Những năm gần đây, đội ngũ tác giả trẻ đã không ngừng khẳng định nhiệt huyết, sức sáng tạo của mình qua những tác phẩm văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, đoạt một số giải thưởng uy tín. Tuy nhiên, với lịch sử hào hùng của dân tộc, biên độ rộng lớn của đề tài và tiềm năng, lợi thế của chính người viết, sự nỗ lực ấy đã thật sự xứng tầm hay chưa lại đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, người làm nghề và bạn đọc.
Nhà văn Chu Lai chia sẻ tâm huyết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.
Lực lượng vẫn còn mỏng
Trong bối cảnh văn học nước nhà đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều điểm sáng trong sáng tác, các cây bút trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã dần khẳng định dấu ấn của mình trong lĩnh vực văn học về người lính và chiến tranh cách mạng.
Không có thế mạnh về trải nghiệm, tác phẩm của người viết trẻ chủ yếu đi sâu vào đề tài hậu chiến, người lính hôm nay hoặc tái hiện cuộc chiến tranh của thế hệ cha ông… nhằm tôn vinh giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc qua cái nhìn của thế hệ đương đại.
Một trong những dấu hiệu của sự kế cận mảng đề tài lớn, có thể kể đến những cái tên: Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Minh Cường, Nguyễn Phú, Lê Vũ Trường Giang, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Thị Kim Nhung, Phan Đức Lộc, Trần Việt Hoàng… đều đang tạo được ấn tượng ở những tác phẩm về đề tài trên.
Trường ca "Bình nguyên đỏ” của Lý Hữu Lương (sinh năm 1988), một người lính dân tộc Dao hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội đã tái hiện những trận chiến oanh liệt bằng những hình ảnh sống động, đầy chất thơ, đã khắc họa tinh thần chiến đấu quả cảm, sự hy sinh lớn lao của những người lính tình nguyện.
Cùng trong đội ngũ người viết mặc áo lính, nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung với trường ca "Từ phía sương buông” đã khắc họa tinh tế những câu chuyện về người lính tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.
Một số cây bút thuộc thế hệ 8X đã đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, đánh dấu hành trình chinh phục đề tài lớn, đầy thách thức.
Trong số đó, nhà thơ Đoàn Văn Mật đã lấy cảm hứng từ quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc để viết nên trường ca "Sóng trầm biển dựng”; nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trong niềm xúc động, tự hào về biển đảo đã xuất bản tác phẩm "Cột mốc trong người”…
Đặc biệt, có những đơn vị như Trường Sĩ quan Chính trị (thuộc Bộ Quốc phòng) cả thầy và trò đều nhập cuộc hăng say. Thượng tá - Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường ghi dấu ấn với trường ca "Lòng tôi biên giới” đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Học trò của anh là Trần Việt Hoàng và Lâm Minh Thường (đều sinh năm 2002) là đôi bạn cùng Tiểu đội 16, lớp CT26D là những nhà thơ trẻ đầy khát khao đang tạo được ấn tượng trên văn đàn.
Trần Việt Hoàng đã xuất bản các tác phẩm đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, gồm: "Ngày chưa sương vội” (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2024), "Bay phía mùa” (trường ca, NXB Văn học, 2025); được trao Giải thưởng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. Còn Lâm Minh Thường, người dân tộc Khmer, đã có nhiều sáng tác về đề tài in trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Sông Hương…
Cần quyết tâm và khát vọng lớn
Thượng tá, nhà văn Nguyễn Phú, giảng viên Học viện Biên phòng, nhận định: Dễ nhận thấy trong khoảng vài chục năm trở lại đây, chúng ta thật sự thiếu tác phẩm viết về người lính và chiến tranh cách mạng gây tiếng vang lớn. Một trong nhiều nguyên nhân là đội ngũ nhà văn mặc áo lính dần thiếu vắng. Có những tác giả trong quân ngũ chưa quan tâm đến đề tài hoặc có mà chưa thật sự nổi bật.
