Quân đội Nhật Bản đang muốn đẩy mạnh tầm ảnh hưởng quốc tế

Quân đội Nhật Bản đang muốn đẩy mạnh tầm ảnh hưởng quốc tế

Xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, Nhật Bản đã tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực khuếch trương ảnh hưởng quân sự ở tầm quốc tế.

Nhật Bản đang xúc tiến việc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti, một quốc gia tại Đông Phi có vị trí chiến lược ở phần cực nam của Hồng Hải trên vịnh Aden. Dự tính căn cứ quân sự với chi phí xây dựng vào khoảng 40 triệu USD trên diện tích 12 ha được hoàn tất vào đầu năm 2011 sẽ là nơi đóng quân của quân Nhật Bản phục vụ cho sứ mệnh chống cướp biển tại vịnh Aden, theo hãng tin AFP dẫn lời Keizo Kitagawa, tư lệnh hải quân và điều phối viên dự án nói trên. Một trong những lý do mà tư lệnh Kitagawa đưa ra là 80% hàng hóa xuất khẩu và hơn 90% lượng dầu thô của Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông lưu thông qua con đường này trong khi nhiều tàu của Nhật Bản đã bị cướp biển tấn công. Những lý do khác là các cường quốc như Mỹ, Pháp cũng có căn cứ tại Djibouti. Hiện Nhật đã triển khai nhiều máy bay tuần tra dọc theo bờ biển Somalia cũng như vùng eo biển, trong khi 150 quân của họ phải đóng nhờ tại căn cứ của Mỹ. Sau khi khảo sát các nước như Yemen, Oman, Kenya và Djibouti, Nhật Bản quyết định chọn Djibouti vào tháng 4.2009.

Bước đi chiến lược

Trên thực tế, căn cứ Djibouti còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều đối với sự phát triển của quân đội Nhật Bản nói riêng và vị thế của xứ sở mặt trời mọc nói chung trên trường quốc tế. Khu căn cứ trên đóng vai trò bước ngoặt đối với Nhật Bản, nước không có quân đội chính thức kể từ sau Thế chiến thứ 2 cho mãi tới gần đây. Tư lệnh Kitagawa đã nhấn mạnh tính chất vô tiền khoáng hậu của việc thiết lập căn cứ tại Djibouti: “Đó sẽ là căn cứ quân sự ở nước ngoài duy nhất của Nhật. Chúng tôi đang triển khai quân đội đến đây để chống cướp biển và để tự phòng vệ. Nhật Bản là quốc gia hàng hải và sự gia tăng nạn hải tặc tại vịnh Aden, nơi lưu thông của 20.000 tàu bè mỗi năm, là điều đáng ngại”.

Cụm từ “phòng vệ” không phải được nêu lên một cách ngẫu nhiên. Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản vào năm 1947 xác định rõ ràng rằng: Nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ hành động tuyên chiến, vĩnh viễn từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực làm công cụ để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Trên tinh thần của hiến pháp, các lực lượng bộ binh, hải quân và không quân, cũng như các lực lượng khác có khả năng thực hiện chiến tranh sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền được tham chiến của quốc gia sẽ không được công nhận. Hiến pháp còn cấm Nhật Bản triển khai quân đội ở nước ngoài vì hành động đó vượt quá quyền tự bảo vệ cho phép của nước này. Hiến pháp trên đã ra đời sau khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến thứ 2 và nội dung được tướng Mỹ Douglas MacArthur “tham vấn” một cách kỹ càng để ngăn chặn tham vọng chinh phục thế giới một lần nữa của người Nhật. Đồng thời, với tư cách một cường quốc chiếm đóng sau chiến tranh, Mỹ đã tiến hành những chính sách nhằm trói buộc Nhật phụ thuộc vào kinh tế lẫn chính trị, và biến nước này thành căn cứ quân sự của Mỹ ở  Đông Á.

Sự trỗi dậy của người Nhật

Gần đây, cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và chính trị, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu tính theo GDP đang nỗ lực khẳng định vị thế trên những lĩnh vực khác, cụ thể là về quân sự. Với gần 240.000 quân nhân và ngân sách hằng năm gần 50 tỉ USD - đứng thứ 5 thế giới (theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào năm 2007), quân đội Nhật Bản vượt qua Anh tính về ngân sách và nhân lực, trong khi hải quân của xứ sở hoa anh đào đặc biệt được giới chuyên gia đánh giá cao bởi tính hiện đại của lực lượng này. Trước tình hình an ninh ở châu Á đang thay đổi cũng như trước sức mạnh quân sự gia tăng ở một số nước trong khu vực, Nhật Bản càng muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa chương trình quân sự của mình. Trong đó, Nhật đặc biệt nhấn mạnh mối đe dọa từ

CHDCND Triều Tiên, sự tranh chấp với Nga tại một phần quần đảo Kuril, cuộc tranh chấp với Hàn Quốc ở nhóm đảo đá Takeshima/Dokdo, các tranh chấp về khu vực đặc quyền kinh tế biển ở Okinotorishima với Trung Quốc. Việc tăng cường quân sự cũng là cách để Nhật thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ, nhất là khi các căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa đang bị người dân địa phương phản đối. Để làm được điều đó, Nhật Bản buộc phải thay đổi luật pháp, trong đó cho phép nước này phòng thủ tập thể, đưa quân ra nước ngoài trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình, giải quyết các xung đột khu vực. Dựa trên thay đổi đó, Cục Phòng vệ được nâng cấp thành Bộ Quốc phòng vào đầu năm 2007, và tiếp theo là những sứ mệnh quốc tế khác, đặc biệt là chống cướp biển tại vịnh Aden.

Với lý do gì đi nữa, sự hiện diện của căn cứ quân sự Nhật Bản tại Djibouti cũng là một động thái cho thấy người khổng lồ kinh tế của thế giới đang từng bước khẳng định vị thế quân sự của quân đội từng một thời làm chao đảo toàn cầu. 

                                                                        Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục