Đã thành phong tục, sau khi kết thúc mùa thu hoạch cuối cùng trong năm, các gia đình dân tộc Tày ở huyện Đà Bắc tất bật chuẩn bị lễ vật cúng, đan mâm, làm đũa hoa cho mâm cỗ mừng Tết cơm mới với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính đối với tổ tiên, ông bà đã khuất.



Tết cơm mới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Tày Đà Bắc, vì vậy công việc chuẩn bị cho buổi lễ được mọi người làm rất tỉ mỉ, kỹ càng, thể hiện tấm lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên, ước nguyện một năm mới mùa màng tốt tươi, ngô lúa đầy nhà, gia đình êm ấm. Anh Xa Văn Có, xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng cho biết: Để buổi lễ được đầy đủ, có những gia đình chuẩn bị trước đó hàng tháng. Bà con chọn những bông lúa non đẹp nhất đem phơi, bảo quản nơi khô ráo, khi tổ chức lễ đem ra luộc lại, rang cho cứng vỏ ngoài rồi đem giã lấy cốm non để đồ làm cơm non cúng. Cầu kỳ nhất là đặt bẫy chuột rừng và sóc rừng sấy khô rồi đồ lên làm lễ vật cúng. Nếu không bẫy được chuột, sóc có thể thay thế bằng các loại thịt khác có sẵn trong mỗi gia đình. Sau đó đan mâm, làm đũa hoa, chuẩn bị chĩnh (vò) rượu... Trong gia đình mỗi người được phân công làm một việc, cũng là để dạy cho con, cháu sau này biết cách làm.

Theo cụ Xa Văn Băng, xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng, người có thâm niên mo lễ cơm mới cho biết: Tết cơm mới của người Tày thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm. Hiện nay, hầu hết các gia đình người dân tộc Tày vẫn còn duy trì việc tổ chức Tết cơm mới, nghi thức trong buổi lễ có phần được đơn giản hoá, nhưng mâm cỗ cúng có những nét đặc trưng riêng cần phải thực hiện đúng. Trước tiên, mâm hình tròn được đan bằng nứa, mỗi lễ cúng cần từ 4 - 5 mâm. Mỗi mâm có 8 - 10 đôi đũa hoa, đặc biệt không thể thiếu một vò rượu ngon mới cất cắm sẵn 8 - 10 cần trúc cùng một chiếc sừng trâu. Đồ lễ cúng trong mâm là những sản vật do người dân tự săn bắt, trồng cấy, được chế biến theo nguyên tắc riêng, độc đáo. Mâm cúng không thể thiếu cơm non (cốm), cá suối, thú rừng (chim, sóc, ron, nhím, chuột hang), thịt lợn, gà, vịt làm chín bày trên cỗ lá. Ngoài ra, mâm cỗ cúng cần có đầy đủ khoai lang, khoai sọ, củ từ, măng, quả cọ…

Lễ cúng cơm mới thường được tổ chức vào cuối buổi chiều. Khi cỗ bày xong, thầy mo mặc quần áo truyền thống của dân tộc Tày, sử dụng một chiếc quạt khi mo bắt đầu cúng. Bài mo cơm mới có nội dung, tuần tự, ý nghĩa riêng. Thầy mo kể như hát, ông gọi các bậc tổ tiên từ trên trời xuống, từ mộ về, từ bệ thờ ra cùng ngồi với con cháu vui Tết cơm mới. Các bài mo thường kéo dài nhiều giờ trước sự chứng kiến của cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Khi thầy mo bắt đầu cúng cũng là lúc bên ngoài các điệu múa truyền thống được diễn ra. Các thiếu nữ dân tộc Tày trong những bộ trang phục dân tộc nhiều họa tiết, phụ kiện bắt đầu các điệu múa gõ máng (keng loóng) và múa hoa. Những âm thanh keng loóng rộn rã, điệu múa hoa nhộn nhịp, sôi động mang đến không khí vui tươi, rộn rã cho bản làng. Cùng với mâm cỗ dâng lên cúng đất trời, ông bà, tổ tiên, những điệu múa truyền thống độc đáo thể hiện niềm vui, mong ước một năm mới tốt lành, gặp nhiều may mắn, thóc lúa đầy bồ của bà con người Tày trong lễ hội cơm mới. Sau khi điệu múa kết thúc, thầy mo hoàn thành phần mo mời trầu, tiễn ông bà tổ tiên "đi ngủ” thì mâm cỗ được dọn ra. Gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu để tổng kết một năm thành công, rộn rã lời chúc tụng bước sang năm mới mưa thuận gió hoà, gia đình ấm êm. 

Tết cơm mới của dân tộc Tày Đà Bắc là phong tục truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với ý nghĩa dâng thành quả lao động cúng đất trời, bày tỏ sự tôn kính đối với ông bà, tổ tiên còn thể hiện niềm mong ước một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản làng yên vui.


Đỗ Hà

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục