Cơm lam Mường Động - sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao không đơn thuần là món ăn mà còn gắn với văn hóa tín ngưỡng của người dân Mường Động. Theo quan niệm của người xưa, nhờ mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt mới có được hạt gạo dẻo thơm. Vậy nên cơm lam được coi như thành quả sau một năm lao động vất vả, là món ăn không thể thiếu mỗi độ Tết đến, Xuân về…


Người dân khu Mớ Đá, thị trấn Bo (Kim Bôi) xây dựng và phát triển thương hiệu
cơm lam Mường Động trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.  

Tinh hoa mường động

Để làm ra được cơm lam với hương vị đặc trưng, người Mường Động thường cầu kỳ, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyện liệu. Theo đó, gạo để nấu cơm lam phải là gạo nếp nương, mới gặt, hạt to và có màu trắng đục. Gạo nếp được ngâm khoảng 8 - 12 tiếng để hạt gạo mềm, dễ chín. Sau khi đãi sạch, gạo sẽ được trộn một chút muối trắng và cùi dừa nạo băm nhỏ, sau đó nén gạo vào ống thật chặt rồi đổ thêm nước cho đầy miệng ống. Người dân chuẩn bị những ống tre, ống hóp cắt ngắn thành từng đốt có mấu, dài khoảng 35 - 40cm. Những loại ống này phải lấy từ cây tươi, bánh tẻ, không già hoặc non quá để tránh cơm bị khô và cháy. Sau đó dùng lõi ngô hoặc mẩu mía nút chặt lại rồi xếp vào lò thành hình tròn. Củi và than sẽ được đốt ở giữa khoảng 45 - 50 phút. Khi nướng cơm lam phải nướng bằng than củi, cứ 15 phút xoay đều những ống cơm. Nếu thấy mùi thơm từ ống bay ra có nghĩa là cơm đã chín. Cơm lam có thể ăn với thịt lợn nướng, thịt gà, thịt lợn rang băm nhỏ, măng chua... nhưng ngon nhất vẫn là chấm với muối vừng.

Bà Đinh Thị Lỷ ở khu Mớ Đá, thị trấn Bo, người có nhiều kinh nghiệm làm cơm lam chia sẻ: "Bí quyết quan trọng nhất để có những ống cơm lam dẻo thơm mang hương vị đặc trưng chính là hạt gạo nếp nương được trồng trên mảnh đất suối khoáng giàu tinh chất. Cùng với đó là kinh nghiệm của người đứng lò nướng làm sao để lửa vừa đủ chín tới, không bị cháy khét. Khoảng 1 tiếng ra lò là thời điểm thưởng thức cơm lam ngon nhất bởi vẫn giữ được độ ấm. Sau khi tách bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, cơm lam vẫn giữ được lớp màng bọc xung quanh, thoang thoảng hương thơm của ống hóp và có độ dẻo nhất định”.  

Trong tập quán của người Mường Hòa Bình nói chung và người dân Mường Động nói riêng, thường thì người đàn ông đảm nhận chế biến các món ăn trong gia đình. Nhưng với cơm lam thì cả phụ nữ, đàn ông và trẻ em đều biết làm. Họ làm cơm lam khi đi lao động trên nương, vào rừng kiếm củi, trẻ em thì làm để ăn khi đi chăn trâu. Cứ như thế, cơm lam gắn liền với đời sống sinh hoạt và dần trở thành nét đẹp của người Mường. 

Đưa cơm lam Mường Động bay cao, vươn xa… 

Tại khu Mớ Đá hiện có trên 30 hộ sản xuất cơm lam. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, quy trình sản xuất cơm lam đã được cải tiến, tuy nhiên vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ đã chú ý cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm chuyên nghiệp và có tem truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ sản phẩm được hút chân không bảo quản, đảm bảo chất lượng. Hiện nay, cơm lam Mường Động đã có mặt tại các nhà hàng, siêu thị của nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. 

Anh Phạm Hồng Sơn, chủ cơ sở sản xuất cơm lam Mường Động tại khu Mớ Đá, thị trấn Bo cho biết: "Trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất bán ra thị trường từ 6.000 - 8.000 ống cơm lam, giá thành dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/ống. Để thương hiệu cơm lam Mường Động tiếp tục phát triển hơn nữa, chúng tôi mong muốn sớm thành lập được tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết các hộ sản xuất cơm lam trên địa bàn. Từ đó hoàn thành các bước đề nghị xây dựng chỉ dẫn địa lý, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa. Chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các nhà hàng, khu du lịch trong tỉnh và các vùng lân cận. 

Có thể nói, cơm lam không chỉ làm phong phú ẩm thực của người Mường Động mà còn góp phần quảng bá văn hóa Mường Hòa Bình nói chung, huyện Kim Bôi nói riêng tới du khách và những người ưa khám phá các món ăn truyền thống. Cuộc sống của người dân Mường Động đã có nhiều đổi thay nhưng cơm lam vẫn là món ăn truyền thống không thể thiếu trong đời sống, là món quà được mang đi giới thiệu, trưng bày ở các hội chợ, lễ hội lớn và được xem như tấm lòng của đồng bào Mường nơi đây, mộc mạc, bình dị nhưng thật sâu nặng nghĩa tình.


Trần Đức

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục