Sáo ôi là nhạc cụ dân tộc độc đáo của người Mường. Tiếng sáo gọi mùa Xuân du dương khắp bản làng, trong trẻo, tình tứ mà da diết tựa làn gió xuân mềm mại, ngọt ngào, như chứa đựng tâm tư, tình cảm của đồng bào vùng cao Tây Bắc.


Ông Hà Xuân Trọng, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) say sưa với điệu sáo ôi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Xuân Trọng ở thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), một trong những người thành thạo nhạc cụ dân tộc độc đáo này chia sẻ: Sáo ôi thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, Tết hoặc những buổi giao lưu văn hóa tại xóm, làng. Âm thanh sáo ôi dịu dàng, sâu lắng, hiền hòa tựa như người Mường bản xứ và cuộc sống của họ. Bản thân tôi thành thạo thổi sáo ôi, thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội trong huyện và vùng lân cận. Giai điệu thổi sáo chủ yếu là các bài dân ca Mường như: Đập bông bông, Mời trầu, Ru ún, Hái bông trăng… Những bản nhạc với giai điệu giản đơn nhưng chứa đựng tình cảm, sâu lắng, đưa người nghe hướng về nguồn cội, tạo nên sắc màu riêng trong nghệ thuật âm nhạc nói chung và nhạc cụ truyền thống dân tộc Mường nói riêng.

Chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, nhấp ngụm nước chè nóng trong tiết trời se lạnh, nghe tiếng sáo ôi bên thềm nhà ông Trọng và được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị từ cây sáo. Truyện rằng: Ngày nọ, có một chàng trai đi săn bắt, lúc trở về trời đã khuya, đến một ngôi nhà ở đầu làng liền lấy sáo ôi ra thổi, dùng tiếng sáo da diết để thay cho tiếng gọi, lời xin được vào nhà ngủ trọ. Cứ thế, tiếng sáo ôi văng vẳng trong đêm khuya, lúc trầm, lúc bổng, vang vọng vào nhà. Lúc đầu, gia chủ mới được nghe tiếng sáo ôi thấy rất lạ tai, rồi dần vang lên tha thiết, êm ái, vấn vương trong đêm, chủ nhà bèn thức dậy mở cổng mời chàng trai vào nhà. Những câu chuyện dân gian truyền miệng đều nói lên tiếng sáo ôi hàm chứa tính nhân văn giữa người với người, sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ, sự thủy chung son sắt của vợ chồng...

Tại hội làng, hội xuân, lễ, Tết, người Mường thường sử dụng sáo ôi để đệm hát, nhất là các bài hát ru, đồng dao, dân ca Mường hoặc tiết mục hát rằng thường (lời thương), thường rang (lời thường - lời đối đáp) hay bộ mẹng (hát nói). Tiết tấu nhịp nhàng "Đập bôông bôông bôông, đập bôông bưởi bưởi…” trong bài dân ca Đập Bông Bông qua ống sáo ôi đã thể hiện tình cảm chan chứa, lòng yêu quê hương của người Mường.

Sáo ôi còn được người Mường gọi là "ống ôi” hay "kháo ôi”, được thế hệ cha ông tạo ra một cách khéo léo, tài tình, truyền dạy từ đời này qua đời khác. Sáo ôi chủ yếu làm bằng nứa, có 4 lỗ bấm và 5 nốt nhạc là: Hò - Sự - Sang -Xê - Cống và lên quãng cao. Do vậy, tiếng sáo ôi âm điệu giản đơn, mộc mạc nhưng thanh âm man mác, dịu dàng, có sắc thái riêng biệt.

Khác với sáo trúc, sáo ôi thổi phù hợp với các làn điệu dân ca Mường. Tiếng sáo ôi của người Mường được ví thay cho tiếng gọi của tình yêu. Nếu như các chàng trai người Mông dùng tiếng khèn, kèn lá để tỏ tình, chinh phục các cô gái thì các chàng trai Mường có sáo ôi để trao gửi những tâm tình yêu thương. Tiếng sáo du dương thổi từ đầu làng này cho đầu làng kia nghe; lúc đi rừng, đi nương thì ở nương này thổi cho bên kia nghe; bên sông, suối thì bến nước này thổi cho bến nước kia nghe. Trong giai điệu của sáo rất nhiều từ "ôi” như: ôi hỡi (bạn hỡi), ôi hày (bạn à), ôi hạ (bạn ạ), ôi hởi (bạn ôi), hỡi ôi (hỡi bạn)… nghe thật gần gũi, thiết tha. Tiếng sáo ôi như kêu, như gọi trong lòng bạn ơi, em ơi, người yêu ơi, thương nhớ ơi… Những tiếng gọi đó dường như làm cho các cô gái Mường ở trong nhà đứng ngồi không yên. Tiếng sáo ôi vẫn cứ văng vẳng bên tai như lời tỏ tình thương nhớ, câu hẹn, câu thề sao mà đậm đà, sâu lắng đến thế! Từ tiếng lòng ấy, những tiếng "ôi”, tiếng "ơi” đã chắp cánh cho từng đôi thanh niên nam, nữ tự nguyện đến với nhau một cách hồn nhiên, say đắm mà đầy nghĩa tình.

Ngày nay, sáo ôi vẫn được những bàn tay nghệ nhân Mường nâng niu, trau chuốt, truyền dạy qua nhiều thế hệ. Tiếng sáo vang vọng, mang theo cả âm điệu, tình cảm, gọi mùa Xuân về.

Nguyễn Hoàng


Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục