Theo hãng tin AFP, các cuộc pháo kích đã khiến 18 dân thường thiệt mạng tại một khu chợ ở thủ đô Khartoum của Sudan trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội nước này với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đối địch không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khói bốc lên trong cuộc giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) ở Khartoum ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Một ủy ban gồm nhiều luật sư nhân quyền cho biết ngoài 18 người thiệt mạng, còn có 106 người bị thương trong các cuộc pháo kích hạng nặng và không kích hôm 31/5 nhằm vào khu chợ ở phía Nam thủ đô Khartoum.
Tổ chức tham gia các hoạt động viện trợ trong khu vực cũng đã xác nhận thông tin trên, cho biết tình hình tại đây hiện rất "thảm khốc", đồng thời kêu gọi các bác sĩ hỗ trợ cũng như kêu gọi hiến máu cứu người bị thương.
Hơn 6 tuần qua, thủ đô Khartoum và nhiều khu vực khác tại Sudan đã chìm trong bất ổn do các cuộc giao tranh đẫm máu. Xung đột vẫn tiếp diễn trong ngày 1/6. Các nhân chứng cho biết đã thấy pháo hạng nặng tại phía Bắc Khartoum.
Trước đó một ngày, đụng độ đã xảy ra tại quận Al-Mohandiseen ở Omdurman, phía Tây thủ đô Khartoum bất chấp việc hai bên hôm 29/5 đồng ý gia hạn thỏa thuận ngừng bắn đến ngày 4/6. Quân đội đã đóng cửa cây cầu Al-Fatihab nối Khartoum và Omdurman, trong khi các máy bay chiến đấu bay qua khu vực này. Phái đoàn quân đội đã tạm dừng tham gia các cuộc đàm phán đang diễn ra với RSF tại thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia nhằm phản đối việc RSF liên tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn. Phái đoàn này cũng cho rằng RSF không thực hiện các cam kết rút khỏi các khu vực dân sự, bao gồm bệnh viện và các khu dân cư. Trong khi đó, RSF cáo buộc quân đội Sudan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi bắn phá các vị trí của lực lượng này ở Khartoum.
Trước tình hình trên, ngày 1/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Washington có thể sẽ hành động chống lại các bên thù địch tại Sudan sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đóng vai trò trung gian thúc đẩy bị đổ vỡ.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh nước này đang cân nhắc thực hiện các bước nhằm thể hiện rõ quan điểm riêng đối với bất kỳ lãnh đạo nào "đang đẩy Sudan đi lạc lối".
Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty mà Washington cáo buộc "tiếp tay" cũng như trục lợi từ tình hình xung đột tại Sudan, gồm 2 công ty hậu thuẫn cho quân đội Sudan và 2 công ty hậu thuẫn cho RSF. Bộ này nhấn mạnh rằng thông qua các lệnh trừng phạt, Mỹ đang ngăn chặn các dòng tài chính cung cấp cho các bên đang giao tranh tại Sudan. Washington cũng khẳng định luôn đứng về phía dân thường Sudan, phản đối bất kỳ hành vi bạo lực nào nhằm vào người dân.
Xung đột giữa quân đội Sudan do Tư lệnh Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và nhóm bán quân sự RSF của cựu Phó Tư lệnh Mohamed Hamdan Daglo bắt đầu nổ ra từ ngày 15/4. Theo thống kê, trên 1.800 người đã thiệt mạng trong 6 tuần giao tranh vừa qua. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết gần 1,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tới nơi khác trong nước và sang các nước láng giềng, trong đó trên 100.000 đã trốn chạy sang CH Chad. Cao Ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) dự báo sẽ có thêm khoảng 200.000 người buộc phải di tản sang quốc gia láng giềng này trong 3 tháng tới.