Tiến sĩ, nhà văn Lê Vũ Trường Giang, giảng viên Trường đại học Khoa học - Đại học Huế cho rằng, với đề tài lớn, người viết cần quyết tâm, có khát vọng lớn để ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình. Theo anh, thế hệ trước với những tên tuổi lớn, như: Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Chu Lai, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy… đã cống hiến những tác phẩm mẫu mực về đề tài chiến tranh cách mạng. Điều đó gợi cho các tác giả trẻ nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo.
Nhà thơ Trần Việt Hoàng chia sẻ, thế hệ văn nghệ sĩ trẻ không trực tiếp trải qua chiến tranh, chính là một rào cản lớn trong quá trình sáng tác. Tuy nhiên, nếu rèn luyện, trau dồi kỹ năng sáng tạo, thâm nhập thực tế, không đi lại những lối mòn xưa cũ thì đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ hoàn toàn có thể viết nên những tác phẩm có giá trị, đem đến cho công chúng những cách nhìn mới, độc đáo hơn, sống động hơn.
Để có động lực với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, người viết cần tăng cường bồi đắp kiến thức, cảm xúc với lịch sử dân tộc để hiểu rõ hơn, có cái nhìn toàn diện. Bên cạnh các thể loại quen thuộc, như: trường ca, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết…, các tác giả trẻ có thể thử nghiệm với thể loại khác, như: truyện tranh, kịch bản phim, các hình thức nghệ thuật số (digital art, video art)… giúp đưa đề tài người lính và chiến tranh cách mạng đến gần hơn với người tiếp cận trong thời đại công nghệ số.
Các cơ quan, tổ chức văn học cần xây dựng đa dạng hơn nữa các chương trình hỗ trợ sáng tác dành riêng cho tác giả trẻ với chủ đề lớn bao gồm hỗ trợ học bổng, nghiên cứu thực tế, các khóa học kỹ năng chuyên sâu.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: Một tác phẩm hay phải có ý thức, sứ mệnh lớn lao, khai mở và kêu gọi lòng vị tha, chia sẻ, hiến dâng. Bằng việc phát huy sức sáng tạo, tận dụng những cơ hội học hỏi, kết nối và hỗ trợ, các tác giả trẻ đang có nhiều cơ hội sáng tạo các tác phẩm có giá trị, góp phần làm sống dậy kho ký ức hào hùng về người lính và chiến tranh cách mạng, tạo nên dấu ấn lớn trong nền văn học.
Theo Báo Nhân dân
Từ những bài thuốc gia truyền, đồng bào Dao ở xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong (Cao Phong) không chỉ duy trì nghề bốc thuốc Nam, mà còn từng bước nâng tầm, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm dân gian và phương pháp sản xuất hiện đại, Hợp tác xã (HTX) thuốc Nam Ngọc Sáng đã tạo ra sản phẩm dược liệu chất lượng cao, vừa gìn giữ bản sắc dân tộc, vừa mang lại giá trị kinh tế thiết thực.
Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước công nguyên đến thế kỷ V sau công nguyên.
Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB). Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả các nước Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc: VHHB. Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp M.Colani đã cho chúng ta biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ”. Đến ngày 30/1/1932, nền "VHHB” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.
Hòa Bình tạo dấu ấn đối với du khách gần xa cũng bởi sự đa dạng trong lối sống, sinh hoạt và bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng chung sống lâu đời (tổng số gần 90 vạn dân), đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3% dân số; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; các dân tộc khác chiếm 1,18%. Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn đoàn kết, chịu thương chịu khó, có ý chí phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mỗi dân tộc thể hiện được bản sắc văn hoá riêng biệt, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn trên đất Hòa Bình…
Năm 2024, Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động sôi nổi, tạo ra nhiều tác phẩm giá trị, đóng góp vào sự phát triển chung của văn học - nghệ thuật địa phương. Chi hội không ngừng đổi mới, củng cố tổ chức, tổ chức sáng tác theo nhóm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tác phẩm. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, lễ hội và trại sáng tác, góp phần ghi lại những khoảnh khắc quan trọng của tỉnh.
Chùa Sim tọa lạc tại xóm Sim Ngoài, xã Hợp Tiến (Kim Bôi). Lễ hội chùa Sim khai hội vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống mang tính lịch sử lâu đời, là một trong những lễ hội lớn của huyện Kim Bôi.