Trong tháng 9, các hoạt động chính thức của Lễ hội Thành Tuyên sẽ diễn ra với quy mô cấp tỉnh. Ngay từ đầu tháng Bảy âm lịch, các mô hình Trung thu ở Thành Tuyên đã "tung tăng” khắp phố phường. Tái khởi động sau gần 2 năm tạm dừng vì dịch bệnh, Lễ hội Thành Tuyên năm nay sẽ là lễ hội đặc biệt với chuỗi sự kiện chưa từng có, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, sẵn sàng mang tới cho nhân dân và du khách những trải nghiệm thú vị.

 


Trẻ em được người lớn cho đi xem các mô hình Trung thu. Ảnh: Hải Hương.


Lễ hội của những kỷ lục

Lễ hội Thành Tuyên ban đầu chỉ là một hoạt động tự phát của người dân từ Trung thu năm 2004 tại thành phố Tuyên Quang, đến nay, sau gần 20 năm, việc làm các mô hình đèn Trung thu khổng lồ cho trẻ em diễn diễu trên đường phố đã được lan tỏa ở khắp các xóm, thôn, tổ dân phố của thành phố đến các huyện trên địa bàn tỉnh. Theo thời gian, từ một hoạt động tự phát trong nhân dân đã được nâng lên với quy mô cấp thành phố, rồi cấp tỉnh và ngày càng có nhiều hoạt động thú vị, mô hình con giống độc đáo, hấp dẫn. Lễ hội Thành Tuyên không chỉ trở thành một nét văn hóa đặc sắc, riêng có vào mỗi dịp Tết Trung thu hàng năm của người dân Tuyên Quang, thu hút đông đảo già trẻ, nam nữ, dân tộc tham gia mà còn trở thành Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận như: Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam; có "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; có "Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”.

 

Một tiết mục hát Then được biểu diễn tại Liên hoan hát Then, đàn Tính huyện Na Hang năm 2019. Ảnh: Quốc Việt.

 

Từ năm 2015 đến nay, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch. Sau 2 năm vắng bóng do đại dịch Covid-19, Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 được tỉnh tổ chức trở lại với quy mô cấp tỉnh, với sự tham gia của 7/7 huyện, thành phố trong tỉnh, một số địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh và một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Chuỗi sự kiện đặc sắc, hấp dẫn

Năm nay, Lễ hội được tổ chức gắn với chuỗi sự kiện lớn, quan trọng, hoạt động hấp dẫn, mới mẻ. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể tới đó là Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 được tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) vào lúc 20h00', ngày 3-9-2022 (tức thứ Bảy, ngày 8-8 âm lịch) và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TTV), Báo Tuyên Quang online và một số đài truyền hình các địa phương trong cả nước tiếp sóng VTV1. Lễ đón nhận có sự tham gia của 11 tỉnh có di sản thực hành Then, gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.

 


 Tiết mục hát Then tại Liên hoan hát Then, đàn Tính huyện Na Hang lần thứ 2 năm 2019. Ảnh: Quốc Việt

Hoạt động sôi động và thu hút nhất của Lễ hội chính là Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) vào 20h00' ngày 4-9-2022 (tức Chủ nhật, ngày 9-8 âm lịch). Với Chủ đề "Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên”, ngoài chương trình nghệ thuật hấp dẫn, đêm hội có sự góp mặt của hơn 50 mô hình đèn Trung thu ý nghĩa. Đó là những con giống khổng lồ, với đủ màu sắc, hình dáng, mô phỏng các nhân vật trong truyện cổ tích, ngụ ngôn được trẻ em yêu thích hoặc các đặc sản của địa phương, danh thắng của đất nước, địa phương, địa danh khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia… được tạo nên bởi chính những đôi tay tài hoa và trái tim yêu trẻ của người dân trong tỉnh. Mới mẻ hơn ở Đêm hội Thành Tuyên năm nay còn có sự xuất hiện của các mô hình của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia.

Bên cạnh các hoạt động chính của Lễ hội, còn có các chương trình, hoạt động khác như: Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch 11 tỉnh tham gia Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại Khách sạn Mường Thanh (TP Tuyên Quang) vào 8h ngày 4-9-2022. Vòng chung kết Cuộc thi "Người đẹp xứ Tuyên”, được tổ chức vào 20h00', ngày 10-9 (tức thứ Bảy, ngày 15-8 âm lịch) tại thành phố Tuyên Quang.


 

Du khách ấn tượng với những món ẩm thực tại chợ đêm Na Hang. Ảnh: Quốc Việt.


