Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực đã khai mạc tại thủ đô Rome của Italia với chương trình nghị sự tập trung thảo luận biện pháp giải quyết những vấn đề mà hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt. Quản lý và bảo đảm an ninh lương thực vẫn là thách thức lớn toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia bị nạn đói hoành hành, hàng trăm triệu người thiếu ăn, trong khi hàng tỷ người mắc các bệnh thừa cân và béo phì, cùng tình trạng lãng phí thực phẩm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Hội nghị thượng đỉnh tại Rome quy tụ đại diện từ ba cơ quan lương thực của Liên hợp quốc, gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Diễn ra trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra một cú sốc chưa từng có đối với hệ thống lương thực toàn cầu, hội nghị cần đưa ra các giải pháp cấp bách và lâu dài cho vấn đề lương thực.
Hàng chục quốc gia đang trải qua lạm phát ở mức hai con số, 349 triệu người tại 79 quốc gia đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, trong đó nhiều quốc gia được xác định là điểm nóng về nạn đói nằm ở châu Phi.
Trong khi đó, vẫn tồn tại một nghịch lý là tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, với nguy cơ nhiều người có thể bị đói dai dẳng, trong khi nhiều nơi thực phẩm bị sử dụng lãng phí.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các hệ thống lương thực toàn cầu đang bị mất cân bằng khiến hàng tỷ người phải trả giá, bất chấp thực tế thế giới hiện nay đã phát triển hiện đại và dư dả về vật chất. Ông trích dẫn các số liệu cho thấy, hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực, trong khi khoảng 30% lương thực trên thế giới vẫn bị lãng phí hoặc thất thoát. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu thực trạng khoảng 462 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng, trong khi khoảng 2 tỷ người bị thừa cân hoặc béo phì.
Những cú sốc về thời tiết, đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột đã góp phần đẩy số người phải đối mặt với nạn đói lên tới 122 triệu người kể từ năm 2019. Trong một báo cáo hồi đầu tháng này, WFP ước tính khoảng 691-783 triệu người phải đối mặt với nạn đói trong năm 2022, trung bình ở mức 735 triệu người. Trong khi đó, IFAD trích dẫn số liệu cho thấy, kinh phí cho hoạt động kinh tế và xã hội hằng năm dư thừa đến 12.000 tỷ USD, so với mức 10.000 tỷ USD doanh thu từ ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu hoặc 700 tỷ USD trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu.
Hệ thống thực phẩm được định nghĩa bao gồm tất cả các hoạt động liên quan sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm. Việc duy trì hệ thống một cách bền vững, hiệu quả và công bằng hơn là một nhiệm vụ phức tạp. Hệ thống thực phẩm có mối liên quan nhiều lĩnh vực và tác nhân, dễ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng khác nhau như đô thị hóa, biến đổi khí hậu, công nghệ và chính sách của chính phủ. Các hoạt động không bền vững trong sản xuất, đóng gói và tiêu thụ thực phẩm cũng đang thúc đẩy biến đổi khí hậu do các hoạt động này chiếm một phần ba tổng lượng khí thải nhà kính, tiêu hao 70% lượng nước ngọt của thế giới và làm mất đa dạng sinh học ở quy mô lớn.
FAO đã khuyến nghị rằng, cần nhiều hơn một sự chuyển đổi căn bản trong cách thức sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu về lương thực trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi nỗ lực tài trợ ít nhất 500 tỷ USD/năm để giúp các nước nghèo mở rộng quy mô tài chính dài hạn nhằm đầu tư vào các hệ thống thực phẩm hiệu suất cao hơn.
Việc cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với xử lý mối liên hệ giữa sản xuất lương thực, năng lượng, nguồn nước và thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là yếu tố cần thiết. Xây dựng một hệ thống lương thực toàn diện và bền vững, kết hợp với đầu tư phát triển nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để tăng sản lượng thu hoạch và gắn với giải quyết mối liên hệ giữa hòa bình và phát triển là xu thế tất yếu, là những nhân tố quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực.
Bên cạnh mục tiêu trước mắt là hỗ trợ các quốc gia đang bị khủng hoảng lương thực đe dọa, khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và kiểm soát áp lực tăng giá nông sản sau đại dịch Covid-19, phát triển hệ thống lương thực bền vững là mục tiêu lâu dài, cần sự chung tay phối hợp và tăng cường hợp tác đa phương.
Theo Báo Nhân Dân
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tính đến thời điểm kết thúc hoạt động bầu cử (15h ngày 23/7), có hơn 7,6 triệu cử tri Campuchia đã đi bỏ phiếu bầu cử nghị sĩ Quốc hội khóa VII tại 23.789 điểm bỏ phiếu thuộc 25 khu vực bầu cử trên toàn quốc, chiếm trên 78% so với tổng số 9.710.655 cử tri.
Đợt sóng nhiệt kéo dài càn quét khắp châu Âu đang làm đảo lộn đời sống và gây ra những mối nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu hiện tượng thời tiết cực đoan trên vẫn tiếp diễn, ngành du lịch châu Âu sẽ đối mặt những thách thức không nhỏ khi các du khách dần thay đổi thói quen du lịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong bài viết với nhan đề: "Nga và châu Phi: Hợp lực vì hòa bình, tiến bộ và tương lai thành công", đăng ngày 24/7 trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng mối quan hệ đối tác giữa Nga với châu Phi có nguồn gốc sâu xa và bền chặt và luôn nổi bật với sự ổn định, tin cậy và thiện chí.
Giới chức Hàn Quốc cho biết ngày 23/7, cảnh sát nước này đã mở cuộc điều tra về bưu kiện quốc tế có chứa khí lạ được chuyển từ Đài Loan (Trung Quốc) đến thành phố miền Trung Cheonan.
Đối mặt với nguy cơ mất vị thế siêu cường đơn cực, Mỹ đang tìm cách mở ra một mặt trận chiến tranh Lạnh mới ở Vòng Bắc Cực.
Việc Nga đình chỉ Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen buộc Ukraine phải đẩy mạnh vận chuyển nông sản của mình qua những tuyến đường thay thế khác.