Từ những chương trình hòa nhạc cổ điển đầu tiên được tổ chức cuối năm 2022, cho đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã trở thành điểm hẹn nghệ thuật hấp dẫn với chuỗi sự kiện âm nhạc chất lượng cao, mở cửa miễn phí. Trong không gian kiến trúc đặc biệt hòa quyện văn hóa Đông-Tây, những sáng tạo se duyên mỹ thuật và âm nhạc đang thu hút công chúng và khách du lịch đến với bảo tàng.


Một buổi hòa nhạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh HM)

Đã thành thông lệ, gần hai năm qua, mỗi dịp cuối tháng, khán giả yêu nghệ thuật lại mong chờ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam công bố thông tin lịch diễn, nghệ sĩ tham gia chương trình hòa nhạc định kỳ "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật". Bên cạnh đó, ba tháng một lần, một buổi hòa nhạc lớn theo chủ đề giai điệu bốn mùa sẽ diễn ra trong sân vườn bảo tàng.

Đây là sáng kiến nhằm tri ân khách tham quan, góp phần tăng cường truyền thông, lan tỏa hình ảnh, thu hút sự quan tâm và nâng cao trải nghiệm cho du khách. Dù không bán vé, mỗi buổi hòa nhạc đều được tổ chức chỉn chu, chuyên nghiệp, với nội dung phong phú và sự góp mặt của các gương mặt nổi tiếng, từ các nghệ sĩ kỳ cựu của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho tới các nghệ sĩ thế hệ "GenZ" nổi bật... Vì vậy, mỗi buổi diễn đều thu hút rất đông công chúng trong nước và quốc tế đến thưởng thức, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội.

Chuỗi sự kiện hòa nhạc tại bảo tàng được coi là hướng đi thành công của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi đã tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận với hai loại hình nghệ thuật đỉnh cao là âm nhạc giao hưởng và mỹ thuật. Bên cạnh các bản nhạc quốc tế bất hủ, âm nhạc Việt Nam cũng được lựa chọn và trình diễn theo những sự kiện đặc biệt, khơi dậy niềm tự hào.

Tháng 4 vừa qua, buổi biểu diễn "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" số thứ 4 năm 2024 được tổ chức trong không gian trưng bày 70 tác phẩm hội họa, điêu khắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2024) đã mang đến người xem nhiều nhạc phẩm Việt Nam đầy xúc động, tự hào như: Quốc ca, Làng tôi, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Lên đàng, Nhạc rừng, Đất nước trọn niềm vui, Tự nguyện, Mùa xuân nho nhỏ... Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn nhiều nhạc cụ khác nhau, giúp khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật cả phần nghe và phần nhìn.

Trước đó, hòa nhạc "Giai điệu mùa xuân" diễn ra cuối tháng 3 là màn trình diễn ấn tượng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành, giọng ca soprano Bảo Yến. Những trích đoạn, những bản chuyển soạn từ các vở opera kinh điển của thế giới được mang đến khán giả theo cách mới mẻ.

Giữa không gian cổ kính đậm chất nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sự kết hợp của nhạc cụ và giọng hát làm nên trải nghiệm nghệ thuật vừa tinh tế, vừa gần gũi. Từng tham dự và đánh giá cao các buổi hòa nhạc ở bảo tàng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: "Buổi hòa nhạc biểu diễn ngoài trời của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thật sự ấn tượng không chỉ bởi chất lượng đỉnh cao của dàn nhạc với các tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới kết hợp với những nhạc phẩm Việt Nam quen thuộc, mà quan trọng hơn, ý nghĩa của buổi hòa nhạc đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật công cộng".

Ở nhiều quốc gia có nền âm nhạc và mỹ thuật phát triển lâu đời, việc tổ chức các chương trình nghệ thuật biểu diễn nói chung và hòa nhạc nói riêng trong không gian bảo tàng đã phổ biến từ lâu, trở thành sinh hoạt văn hóa thu hút du khách cả trong nước và quốc tế. Điều này đem lại nhiều lợi ích như làm phong phú đời sống tinh thần người dân, giới thiệu và tôn vinh các nghệ sĩ, xây dựng thương hiệu cho đơn vị nghệ thuật, quảng bá và kích cầu du lịch...

Những năm qua, ở Việt Nam, ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một số bảo tàng khác cũng đã từng tổ chức hòa nhạc cổ điển như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh); Bảo tàng Thế giới cà-phê (Đắk Lắk)... Sự vận động này phù hợp với xu hướng của các bảo tàng hiện đại và rộng hơn là tinh thần phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa-sáng tạo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mô hình âm nhạc giao hòa với mỹ thuật này là một trong những cách làm cụ thể để bảo tàng đa dạng hóa hoạt động, đến gần công chúng và hoàn thành chức năng, sứ mệnh của mình. Đáng chú ý, trước đây Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thường đón phần lớn khách tham quan là người nước ngoài, hoặc chỉ các chuyên gia nghiên cứu, giới họa sĩ, nhiếp ảnh tìm đến.

Còn thời gian qua, trong số 150 nghìn khách/năm, tỷ lệ khách nội địa đã tăng nhanh, trong đó hơn nửa là người trẻ. Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh cũng cho biết, sắp tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các hoạt động để định vị rõ nét hơn thương hiệu của một điểm đến nghệ thuật nổi bật ở Thủ đô, triển khai các mô hình mới như tour đêm, hòa nhạc cổ điển, trình chiếu ánh sáng...

Tiếp nối chuỗi hòa nhạc đặc biệt theo mùa, tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra chương trình "Giai điệu mùa hạ" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành chỉ huy, giọng ca soprano Đỗ Vũ Lan Nhung trình diễn. Buổi diễn mở cửa tự do, đem đến nhiều bản nhạc của các nhà soạn nhạc danh tiếng thế giới với kỳ vọng tiếp tục được khán giả quan tâm, yêu thích.


Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về Kim Bôi

Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về Kim Bôi vừa ban hành Thông báo Thể lệ cuộc thi. Theo đó, quy định rõ đối tượng tham gia; nội dung tác phẩm; quy định về chấm tác phẩm; nguyên tắc chấm giải; thời gian, địa điểm nhận tác phẩm; cơ cấu giải thưởng và mức thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm. Cụ thể như sau:

Sâu lắng câu hát quan họ giữa lòng châu Âu

"Để anh xơi một miếng trầu, dẫu rằng vẫn biết qua cầu gió bay...” - câu hát quan họ sâu lắng lòng người vang lên giữa đất trời Praha như sợi dây kết nối những người con Bắc Giang đang sinh sống, làm việc và học tập tại CH Séc.

Nhà văn hóa xóm Trung Hoa - “sợi dây” gắn kết cộng đồng

Xóm Trung Hoa, xã Phú Lai (Yên Thủy) được sáp nhập năm 2019. Xóm có 216 hộ với 700 nhân khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, bằng nỗ lực vượt bậc của cán bộ và nhân dân trên địa bàn, sắc diện NTM không ngừng đổi thay và phát triển, cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Trong đó, việc triển khai xây dựng nhà văn hóa (NVH) với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng đã đem lại những kết quả tích cực.

Về nơi cội nguồn của những người làm báo

Hoà vào sự kiện kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), vừa qua, Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình đã tổ chức chương trình về nguồn thăm di tích lịch sử địa chỉ đỏ ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Đoàn gồm cán bộ, phóng viên, hội viên, nhà báo công tác ở các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… của tỉnh và các huyện, thành phố. Trong hành trình về nguồn, đoàn đã thăm và dâng hương tại di tích nơi ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của HNB Việt Nam ngày nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục