Thế giới ghi nhận gần 2,6 triệu ca nhiễm, trong đó gần 177.000 người chết vì nCoV, dịch có dấu hiệu giảm nhiệt ở một số nước.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 2.560.504 ca nhiễm nCoV, trong đó 176.926 người tử vong, tăng lần lượt 90.094 và 7.331 trường hợp so với một ngày trước. 690.265 người đã bình phục.
 

Một người đàn ông được xét nghiệm tại Los Angeles ngày 21/4. Ảnh: Reuters.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 823.257 ca nhiễm và 44.805 người chết, tăng lần lượt 41.098 và 4.344 trường hợp. Trump nói khoảng 50.000 - 60.000 người có thể chết trong Covid-19 tại Mỹ, thấp hơn so với dự báo 100.000 ca tử vong trước đây.

Nhiều bang ở Mỹ đang áp dụng các lệnh phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người dân ở một số bang đã xuống đường biểu tình đòi mở cửa, bất chấp quy định cách biệt cộng đồng vì đã chán nản khi phải ở trong nhà, cho rằng lệnh phong tỏa là vi phạm quyền tự do cá nhân, khiến họ mất việc. Trump khuyến khích các bang nới lỏng biện pháp hạn chế dịch lan rộng khi cảm thấy điều đó an toàn.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 430 người chết vì nCoV, tăng nhẹ so với hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 21.282. Số ca nhiễm tăng thêm 3.986 trường hợp lên 204.178. Tình trạng nhân viên y tế nhiễm nCoV tại Tây Ban Nha đặc biệt nghiêm trọng do thiếu đồ bảo hộ lúc đại dịch mới bùng phát. 31.788 trường hợp nhiễm nCoV là nhân viên y tế, chiếm hơn 15% tổng số ca nhiễm ở nước này.

Giới chức Tây Ban Nha tin rằng đại dịch đã đạt đỉnh vào ngày 2/4, thời điểm 950 người chết vì nCoV được ghi nhận trong vòng 24 giờ, gần ba tuần sau khi chính phủ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với gần 47 triệu dân. Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến ngày 9/5 nhưng một số quy định sẽ được nới lỏng từ ngày 27/4 như cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định.

Italy ghi nhận 2.729 ca nhiễm và 534 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 183.957 và 24.648. Cả hai chỉ số này đều tăng so với một ngày trước đó, dù số người cần chăm sóc tích cực ở Italy liên tục giảm.

Italy từ 9/3 áp lệnh phong tỏa toàn quốc, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte sẽ công bố kế hoạch cụ thể trong tuần này.

Pháp xác nhận thêm 2.667 ca nhiễm và 531 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 158.050 và 20.796, trở thành vùng dịch thứ tư báo cáo số người chết vượt 20.000. Số người cần chăm sóc tích cực đã giảm 12 ngày liên tiếp.

Chính quyền đang thử nghiệm cách ly người nhiễm nCoV nhưng có tình trạng sức khỏe ổn định và chưa đến mức phải nhập viện trong khách sạn. Biện pháp này nhằm tránh làm bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, trong bối cảnh Pháp lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, dự kiến bắt đầu từ 11/5.

Đức báo cáo thêm 1.226 ca nhiễm và 171 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 148.291 và 5.033. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói số ca nhiễm mới ở Đức "đã giảm đáng kể" và ổ dịch đang "được kiểm soát".

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang quyết định nới phong tỏa từ cuối tuần trước, 16 bang dỡ bỏ lệnh hạn chế ở mức độ khác nhau. Các cửa hàng có diện tích dưới 800 m2 được phép hoạt động từ 20/4, song tại một số địa phương như thủ đô Berlin, các hoạt động kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục hoạt động.

Tuy nhiên, Merkel cảnh báo thành công của Đức "hết sức mong manh". Chính phủ Đức tiếp tục đề nghị dân chúng đeo khẩu trang khi đi mua sắm và trên các phương tiện công cộng. Lệnh cấm tụ tập hơn hai người và yêu cầu duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m tại nơi công cộng vẫn có hiệu lực.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 129.044 ca nhiễm và 17.337 ca tử vong, tăng lần lượt 4.301 và 828. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.

Chính phủ Anh hôm 16/4 kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngoại trưởng Dominic Raab cho hay nới hạn chế quá sớm "có nguy cơ gây thiệt hại cho cả y tế công cộng và nền kinh tế".

Iran vượt qua Trung Quốc, trở thành vùng dịch lớn nhất châu Á với 84.802 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 88 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.297.

Chính quyền đã cho phép các doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại từ 18/4, bất chấp chỉ trích từ các chuyên gia y tế. Giới chức kêu gọi công chúng hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Thành phố Tehran cho biết 317 tài xế taxi tại đây nhiễm nCoV, trong đó 19 người chết. 147 tài xế xe buýt và 40-50 nhân viên tàu điện ngầm cũng nhiễm virus.

Trung Quốc báo cáo thêm 30 ca nhiễm, gồm 22 ca ngoại nhập, nâng tổ số ca nhiễm lên 82.788. Nước này không ghi nhận ca tử vong mới, tổng số người chết duy trì ở 4.632. Họ phát hiện thêm 42 người nhiễm không triệu chứng, tăng so với mức 37 ca một ngày trước đó.

Hàn Quốc xác nhận 11 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp ca nhiễm mới mỗi ngày dưới 15, nâng tổng số người nhiễm nCoV lên 10.694. 

Tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 9.125 ca nhiễm, tăng 1.111 ca. Số ca tử vong vẫn là 11. Trong số các ca nhiễm mới chỉ có 20 người là công dân Singapore và thường trú nhân, còn lại là lao động nước ngoài.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp Singapore ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới. Nguyên nhân được cho là do gia tăng các cụm dịch liên quan đến ký túc xá dành cho lao động nước ngoài và nước này tăng cường xét nghiệm.

Indonesia ghi nhận thêm 26 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 616, tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất Đông Nam Á. 375 ca nhiễm mới cũng được phát hiện, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.135.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21/4 ban lệnh cấm người dân về quê trong dịp Eid al-Fitr, lễ hội quan trọng của người Hồi giáo đánh dấu kết thúc tháng Ramadan. Bất chấp tình trạng nCoV lan rộng, người dân Indonesia, quốc gia đông người theo đạo Hồi nhất thế giới, vẫn lên kế hoạch về quê vào dịp lễ ngày 24/5.

Chính phủ Indonesia từng khước từ các biện pháp phong tỏa hoàn toàn do lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế. Tuy nhiên, hôm 20/4, ông Widodo kêu gọi xem xét mở rộng khẩn cấp những biện pháp nhằm ngăn chặn Covid-19.

Philippines, vùng dịch lớn thứ ba tại Đông Nam Á, ghi nhận thêm 140 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.599. Số ca tử vong ở nước này tiếp tục cao thứ hai khu vực với 437 người chết, tăng 9 ca.

Số ca nhiễm nCoV tại Malaysia cũng nâng lên 5.482 với 57 ca nhiễm mới, trong khi số ca tử vong tăng thêm 3, lên 92 người. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.

Đông Timor và Lào vẫn là hai nước ít chịu ảnh hưởng của đại dịch nhất, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào là những nước chưa có ca tử vong nào.

                                                                              Theo VNExpress

Các tin khác


ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Ít nhất 58 người đi dự đám tang thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở CH Trung Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 20/4, giới chức địa phương cho biết ít nhất 58 người đi dự đám tang đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở quá tải của họ bị lật úp ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi trước đó một hôm.

Panama hồi hương nhiều cổ vật thời kỳ tiền Colombo

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn thông báo ngày 19/4 của Bộ Văn hóa Panama (Micultura) cho biết cơ quan này đã thu hồi thành công 36 cổ vật có từ thời kỳ tiền Colombo từ các nhà sưu tập cá nhân tại Italia và Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục