(HBĐT) - Biển với tôi vẫn còn xa lạ dẫu không ít lần tôi đã đến nơi này. Biển trong tôi là một thuỷ cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi, hơn nữa, tôi không muốn làm mồi cho lũ cá mập có tiếng là hung dữ nơi này.
- Ngày mai đoàn ta tham quan đảo Nhơn Châu, có tàu bộ đội hải quân đưa đón ở cảng Quy Nhơn. Các anh, chị chuẩn bị các tiết mục hay nhất để giao lưu cùng các chiến sĩ đóng quân ở đó. - Anh trưởng đoàn thông báo hành trình.
Không thể diễn đạt hết nỗi bồn chồn trong tôi, tàu có to không, sóng có lớn không, có phao cứu sinh không? Có phao để làm gì nhỉ, sẽ là vô ích với một người chưa từng chạm vào sự hung hãn của biển như tôi. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đăng ký tham gia bởi quanh tôi còn nhiều người chưa từng thấy biển bao giờ. Đó là các chàng trai đến từ Điện Biên hay các cô gái đến từ những buôn làng xa xôi giáp Lào.
Hành trang tôi mang theo gọn, nhẹ gồm vài bộ đồ, giấy, bút, máy ảnh và cái mũ rộng vành. Tháng tư đã vào hạ, tiếng ve râm ran dọc cung đường xanh trải dài theo chiều biển. Các cô gái, chàng trai thu mình trong những bộ đồ tắm bé tẹo, tung tăng chạy nhảy, cười đùa để lộ ra những đường nét yêu kiều. Nắng cũng đua hùa theo bước chân họ, giấu mình trong những hạt nước lung linh khiến ai đó lần đầu tiên đến với biển phải ao ước, mơ màng.
Đảo cách bờ chừng hai mươi hải lý nhưng tàu phải lênh đênh gần hai tiếng đồng hồ. Nắng, gió hầm hập, lo âu tan biến vào biển nước mênh mông, vào đàn hải âu đẹp như thiên thần nghiêng nghiêng đôi cánh song hành với con tàu. Rời khỏi buồng trực chiến kín đáo, an toàn trên tàu, tôi mon men lên bong để đón nhận cái bồng bềnh, phiêu lãng theo nhịp đập của trùng dương. Không còn nỗi bâng khuâng, lo lắng nào nữa trong tôi, tôi thoả thích reo hò, bấm máy khi phát hiện chú cá chuồn bay la đà trên sóng nước hay cô nhạn biển vù bay qua mũi tàu.
- Chim đâu, chim đâu ? Ai đó dáo dác.
- Chim trốn vào buồng máy rồi. Anh lính cười bí hiểm.
Ai đó cười vang. Chúng tôi cũng cười.
- Trời, biển mênh mông thế này chắc chim bay mỏi lắm.
- Mỏi, chúng ngồi trên nước làm thơ. Anh lính đùa vui.
- Em không phải là thi sĩ.
- Vậy cô là nhà văn hay nhà báo?
- Cả hai.
- Giỏi thế. Nhưng cô đừng viết về chúng tôi nhé. Hãy viết về vất vả, gian lao của các chiến sĩ giữ đảo ngoài xa kia kìa. - Anh đưa tay chỉ về phía chân trời.
Tôi hiểu không đúng ý anh.
- Mỗi người có một nhiệm vụ, sóng gió, bão bùng, tiếp lương tải đạn không vất vả ư!.
- Khó nói lắm nhà báo à.
Hùng, tên anh lính - thân thiện. Rồi cô sẽ hiểu khi ra đến đó.
Nhơn Châu hiện ra như một nàng tiên xanh nằm trên bãi cát vàng. Ngực núi căng tròn nhựa sống, điểm xuyết trên đỉnh là ngọn hải đăng sừng sững, ngạo nghễ nhìn nước, mây. Bao quanh đảo là những vườn cây xanh mướt, bàng vuông, dứa dại, phong ba đan xen nhau thành mái lợp che cho đảo khỏi cái nắng như thiêu, như đốt. Làng biển là những ngôi nhà xây gạch nung tuy nhỏ nhưng chắc chắn. San sát nhau như sẵn sàng vì nhau mà tương thân, tương ái, vì nhau mà chung lưng đấu cật chống chọi với bão tố, phong ba. Đảo xanh. Cù lao xanh. Biển xanh và lòng người cũng xanh. Màu xanh là màu của hy vọng, màu sáng, màu của tương lai mà. Tôi nghe người ta nói thế.