Miền gái đẹp

Người dân cả nước luôn dành cho Tuyên Quang một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Khi biết ta là người xứ Tuyên, ai cũng phải thốt lên trầm trồ "Chè Thái, gái Tuyên”. Đó là niềm vinh dự, tự hào. Người ta vẫn mải miết tìm kiếm điều gì đó để trả lời một câu hỏi, vì sao người con gái xứ Tuyên lại đẹp đến vậy. Nhưng vẫn không có câu trả lời nào thỏa đáng…

 


Chung kết Hội thi Nữ sinh tài năng và duyên dáng tỉnh Tuyên Quang năm 2019. Ảnh: Quang Hòa


Vẻ đẹp của con gái xứ Tuyên càng được khẳng định qua nhiều cuộc thi nhan sắc trong tỉnh, quốc gia, quốc tế với các tên tuổi như: Cựu người mẫu châu Á - Thái Bình Dương Dương Thanh Chấn, người mẫu Thủy Hương, Á hậu Việt Nam 1992 Nguyễn Minh Phương, Á hậu Việt Nam 1994 Tô Hương Lan, Hoa hậu Thành Tuyên 2006 Vi Thị Lan; các diễn viên nổi tiếng màn ảnh Việt như: Thu Hà, Mai Huê, Thu Nga, Vũ Thu Hoài, Lương Thu Trang hay MC Tùng Lâm, Thu Hiền...

 


Tô Hương Lan, đoạt giải Hoa khôi các tỉnh phía Bắc và á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 1994.


Qua nhiều năm, Tuyên Quang tổ chức các cuộc thi sắc đẹp gắn với các sự kiện lớn. Đặc biệt, từ khi Lễ hội Thành Tuyên có sức lan tỏa mạnh mẽ, trong nhiều năm Tuyên Quang đưa nội dung thi Người đẹp xứ Tuyên vào chuỗi các sự kiện để tạo sự cuốn hút đối với du khách. Năm nay, Cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên năm 2022 thu hút 91 thí sinh đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh dự thi. Ngày 6-8 vừa qua, kết thúc vòng sơ khảo, Ban Tổ chức Cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên năm 2022 đã lựa chọn được 35 thí sinh xuất sắc nhất vào vòng chung khảo.


 

Đêm chung kết Cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên năm 2014. Ảnh: Quang Hòa

 

Theo bà Ma Thị Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên năm nay có điểm mới, nếu những lần thi trước các thí sinh chỉ phải trải qua 2 vòng thi là sơ khảo và chung kết thì năm nay phải trải qua 3 vòng thi: Sơ khảo, chung khảo và chung kết. Các thí sinh năm nay đa phần là sinh viên, hội tụ cả nhan sắc và trí tuệ, hứa hẹn những màn thi tài đầy hấp dẫn của các thí sinh.

"Miền gái đẹp” đó là sự vinh danh của người dân cả nước dành cho Tuyên Quang. Vẻ đẹp ấy đã tạo nên sức cuốn hút du khách khi đến với xứ Tuyên.

Các hoạt động hưởng ứng

Trước khi các hoạt động chính thức diễn ra, trong các ngày 26 và 27-8-2022, nhiều hoạt động đặc sắc được diễn ra tại huyện Na Hang như: Trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghi lễ sinh hoạt truyền thống các dân tộc, trong đó có trưng bày những hiện vật văn hóa tiêu biểu như: Đồ thờ tự, trang phục, nhạc cụ, đồ thủ công mỹ nghệ, hình ảnh các hoạt động tiêu biểu về văn hóa, thể thao và du lịch; không gian văn hóa gắn với giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để du khách có thể nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm… và trình diễn, giới thiệu 1 lễ hội (trích đoạn), nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc có giá trị đặc sắc, tiêu biểu của địa phương. Cùng với đó, là Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; Triễn lãm ảnh "Sắc màu văn hóa các dân tộc Tuyên Quang” gắn với vòng Chung khảo Cuộc thi "Người đẹp xứ Tuyên".


 

Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành, Hàm Yên thương hiệu được khẳng định. Ảnh: Quang Hòa.

 

Từ ngày 1 đến 8-9, tại thành phố Tuyên Quang cũng diễn ra nhiều chương trình hấp dẫn như: Chương trình "Trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” và Lễ hội bia Hà Nội; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022 và Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang. Tại phố đi bộ thành phố Tuyên Quang sẽ trưng bày, giới thiệu các gian hàng và các hoạt động vui chơi, giải trí, trưng bày 12 mô hình đèn Trung thu tại khu vực lòng hồ công viên Tân Quang (TP Tuyên Quang); tổ chức vòng Chung khảo và tổng kết, trao giải Cuộc thi "Tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” và Cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Tuyên Quang năm 2022”. 

Cùng với đó, các hoạt động văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức sôi nổi như: Giải đua xe đạp tỉnh Tuyên Quang mở rộng "Hành trình về Tân Trào - Thủ đô Kháng chiến” năm 2022 được tổ chức vào các ngày từ 15 đến 17-8-2022; Giải Thi đấu Quần vợt, Giải thi đấu Bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh Tuyên Quang mở rộng năm 2022 trong các ngày từ ngày 1 đến 4-9-2022 và nhiều hoạt động hưởng ứng của các huyện, thành phố trong tỉnh.


