20 giờ tối thứ sáu 16/8, tại Kỳ đài Bờ Bắc - Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”.
Cột cờ Hiền Lương (Kỳ đài Hiền Lương). (ẢNh: THÀNH ĐẠT)
Chương trình hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Khu vực Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024), ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền nam-bắc và đặc biệt là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép lẫy lừng Vĩnh Linh đầu cầu miền bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền nam.
Cách đây tròn 70 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước tạm thời bị chia ra hai miền nam-bắc, dự kiến chờ 2 năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vĩ tuyến 17 được xác định là ranh giới hai miền.
Thi hành các điều khoản của Hiệp định Geneva, ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá (Vĩnh Linh), đại diện quân đội Pháp đã ký vào biên bản bàn giao vùng phía bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta và rút quân về bờ nam sông Bến Hải, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Ngày 25/8/1954 đã trở thành ngày truyền thống của quê hương Vĩnh Linh.
Lúc này, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng nhưng lại bị cắt một phần bao gồm toàn bộ xã Vĩnh Liêm, một phần xã Vĩnh Sơn thuộc phía nam khu phi quân sự với số dân 13.267 người và 351 đảng viên của ta phải ở lại bám đất, bám dân hoạt động trong lòng địch.
Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định Geneva chia cắt lâu dài đất nước, biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để tấn công miền bắc xã hội chủ nghĩa. Cả Vĩnh Linh trở thành tọa độ của bom đạn, của hủy diệt; biết bao đau thương, mất mát mà người Vĩnh Linh phải chịu đựng khi mỗi người dân phải gánh chịu 7 tấn bom đạn trong suốt những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc.
Vượt lên tất cả mọi hy sinh, mất mát, khó khăn, thử thách, với ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân Vĩnh Linh đã tỏ rõ gan vàng dạ sắt, một tấc không đi, một ly không rời. Ở nơi đầu cầu giới tuyến, lũy thép Vĩnh Linh vẫn vững vàng, giữ cho lá cờ vinh quang của Tổ quốc luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột Hiền Lương, giữ cho mạch máu bắc-nam ngày đêm thông suốt nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn anh hùng.
Chương trình "Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình” bao gồm hai phần chính: Phần lễ và Chương trình nghệ thuật chính luận.
Phần nghệ thuật có 5 chương gồm "Vết cắt Bến Hải”, "Cuộc chia ly màu đỏ” và "Câu hò bên bến Hiền Lương”… Chương trình được dàn dựng kỳ công cùng âm thanh, ánh sáng được thiết kế đặc biệt với hy vọng thông qua nghệ thuật, khán giả sẽ có cái nhìn cụ thể hơn, ấn tượng và đầy cảm xúc, để "Vĩ tuyến 17” sẽ được kể tiếp câu chuyện hòa bình cho những thế hệ tương lai.
Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Anh Thơ, Trọng Tấn, Tùng Dương, Vân Khánh, Viết Danh, Bạch Trà, Rapper Rica, Ngọc Khánh Chi, vũ đoàn Lavender…
Chương trình gồm nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì độc lập tự do cho Tổ quốc, cũng như ca ngợi quê hương đất nước như "Câu hò bên bờ Hiền Lương”, "Bài ca hy vọng”, "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, "Đường tôi đi dài theo đất nước” "Đường Trường Sơn xe anh qua”, "Xa khơi”, "Giải phóng miền nam”, "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”…
Chương trình còn gồm những tiết mục nghệ thuật đặc biệt như lễ chào cờ bí mật bên bờ nam sông Bến Hải, màn song ca dân ca miền trung "Giọng hò quê ta” có sự kết hợp giữa giọng ca của cố NSND Châu Loan và ca sĩ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu.
Điểm nhấn của chương trình là 2 vở kịch ngắn "Chung một màu da” và "Chúng ta là người nhà”, do tác giả, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết kịch bản.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, còn có các phóng sự ngắn, clip "Hiệp định Geneva”, "Tiếng ca bên bờ Vĩ tuyến”, "Làng trong hầm”, "K8 và K10”, "Đất thép nở hoa”…, ôn lại những năm tháng lịch sử gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Nhân dịp này, Quỹ Hạt giống Việt – Báo Nhân Dân phối hợp các doanh nghiệp, nhà tài trợ trao tặng 10 căn nhà cho các gia đình có công với cách mạng tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng.
Đồng thời, Báo Nhân Dân phối hợp Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup trao 500 suất quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Vĩnh Linh; Báo Đầu tư và Hệ thống Y tế 365 trao 200 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh Quảng Trị, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng; Tập đoàn Pha Lê trao 300 triệu đồng ủng hộ quân dân dân đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, Truyền hình Nhân Dân phối hợp báo Quảng Trị, Báo Kinh tế & Đô thị cũng đến trao tặng 200 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh tại 3 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Theo Nhandan.vn
Ngày 7/8, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm ảnh và ra mắt sách ảnh "70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Vang mãi bản hùng ca”.
UBND huyện Lương Sơn và Ban Tuyên giáo Huyện ủy vừa phối hợp tổ chức Hội thi "Bác Hồ với Lương Sơn, Lương Sơn học và làm theo Bác". Hội thi thu hút 11 đội với gần 200 thí sinh tham gia. Đông đảo khán giả đã đến xem và cổ vũ.
Ngày 7/8, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trao giải Cuộc thi ảnh "Nét đẹp hoạt động nữ công tỉnh Hòa Bình năm 2024”.
Chào mừng ngày kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), Chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng tổ chức sẽ được diễn ra vào sáng 9/8/2024 tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) và 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025).
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đợt phim Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) sẽ diễn ra từ ngày 19/8 đến ngày 5/9/2024.
Nằm trong chương trình phát triển khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, vở múa "Đối diện với vô cùng” là dự án hợp tác giữa Tổ chức văn hóa Lên Ngàn, Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng biên đạo múa Tú Hoàng.