Len lỏi dưới những vòm cây là những luống rau cũng xanh ngăn ngắt. Rau cải rổ, rau muống, rau mùi, hành, tỏi cùng nhiều loại rau khác đã được người lính và cư dân ở đây di thực, thuần dưỡng từ bao đời nay nên đã thích nghi với khí hậu khắc nghiệt nơi này. Chúng sống được qua mùa nắng nhờ mạch nước ngầm, nhờ công sức, mồ hôi của người lính và cư dân trên đảo. Nước ở đây quý như máu nhưng để đón chúng tôi, các anh dành riêng cho một bể nước đầy. Bể nước có đến vài khối chứ chẳng ít. Nước khan hiếm nên chúng tôi chỉ tắm rửa qua quýt cho mát là được. Nghĩ đến công sức của các anh vất vả gánh gồng, chẳng ai nỡ hoang phí nhiều đâu.
Bữa cơm chiều thật thân mật “có gì dùng nấy”, “biển cho gì dùng nấy” là những món ăn bình thường của cư dân nơi này nhưng với chúng tôi nó lạ lẫm làm sao. Đầu tiên phải kể đến món hạt bàng rang muối. Hạt có hình thuôn hai đầu hơi nhọn, màu nâu óng, ăn bùi, thơm đặc trưng. Đó là sản phẩm từ một công việc nhọc nhằn, thu nhặt quả bàng rồi phơi khô, chẻ ra lấy hạt rồi rang muối hay ngào đường. Hùng chia sẻ với tôi :
- Thứ này nhắm rượu hải sâm ngon hết biết. Không so bì với hạt điều trong đất liền bởi mỗi thứ một vị nhưng giá cả, hạt bàng rang muối đắt hơn nhiều.
Lần đầu tiên tôi uống rượu này, thứ rượu mà trông vào bình đựng là thấy ghê ghê bởi con đỉa biển to bằng bắp tay tôi với nhiều sọc xanh, vàng sặc sỡ nằm chèo queo ở đó. Do không thể từ chối lời mời quá nhiệt tình của Hùng, tôi đành nhắm mắt, nín thở nuốt ực rồi nhai ngấu nghiến cả bụm hạt bàng rang. Ngon. Hạt bàng ngon chứ rượu chẳng ngon tí nào. Ngoài hạt bàng rang còn có món gỏi mực một nắng nướng trộn đọt bàng non cũng rất lạ bởi hương vị của nó không hề có trong các hàng quán ở đất liền.
Đưa cay chút rồi ăn cơm. Gạo lính nên cơm cũng nhã nhặn. Cơm ăn với cá kho, lòng lợn luộc và món rau xào tép biển cũng hay hay. Cánh lính ăn nhanh lắm, dăm phút là họ buông đũa cả rồi, chỉ còn Hùng ngồi lại cùng chúng tôi với mớ bòng bong chuyện gẫu rồi đồng nghiệp tôi cũng về phòng nghỉ ngơi. Hùng mời tôi sang phòng chỉ huy uống nước. Giờ thì tôi mới biết anh là Tiểu đoàn trưởng của D30 này. Giản dị, hoà đồng, cùng cỗ, cùng mâm với lính. Tôi biếu anh gói trà ướp sen mang từ quê nhà. Anh đón nhận không khách sáo: “Sẽ mời anh em thưởng thức cho vui nhưng trước hết tôi pha mời nhà báo” - Anh đưa tôi ra hàng hiên hóng mát, tựa vào lan can chuyện trò.
- Cô nhà báo này, đi đây, đi đó nhiều, có gì vui không kể nghe với.
- Có gì lạ đâu anh. Em chuyên viết về lính mà.
- Đồng ý là lính nhưng cuộc sống nơi này khác nơi kia chứ.
- Gian nan, vất vả như nhau.
- Nhưng tình yêu lính biển phải thiệt thòi hơn chứ. Cô nhà báo không công bằng rồi.
Hùng nói có phần đúng nhưng nghiệm lại cũng không đúng. Lính đóng chốt biên cương heo hút thì tình yêu đủ đầy gì. Vất vả, gian lao do mưa cuồng, thác lũ và sóng dữ, bão bùng hy sinh, mất mát có kém gì nhau. Tôi đặt bàn tay mình lên bàn tay anh an ủi, anh thoáng giật mình:
- Chẳng lẽ trong tim anh chưa có một bóng hồng nào ư?
- Có thì có đấy nhưng họ chỉ thoáng qua mà chưa hề dừng lại.
- Do đâu?
- Chắc tại họ không chịu nổi cảnh có chồng mà cứ chăn đơn gối chiếc.
Tôi đưa mắt nhìn về xa xôi. Hùng nói đâu đâu nhưng tôi nghe như anh nói với tôi vậy. Tôi cũng muốn có một tổ ấm hạnh phúc nhưng tôi không muốn xa nghề. Nghề của tôi nay đây, mai đó, không hấp dẫn đàn ông lựa chọn. Ba mươi tuổi tôi vẫn ở vậy, đi không, về không. Sống thoải mái thì có bởi “không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà nhưng cũng chỉ đôi khi còn khắc khoải yêu thương thì luôn canh cánh.
- Có khi nào, hai con người cùng cảnh ngộ ấy lấy nhau không anh?
- Em lạnh không? Hùng không trả lời câu tôi hỏi mà dịu dàng ve vuốt mái tóc bay bay loà xoà của tôi.
- Không, rất dễ chịu anh à.- Tôi mở lòng.
Tôi quay lại nhìn anh liền rơi vào ánh mắt thẳm sâu, trìu mến của anh đang chực chờ. Hương biển mời gọi. Tôi nhắm mắt đón nhận nụ hôn nồng nàn, lạ lẫm của ông hoàng trùng dương trao gửi. Tôi thấy mình bé nhỏ và mất hút trong vòng tay anh.
Đêm trên đảo thật yên bình, một chiếc lá rơi cũng dễ dàng nghe được. Biển lung linh như mâm nến bởi hàng ngàn ngọn đèn câu cưỡi sóng. Ở đó, không biết có đàn bà, con gái cùng san sẻ gian nan với người mình yêu quý không? Tôi không dám khẳng định nhưng thường có bởi hiểm nguy đâu chỉ dành riêng cho đàn ông, thanh niên trai tráng.
Đêm ấy, tôi chẳng thể nào chợp mắt bên cánh đồng nghiệp nữ của mình chắc vì tôi và anh chưa hứa hẹn gì với nhau.
Chia tay Nhơn Châu, con tàu nặng trĩu buồn, uể oải hú còi tạm biệt. Mặt biển sớm lặng như gương, tàu rẽ sóng bọt nước trắng xoá trào sôi rồi vỡ tan ra hai bên mạn tàu vẽ nên bó hoa sóng thật đẹp. Hoa biển.
Nhơn Châu đang mùa hạ mà lòng tôi đã thu, không vàng hoa cúc, không nở hoa mà đang dậy sóng ngầm.
Lý Thị Minh Châu
(1. C5, Nguyễn Trung Trực, phường 4 TP. Đà Lạt - Lâm Đồng)
(HBĐT) - Ngày 17/5, tại khu vui chơi giải trí trẻ em xã Phú Minh (Kỳ Sơn), Huyện đoàn Kỳ Sơn đã tổ chức hội thi "Tuổi trẻ Kỳ Sơn với Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp". Tham dự hội thi có 14 đội đến từ các cơ sở đoàn, đoàn trực thuộc, trên 300 thí sinh, ĐVTN đã có mặt tham gia, cổ vũ, động viên giải.
(HBĐT) - Mỗi năm, tháng 5 về lòng mỗi người dân Việt Nam ta lại bâng khuâng nhớ về ngày 19/5 kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Sinh thời, cứ đến dịp 19/5, Bác thường dặn các địa phương, cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác lo ngại tốn thời gian, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống nhân dân còn khó khăn. Đúng ngày 19/5, Bác thường đi công tác để tránh những nghi lễ tốn kém vì ngày sinh của Người. Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ tổ chức đánh bắt cá tại ao cá mà Người vẫn hàng ngày chăm sóc để biếu các cụ già, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho anh em cơ quan phục vụ Bác để cải thiện bữa ăn.
(HBĐT) - Ngày 17/5, Đảng uỷ - Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức hội thảo thông qua và thống nhất nội dung cuốn sách "Văn hoá ẩm thực hậu cần nhân dân - hậu cần địa phương" tỉnh Hoà Bình.
(HBĐT) - Ông Nguyễn Bá Cương, Trưởng phòng VH – TT huyện Lạc Sơn cho biết: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) nói chung và phong trào xây dựng gia đình văn hóa nói riêng được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng thực hiện.
(HBĐT) - Nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm tiên tiến đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, huyện Lạc Sơn đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghi quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, trong đó huyện đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát triển văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường.
(HBĐT) - Sự đa dạng, phong phú của nền văn hoá các dân tộc đã và đang là một nền tảng quan trọng để huyện Mai Châu đưa du lịch phát triển ở tầm vóc mới. Mỗi sản phẩm du lịch đều hàm chứa nét bản sắc văn hoá rất riêng và độc đáo của huyện.