Sau gần 10 ngày diễn ra chuỗi sự kiện văn hóa sôi nổi, đầy màu sắc, thấm đẫm giá trị di sản văn hóa dân tộc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách và nhân dân, tối 5/8, tại thành phố Vinh, Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ bế mạc Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 và bế mạc Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền.


Các tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn tại lễ bế mạc. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là di sản văn hóa quý báu, là loại hình nghệ thuật truyền thống in đậm trí tuệ, tâm hồn, cốt cách của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau gần 10 năm được vinh danh, dân ca Ví, Giặm ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ, là môi trường nuôi dưỡng, làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa xứ Nghệ; đồng thời là động lực để phát kinh tế của tỉnh.

Lần đầu tiên được tổ chức, Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 đã thực sự mang lại sự mới lạ, một cách nhìn, một cách tiếp cận và biểu đạt mới về di sản văn hoá truyền thống của cả nước nói chung và di sản dân ca Ví, Giặm nói riêng.

Khởi động cho Festival là Liên hoan dân ca Ví, Giặm được tổ chức ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từ đó lựa chọn ra được 19 câu lạc bộ xuất sắc tham gia Liên hoan cấp liên tỉnh với gần 700 nghệ nhân, diễn viên. Liên hoan dân ca đã khép lại thành công với nhiều dấu ấn về cảm xúc trong lòng các nghệ nhân, diễn viên bởi thường ngày họ là những người dân lao động, những cán bộ hay là công nhân nhưng khi lên sân khấu họ như quên hết mọi lo toan cuộc sống, để hòa mình vào câu hò, điệu ví say đắm lòng người, truyền tải đến khán giả về lối sống đẹp, đề cao lòng hiếu thảo, kính trọng cha mẹ, ca ngợi tình yêu chung thủy, cuộc sống nghĩa tình, tấm lòng trung thực, cao thượng, nhân ái.

Đặc biệt, Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival đã diễn ra đầy ý nghĩa, nhiều sắc màu với chủ đề "Ví, Giặm - Tinh hoa tỏa sáng” là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ trên nền tảng cốt lõi là các giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, giúp khán giả và du khách cả nước có cái nhìn mới về dân ca Ví, Giặm - một loại hình dân ca truyền thống, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, khởi nguồn từ lao động, lặng lẽ thấm đẫm trong hồn cốt nhân dân xứ Nghệ và lan toả mạnh mẽ trong đời sống đương đại.

Một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện của Festival là Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, tỉnh Nghệ An đăng cai với sự tham gia của 29 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố. Hội diễn đã giới thiệu những tinh hoa dân ca truyền thống các vùng miền Tổ quốc tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại.

Các đoàn nghệ thuật quần chúng đã bám sát quy chế của Ban Tổ chức để xây dựng chương trình, tiết mục tham dự Hội diễn đảm bảo về nội dung, phong phú về hình thức và chất lượng nghệ thuật. Kết cấu chương trình chặt chẽ, dàn dựng công phu, hoành tráng, sôi động nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền, đảm bảo được tính nguyên gốc của bài dân ca cũng như nhạc cổ. Đa số các đoàn sử dụng những bài dân ca nguyên bản và có tiết mục đặt lời mới mang đậm âm hưởng vùng miền, có tiết mục ca có kết hợp với múa phụ họa được dàn dựng sinh động, xử lý công nghệ ánh sáng, âm thanh rất hiệu quả mang lại cảm xúc cho khán giả.

Các tiết mục hòa tấu, độc tấu, âm nhạc chủ yếu là dân ca và nhạc cổ, các nhạc công hòa âm tốt, biết cách phát huy tính năng từng nhạc cụ. Đặc biệt có một số đoàn Miền Trung, Tây Nguyên kết hợp tốt giữa cồng chiêng, đàn Tơ rưng, trống cùng với múa phụ họa tạo nên âm sắc của đại ngàn hùng vĩ.

Dù chỉ có 4 ngày thi diễn tại sân khấu, nhưng với tài năng của các nghệ nhân, diễn viên trình diễn hết mình bằng niềm đam mê hoạt động văn hóa văn nghệ; các Đoàn nghệ thuật quần chúng mang đến Hội diễn những chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu với những cung bậc cảm xúc khác nhau, đem lại bầu không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tới xem và cổ vũ. 

Trước khi diễn ra lễ bế mạc Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là chương trình Lễ hội đường phố với chủ đề "Sắc màu di sản”  trên tuyến phố đi bộ thành phố Vinh. Hoạt động này là sự kết hợp, hội tụ và tỏa sáng của hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của 18 đoàn nghệ thuật quần chúng, 18 Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm và các nhóm nghệ thuật đã trình diễn các di sản văn hóa tiểu biểu của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình đã tạo nên một không gian văn hoá đa dạng, sôi động, hấp dẫn, cuốn hút người dân, du khách, đặc biệt là giới trẻ cùng tham gia và trải nghiệm về các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc nhất.

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Festival năm nay, với tinh thần chủ động, trọng thị và hiếu khách của vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, tỉnh Nghệ An đã cố gắng huy động toàn lực với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao nhất để Festival diễn ra an toàn, thành công, để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc sâu sắc, là dịp cho Nhân dân và du khách được hưởng thụ không gian văn hóa truyền thống và hiện đại, sôi nổi và lắng đọng khi về với mảnh đất xứ Nghệ.

Thành công của Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 chính là tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh Nghệ An hướng tới xây dựng "Festival dân ca Ví, Giặm” trở thành sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, được tổ chức thường xuyên, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh, thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao giải cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc; giải Diễn viên ít tuổi, trình diễn xuất sắc tham gia  Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục