(HBĐT) - Công trình thanh niên số hóa các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ đang được Tỉnh Đoàn triển khai tích cực, hiệu quả. Không chỉ cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử, địa điểm du lịch nổi tiếng một cách nhanh chóng, sinh động, công trình còn phát huy tinh thần xung kích, sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số.
Đồng chí Dương Đức Anh, Bí thư Thành Đoàn Hòa Bình cho biết: Từ năm 2022, Thành Đoàn đã ra mắt công trình thanh niên số hóa thông tin di tích lịch sử khu di tích Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình tại xóm Trường Yên, xã Yên Mông. Trong dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 2023, Thành Đoàn tiếp tục bổ sung thông tin, hình ảnh, dựng lại nội dung để kết dẫn về khu di tích được phong phú, hấp dẫn, khoa học hơn. Công trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên thanh niên thành phố, nhất là học sinh, nguyên học sinh trường phổ thông DTNT THPT tỉnh cũng như con em cán bộ của nhà trường qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, Thành Đoàn cho ra mắt công trình thanh niên số hóa thông tin di tích đền Ba cô tiên - động Thăng, thuộc xóm Thăng, xã Hòa Bình. Thông tin, tài liệu trong hồ sơ di tích Thành Đoàn phối hợp Phòng VH-TT thành phố thẩm định, lựa chọn.
Đồng chí Bí thư Thành Đoàn cho biết thêm: Trên địa bàn thành phố có công trình thế kỷ Nhà máy thủy điện Hòa Bình được Tỉnh Đoàn phối hợp Thành Đoàn số hóa năm 2022. Hiện, Thành Đoàn có kế hoạch tiếp tục số hóa thêm một số công trình ý nghĩa trên địa bàn thành phố. Những công trình này thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ và sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống, lịch sử của quê hương, đất nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch; giúp du khách tiếp nhận thông tin chính xác, sinh động và hấp dẫn các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa…
Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn cho biết: Việc phát huy ứng dụng công nghệ trong bảo tồn các giá trị lịch sử, quảng bá thông tin du lịch ngày càng được xem trọng và trở thành hướng đi mới. Thực hiện chủ đề năm 2023 "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các huyện, thành đoàn xây dựng công trình quét mã QR tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ để giúp du khách nắm thông tin một cách đầy đủ, tiện lợi, chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc... Việc triển khai được thực hiện điểm, sau đó nhân rộng ra các địa phương trong toàn tỉnh, gắn với việc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để xây dựng các điểm quét mã QR, các cấp bộ Đoàn khảo sát nhu cầu thông tin của du khách khi đến thăm quan các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, lựa chọn điểm triển khai công trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả; phối hợp cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, cơ quan truyền thông để tổng hợp, biên tập, xây dựng thành ấn phẩm tuyên truyền, gồm infographic và video clip được số hóa trong các mã QR. Tại các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ, điểm quét mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng pano, biển bảng giới thiệu. Ngoài ra, các mã QR còn được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, internet, mạng xã hội.
Lần đầu đến với công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình, chị Nguyễn Thị Nhung ở Hà Nội và những người bạn dùng điện thoại thông minh quét mã QR đặt tại danh thắng nhận được nhiều hình ảnh, video thông tin về địa điểm. Chị Nhung chia sẻ: "Đây là cách làm sáng tạo của tuổi trẻ địa phương để quảng bá du lịch. Chỉ cần truy cập vào fanpage và quét mã QR, tôi nhận được đầy đủ thông tin, hình ảnh về địa điểm mình đặt chân tới, giúp có những trải nghiệm tốt khi đến với nơi này”.
Phát huy hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục nhân rộng sáng kiến nhằm ứng dụng rộng rãi tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trong toàn tỉnh.
Hồng Duyên