sắc lệnh được ban hành đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá dân tộc. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, lấy văn hóa dân tộc làm sức mạnh nội sinh cho sự phát triển.
Cán bộ nghiên cứu thăm quan, tìm hiểu lịch sử di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn).
Một nền văn hóa đồ sộ
Hòa Bình được biết đến là miền đất sử thi, có nền "Văn hóa Hòa Bình” (VHHB) nổi tiếng tồn tại cách ngày nay từ 30.000 năm đến 7.500 năm. VHHB được xác định là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hóa Sơn Vi - Phú Thọ) và thời đại đá mới (Văn hóa Bắc Sơn - Lạng Sơn). Sự hiện diện của nền VHHB không chỉ là minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người, mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa sinh học từ người vượn tiền sử Homoeretus tiến lên người hiện đại Homosapiens, về phương thức kiếm sống, tổ chức xã hội, khi con người ở đây đã tiến từ giai đoạn "bầy người” tới tổ chức bộ lạc nguyên thủy...
Theo nghiên cứu, giá trị lớn nhất của nền VHHB hiện nay là những di chỉ khảo cổ tiêu biểu nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã lưu trữ được nhiều giá trị văn hoá phi vật thể mang đậm dấu ấn VHHB.
Theo đồng chí Bùi Thị Xuyến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 75 di tích khảo cổ về VHHB, phân bố chủ yếu ở các huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn, Tân Lạc, Lạc Thuỷ... Trong đó, tiêu biểu nhất là di tích hang xóm Trại, huyện Lạc Sơn. Qua quá trình khai quật tại hang đã phát hiện số lượng lớn di vật đá, xương phong phú lên tới 5.000 tiêu bản, khẳng định nơi đây là nơi cư trú lâu dài vừa là công xưởng chế tác công cụ của cư dân VHHB. Nơi đây cũng phát hiện vết tích tro bếp dày hàng mét. Đặc biệt là phát hiện mộ phần của bộ hài cốt cổ; hệ thống tư liệu nghệ thuật thời tiền sử sớm nhất và nhiều mảnh gốm thuộc văn hoá Đa Bút cách ngày nay 5 - 6 nghìn năm, có nhiều mảnh được trang trí rất đẹp và nhiều hiện vật khác. Di tích hang Chổ, xã Cao Sơn (Lương Sơn) với nhiều di vật đá biểu hiện những đặc trưng của di vật VHHB. Ngoài những loại hình công cụ thuộc nhóm truyền thống như công cụ rìa lưỡi dọc, rìa liên tiếp, mũi nhọn thì nổi bật là những đặc chủng công cụ đá Hoà Bình, bao gồm công cụ hình bầu dục, hình hạnh nhân, chữ nhật và rìu ngắn loại di vật có nhiều lỗ vũm nhỏ. Di tích hang Muối, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), quá trình thám sát, khai quật, nghiên cứu hang Muối, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy sự cấu tạo của tầng văn hoá rất dày (đến 1,7 m); phát hiện 2 hố đất mùn (hố rác) bếp nguyên thủy và số hiện vật rất lớn (hơn 900 hiện vật), 2 mộ táng, điều đó chứng tỏ đây là một di chỉ cư trú của người nguyên thủy. Ngoài ra còn rất nhiều di tích khác đang được bảo tồn.
Bảo tồn và phát huy
Giá trị "Văn hóa hòa Bình"
Nằm trong quần thể di tích khảo cổ VHHB tại huyện Lạc Sơn, điểm di tích mái đá làng Vành, thuộc xã Yên Phú là một địa điểm quen thuộc đối với cán bộ, nhân dân và các thế hệ trẻ trên địa bàn xã.
Đồng chí Phạm Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Hiểu rõ lịch sử lâu đời của di tích, cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nắm rõ về nguồn gốc, lịch sử cũng như ý nghĩa của di tích khảo cổ. Khi xã làm việc gì lớn, hoặc vào ngày lễ, Tết đều dâng hương, báo công tại địa điểm di tích này. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà trường thường xuyên giáo dục truyền thống cho học sinh hiểu giá trị của di tích khảo cổ.
Hiện nay, di tích khảo cổ hang xóm Trại, xã Tân Lập và di tích mái đá làng Vành, xã Yên Phú đã được tôn tạo, xây khuôn viên tường bao, cắt cử người trông coi. Hai di tích này thường xuyên đón các đoàn nghiên cứu, nhà khảo cổ về thăm quan, nghiên cứu. Mới đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) tiến hành khai quật các tầng văn hóa tại các di tích khảo cổ về VHHB nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị cốt lõi của VHHB.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị VHHB, UBND tỉnh xác định: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh nói chung, di tích VHHB nói riêng. Bằng hình thức trực quan, qua mạng internet, tuyên truyền báo chí, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau tăng cường tuyên truyền đến Nhân dân trong tỉnh và cả nước. Tiến hành nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho một số di tích khảo cổ của nền VHHB.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Di chỉ hang Chổ thuộc xóm Hui, xã Cao Sơn (Lương Sơn), theo tiếng Mường có nghĩa là hang ốc, vì trong hang có rất nhiều vỏ ốc nằm rải đều khắp nền hang. Hang Chổ là nơi cư trú lâu dài của cư dân tiền sử Hòa Bình, đồng thời còn là di chỉ xưởng có niên đại trên dưới 10.000 năm cách ngày nay.
(HBĐT) - Ngày 29/8, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, Cao Phong) đã tổ chức buổi tọa đàm "Hợp tác phát triển du lịch Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam”. Tham gia tọa đàm có đại diện của hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh và TP Hà Nội.
(HBĐT) - Ngày 29/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) về di sản văn hóa (DSVH) mo Mường Hòa Bình tổ chức họp nghe báo cáo kết quả hoạt động của BCĐ 8 tháng năm nay và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Đúng dịp diễn ra Đại hội TDTT huyện lần thứ VII, năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lạc Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba - phần thưởng cao quý dành cho những nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) giai đoạn 2000 - 2020.
Trong những năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy của các em thiếu nhi Thủ đô mỗi dịp Trung thu tháng Tám. Nhờ có sự kết nối giữa bảo tàng và các nghệ nhân dân gian, nên việc bảo tồn, hướng dẫn các em thiếu nhi làm đồ chơi truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học đã làm sống lại đồ chơi dân gian.
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước UNESCO 1972) sẽ diễn ra tại Ninh Bình vào ngày 6/9 cùng các hoạt động phụ trợ khác.