 

Vẻ đẹp khu danh thắng Cọc Vài, Thượng Lâm, Lâm Bình. Ảnh: Quang Hòa.

 

Lễ hội Thành Tuyên đang tới thật gần. Mời du khách gần xa hãy sắp xếp công việc để đến với Tuyên Quang, với Lễ hội Thành Tuyên, để được đắm mình trong không gian lung linh rực rỡ sắc màu, không khí náo nức của tiếng trống, tiếng nhạc. Đồng thời thưởng thức những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của 22 dân tộc anh em và trở về với miền ký ức tuổi thơ trong những đêm trăng rằm sáng tỏ; trải nghiệm diễn diễu cùng những xe mô hình đèn Trung thu khổng lồ, sinh động mà chỉ Tuyên Quang mới có.

Thiếu nữ Dao đỏ xã Đà Vị, Na Hang. Ảnh: Quang Hòa.


Nghệ nhân nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An, Chiêm Hóa biểu diễn Then cổ. Ảnh: Quang Hòa.


Biểu diễn Then trên hồ Nà Nưa, Tân Trào. Ảnh: Quang Hòa.


Văn hóa thổ cẩm của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang, Lâm Bình. Ảnh: Quang Hòa.


Người Tày xứ Tuyên thi làm bánh trứng kiến. Ảnh: Quang Hòa.


Du khách cưỡi ngựa trải nghiệm homestay ở xã Khuôn Hà, Lâm Bình. Ảnh: Quang Hòa.


 

1. Từ 15 – 17/8: Giải đua xe đạp tỉnh Tuyên Quang mở rộng "Hành trình về Tân Trào – Thủ đô kháng chiến” năm 2022.

 

2. Từ 26 – 27/8:  

- Liên hoan Văn hoá các dân tộc tỉnh Tuyên Quang
- Trưng bày, giới thiệu không gian văn hoá, nghi lễ sinh hoạt truyền thống các dân tộc
- Triển lãm ảnh "Sắc màu văn hoá các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”
- Vòng Chung khảo cuộc thi "Người đẹp xứ Tuyên”

 

3. 20h ngày 3/9: Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Thành Tuyên năm 2022.

 

4.  20h ngày 4/9: Đêm hội Thành Tuyên.

 

5. Từ 1 – 4/9:    

-Giải Quần vợt , Giải Bóng bàn các Câu lạc bộ tỉnh Tuyên Quang mở rộng năm 2022.
-Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang.

 

6. Từ 2 – 4/9: Trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội bia Hà Nội năm 2022.

 

7. Ngày 7/9: Trao giải các cuộc thi: Tìm hiểu Di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”; "Ảnh đẹp du lịch Tuyên Quang năm 2022”.

 

8. Từ 1 – 8/9: Hội chợ Thương mại – Du lịch tỉnh Tuyên Quang.

 

9. 20h ngày 10/9: Chung kết Cuộc thi "Người đẹp xứ Tuyên”.

 



Theo Báo Tuyên Quang


Các tin khác


Hội thi hòa giải viên giỏi huyện Cao Phong lần thứ VI, năm 2022

(HBĐT) - Ngày 31/8, tại Nhà văn hoá trung tâm huyện, UBND huyện Cao Phong tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi lần thứ VI, năm 2022.

5 món ăn, sản phẩm Hòa Bình lọt Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam 

(HBĐT) - Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 29/KLVN-TOP-2022, ngày 20/8/2022 về xác lập Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam (Lần V năm 2021 - 2022) trong Hành trình tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.

Hang Chổ - dấu tích nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Di chỉ hang Chổ thuộc xóm Hui, xã Cao Sơn (Lương Sơn), theo tiếng Mường có nghĩa là hang ốc, vì trong hang có rất nhiều vỏ ốc nằm rải đều khắp nền hang. Hang Chổ là nơi cư trú lâu dài của cư dân tiền sử Hòa Bình, đồng thời còn là di chỉ xưởng có niên đại trên dưới 10.000 năm cách ngày nay.

Tọa đàm hợp tác phát triển du lịch công viên di sản các Nhà khoa học Việt Nam

(HBĐT) - Ngày 29/8, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, Cao Phong) đã tổ chức buổi tọa đàm "Hợp tác phát triển du lịch Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam”. Tham gia tọa đàm có đại diện của hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh và TP Hà Nội.

Đánh giá kết quả hoạt động Ban Chỉ đạo về di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 29/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) về di sản văn hóa (DSVH) mo Mường Hòa Bình tổ chức họp nghe báo cáo kết quả hoạt động của BCĐ 8 tháng năm nay và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục