Đầu trần, mưa bụi, vượt con hẻm lọt giữa hai khối nhà, băng ngang rặng liễu và rạch nước nhỏ, tôi bước vào thung lũng hoa đào. Vâng, phải gọi là thung lũng thì mới đã cảm giác, bởi dinh đào thế của cậu Bích lọt thỏm trong vòng vây của những toà nhà cao tầng xám.

Chấm sáng le lói như vụn than hồng trong cành nhánh đan cài bối rối. Góc vườn xa, nâu sồng, người đàn ông bạc trắng lui cui ngắt tỉa những đầu cành khô. Ngôi nhà ngói xanh rêu, tường gạch bìa, kèo cột gỗ mít gỗ xoan đục chạm rồng phượng thiếp ngủ giữa vườn đào cổ. Gốc đào tuổi ít nhất cũng bằng thời gian tính một thế hệ người.

Mỗi gốc đào có một ngăn hồ sơ riêng trong trí cậu Bích, rằng nó được trồng từ năm nào, bán đi mua lại bao lần, ai đã từng thuê, mắc chứng tật gì… Hình như vẫn còn kia, gốc đào thế phu thê, gốc đào đã se duyên nên vợ chồng cậu và cũng khiến vợ chồng cậu lỡ dở đôi đường. Gốc đào mà ông chủ dinh hoa ngày trước dùng để ra đầu bài tuyển con rể. Gốc đào phu thê được trồng ngay chính gian giữa nhìn ra. Nó được cậu chăm sóc như một bà hoàng. Cái thế tán cao sum suê hai thân ngồn ngộn thuôn dài quấn quýt nhau như cặp giao long, uy nghi mà sexy, khiến khách chơi lăn xả vào trả giá cao ngất, dù để thuê, dù mua đứt.

Người dưng, nhưng tôi có tình tư với cô cháu gái của người đàn bà bỏ đào lên phố. Chút duyên tôi ấy không đến đâu vì cuộc chiến biên viễn. Ngày trở lại dinh, luống ngậm ngùi, thốt nhiên tôi cất tiếng gọi người đàn ông như gốc đào khô, trước ngực đeo chiếc kìm cắt cành, tay cầm con dao nhỏ chuyên dùng tiện gốc đào hãm lớn lủi thủi chăm hoa bên cô con gái cao nhồng, bằng cậu để tự ấm lòng mình. Và an ủi lòng người.

Gái làng đào lảnh lót, quần lụa xoà kín gót, áo nâu thắt eo, khăn đen bịt mặt, nón ánh trắng loà loà, tung tẩy đôi sảo tre ra bãi sông kĩu kịt vớt váng phù sa. Thanh nữ và lính ngắm nhau qua khoảng một tầm ném lựu đạn. Tiếng cười nói, tiếng vụn đất rớt xuống mặt sông gầy bì bũm chẳng đủ cho những con chim bồ nông sồm soàm ngủ gật bên mép nước giật mình. Nhưng trực giác tôi mách rằng nàng đẹp. Eo violin, giọng mềm ngọt như toả hương thơm thì không thể sở hữu gương mặt khó coi. Sáng ngời những hiền thục, má nàng bừng sắc đào, nhíu mày liễu.

Lặng câm. Níu lấy ngọn đào, tôi không biết làm gì hơn là cứ bẻ vụn những cành những nhánh lọt vào kẽ ngón. Nàng đập vào tay tôi mắng rằng sao không biết thương hoa tiếc ngọc. Nàng đã đẹp, nhưng bà chủ trại hoa- dì nàng còn đẹp hơn. Vẻ phong nhiêu ngoại ô hoa đào của tuổi ba mươi lai pha đài các kinh kỳ ở những vòng xuyến, dây chuyền và nước hoa lẫn hương trầm oản mới lúc nào cũng phảng phất ở người đàn bà có đôi mắt sâu ánh ướt, gìm giữ hơi thở dài. Bà quẩn quanh trong nhà và mảnh sân lát gạch chẳng chịu nhón bàn chân gót gâu ra vườn đào dù là chủ nhân của ngàn gốc đào cổ.

Người đàn ông khô gầy, mắt cập kèm, lụng thụng dính chặt với bộ quần áo nâu luôn luôn ngó đồng loại bằng con mắt lờ đờ, bợt nhợt. Bàn chân trần mười ngón ngấm phấn phù sa cứ dũi dũi xuống mặt đất, cho dù đang ngồi hay đứng giữa nhà. Nụ cười dị thường, phảng phất ở ông khi ngang qua hai chúng tôi ngẩn ngơ giữa những đào. Giá như chúng tôi là những cây đào thế, thì hẳn ông đã tưới nước và tẩm bổ cho những dưỡng chất đặc chế bí mật nào đó.

- Kệ, tuổi trẻ phải ở bên tuổi trẻ. Vườn đào được chứng cho tình của chúng thì năm nay càng đắt khách…

- Nhưng mà cái ngữ đàn ông môi đỏ màu đào, tay búp măng kia thì... Rồi thì con bé khổ với nó.

Ở xa, mỗi khi nhớ về miền hoa đào, tôi những chỉ nhớ đến cậu Bích trước. Bên luống đào, tu nước chè tươi, nhai bánh rán, sinh khí ông vụt sóng sánh âu yếm vuốt ve từng thân đào, xót xa mỗi nhánh sa cành gẫy. Lúc cao hứng, đang tạo vảy ốc cho thân đào, ông cũng có thể giảng cho tôi vỡ dần thế nào là đào thế, thế nào là đào mơm, đào bu gà. Thì ra bậc sành sỏi Thăng Long xưa chỉ chơi thuần đào thế, giống bích, hoa màu đỏ cờ, tuỳ theo giới cấp hoặc thẩm mỹ mà đặt thế chơi. Ngoài sáu dáng cơ bản của cây thế Việt cổ người ta chuộng các tích: Phúc lộc thọ, Mẫu tử, Huynh đệ, Bằng hữu, Long giáng, Phu thê, Phụ tử… Mỗi khách chơi gắn bó với một chủ dinh đào. Nếu tương hợp thì - chủ vườn- đào thế- khách chơi gắn bó với nhau gần như suốt đời…

Có người hào hoa trên phố năm nào cũng chỉ đặt mua cây đào phu thê. Chơi xong mùa Tết, họ lại mang xác đào biếu về chủ dinh. Và người áp tải lên phố không phải ai khác phải là mợ Bích. Sặc sỡ ấy và loè loẹt ấy những tán đào mọi cành nhánh được níu dây đồng chằng buộc uốn khum khum hình nơm úp cá hoặc chiếc bu gà chổng ngược dành cho những ai chỉ cần có sắc hoa phụ họa với bánh chưng ba ngày Tết. Ấy là thứ đào phai cánh mỏng, màu nhợt, bình dân…

Thường làm đào thế phải bắt đầu từ hạt giống. Cữ tháng 6 tháng 7 ta chủ trại đã phải lên mạn ngược thu mua những hạt giống đào hoang, về làm sạch, phơi trong bóng râm cho khô kiệt vỏ gỗ, trữ trong chum vại sành. Ra giêng, khi đem gieo thì ngâm trong nước hai ngày, rồi ủ trong cát ẩm sạch chừng hơn tháng, nứt nanh thì đóng bầu ra luống. Từ hạt đơn hoặc đa phôi sẽ có từ một đến vài ba mầm đào nhú. Nửa tuần trăng thì mầm đào thành cây, chờ chạm đầu hè thì ghép mắt đào bích.

Hoặc để hạt hoang lớn nguyên thuỷ mươi năm có thân gốc bề thế thì mới nghĩ đến đốn phạt ghép mắt, tạo khuôn.

Có một cách giản đơn không tốn công sức và thời gian mà vẫn hiệu quả chẳng kém. Thì là sau Rằm tháng Giêng cho người đi gom nhặt xác đào thế người ta chơi mãn vứt lỏng ngoài đường hoặc ấn ngược ngọn trong thùng rác, đem về trồng lại.

Nhưng không phải chủ trại nào cũng đủ tài làm cho cây đào thế đã kiệt dưỡng chất từ chót cành đến cuối gốc giữ cho sắc hoa rực rỡ, màu lá tươi nhuần suốt nửa tháng đang hấp hối bên trong mà vẻ ngoài vẫn hơn hớn toả rễ mới hồi sinh khi trở về đất.

Vậy mà người đàn ông lầm lì đến ở rể đất đào bằng sự thương khó và tình yêu với hoa đào đã làm được việc lạ: Hoàn sinh xác đào thành đào thế bạc triệu vào mùa hoa năm sau.

Và "trình" của cậu Bích thì chỉ cần liếc qua cây đào là biết ngay nó thiếu gì nước trong ốc sên hay nước trong ốc bươu. Cậu tự tin đến mức, có nói ra cách thức người đời cũng bó tay vì cái nhiễu sự kỳ công.

Với tay nghề phù thuỷ, nếu đủ thời gian, cậu có thể thoả mãn mọi thú chơi đào thế oái ăm như thân đào rừng, hoa đào bích, hoặc thân đào bích hoa đào rừng hoặc đào phai…

- Vạn vật sống đều giống nhau cháu ạ. Chăm gì, bón gì, tưới gì cũng không gì bằng thuận lẽ tự nhiên. Trời sinh ra vật này để hợp vật kia, thức này khắc thức nọ. Nếu chịu khó tìm sẽ biết những luật lệ tạo hoá đã có sẵn ta chỉ việc nương theo…

Đào xuất từ dinh nhà cậu Bích bao giờ cũng chênh ngược đôi giá với xóm giềng. Dáng thế chuẩn chỉ đã đành, nhưng chất lượng hoa thì hơn hẳn, nụ nào ra nụ ấy, bông nào nên bông ấy, màu hoa thắm, cánh dày, cân đối, đài hoa trắng phấn lông tơ phủ mờ màu xanh ngọc, ống nhụy đều, phấn hoa vàng mịn bám dính ríu cả cánh ong…

Khi tàn, cánh hoa khô xác bám trên cây chứ không bị nát lũa, người thích chơi để quá Giêng, hoa đã đậu quả, chồi đâm nõn ngời, mà vẫn còn nụ còn hoa. Cần hoa đều khắp cành ngọn chứ không ham chi chít những hoa.

Ngay đến thân cây, xù xì rêu mốc vảy ốc, hang hốc, vặn vẹo thì những khoảng vỏ tươi lành vẫn phải căng nhựa sống, tuyệt không được nhầy nhụa nhựa gôm như kẹo mạ bị trẻ con vảy vào… Cái vết sẹo trên cây đào thế cũng phải là vết sẹo duyên. Tạo sẹo là khó nhất. Làm vẻ xấu để đẹp hơn, nên càng khó.

Một trong những bí quyết chăm độ đào thế là ở góc vườn quây kín chứa phân hữu cơ trộn tro trấu khử mùi, bùn lấy từ ao có nhiều tre mọc ven bờ phơi khô, cát đen lựa phần cát nhiều vỏ điệp đọng ở cuối doi cát, và vô số chum vại cao vượt đầu người chứa ốc bươu ốc sên đập nát ngâm nước hồ Tây.

Thi thoảng mấy gã Mường vùng hang động đá vôi Hoà Bình khệ nệ cõng từ trên xe ca xuống những bao tải phân dơi và cả loại đất sét dẻo dính như kẹo dừa dưới đáy hang bán cho cậu Bích giá cao ngất.

Từng ấy thứ được công khai với giới làm đào dùng để "độ" ra loại hàng đặc sắc được gọi nôm "đào thế Bích". Biết, nhưng họ lắc đầu thở dài, ma trận kỹ thuật của nhau dễ gì lộ mánh.

Cậu Bích hả hê.

- Với loài đào, chỉ cần bón trước hoặc bón sau một vài tiếng một loại dưỡng chất nào đó là vào thời điểm nhạy cảm của chu kỳ sinh trưởng là đã hệ lụy được mất cả một mùa hoa. Chăm đào thì phải lắng nghe chính cơ thể mình phản ứng trước thời tiết từng ngày để mà tuỳ cơ gia giảm lượng nước, lượng phân...

Đúng vậy, cần ngồi trong lều giữa vườn quơ tay ra ngoài, cậu có thể quyết định chuẩn bị trấu đốt đêm xua sương hay không.

Chìm trong khói, người đàn ông mê đào tư lự.

- Đào biểu trưng cho sự hào hoa quân tử và hơi... hơi... kênh kiệu. Mỗi năm khoe sắc một lần. Nở một lần mà cả thiên hạ phải ngưỡng mộ, vọng tụng. Có dáng, có sắc và có hương. Tất nhiên thứ hương của kẻ quân tử thì chỉ có quân tử mới cảm nhận được. Nó bày dáng phô hoa đúng lúc lòng người khép mở trước sau, đất trời giao hoà ấm lạnh. Ai cũng  chơi được đào, nhưng làm chủ đào thì dễ mấy ai… Chủ  trồng đào còn được người ta gọi là chủ dinh nữa là…

Chính vì không tin ai ngoài vợ có thể mang cây đào phu thê lên phố giao cho khách ruột. Và người đàn ông hào hoa ở phố với mợ Bích đã có vấn đề. Một tai nạn hoa đào nơi trần thế. Dù mợ Bích vẫn nhớ đường về dinh đào, mà không thể quay lại.

Cậu ngầm đồng ý cho người ta... Dồn đắp tình yêu vào đứa con gái nhỏ và dinh đào, với cậu thế là đủ. Nhưng hằng năm cậu vẫn cho mang cây đào phu thê lên phố.

Gái dinh đào giờ đây mặc váy, không gánh phù sa.

Các em lên phố làm công bán hàng. 

 Chiều cuối năm cậu Bích ngồi chọp chẹp nước chè xanh dũi bàn chân lấm phấn phù sa xuống nền gạch.

Em gái tôi tất tả trên nhà dưới bếp lo bữa cơm tất niên.

Im nghe hơi Xuân lạnh.

Ép mình, tôi hỏi về nàng, về những cây đào mới cũ. Cậu ngần ngừ.

-Nó vẫn thế, yên bình chồng con nơi xa lắm.

Ngắm khu vườn trống và rặng liễu đang bị những chót vót bê-tông cưỡng đoạt, cậu nghẹn nước.

-Bị o ép hết nắng, hết gió năm nay đào kém sắc. Kể cả cây phu thê cháu ạ…

Hoa đào vẫn bừng náo mùa Xuân.

Căn nhà rêu, hương trầm, chay tịnh không cánh hoa. Cả dinh đào trống rỗng, mặt vườn lỗ chỗ hố bứng cây như dấu đạn cối tung toé màu đất mới…

Ngửa lòng tay tôi nhìn.

Ở nơi xa lắm, nàng có nhớ dinh đào nữa không

 

                                                                            Theo CAND

Các tin khác


Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục