Ngày mai, 10-5, hơn 50 triệu cử tri Philippines đến 80.000 điểm bỏ phiếu để bầu một Tổng thống, một Phó Tổng thống, khoảng 300 ghế của Quốc hội lưỡng viện và hơn 17.600 chức vụ trong các cơ quan chính quyền địa phương.

 
Kể từ khi ngày 10-5 được ấn định là ngày tổng tuyển cử, trong suốt cả năm qua, bầu không khí chính trị tại Philippines đã được "hâm nóng". Cuộc đua trở nên thật sự sôi động và quyết liệt khi chiến dịch tranh cử được khởi động vào ngày 9-2. Ứng cử viên trong các cuộc đua này xuất thân từ nhiều thành phần trong xã hội: từ những chính trị gia lão luyện và giàu có, đại diện của các dòng họ giàu có, hay những ngôi sao nổi tiếng trong làng giải trí hoặc những danh thủ của làng thể thao. Ứng cử viên B.A-ki-nô, 50 tuổi, con trai của cựu Tổng thống C.A-ki-nô, người có em gái là diễn viên và là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Philippines, đã tiến hành một cuộc vận động tranh cử độc đáo với màn diễu hành của gần 20 diễn viên, ca sĩ và ngôi sao truyền hình. Ðối thủ chính của ông A-ki-nô, Thượng nghị sĩ (TNS) B.Vi-la, 61 tuổi, một doanh nhân bất động sản, cũng tập hợp được một số siêu sao như võ sĩ trứ danh Pắc-ki-ao và danh hài Ðon-phi. Cựu tổng thống Gi.Ê-xtơ-ra-đa, một diễn viên điện ảnh được công chúng mến mộ, cũng có những màn thu hút cử tri "độc nhất vô nhị". Các cuộc diễu hành của các "sao" ồn ào đến mức Ủy ban bầu cử quốc gia Philippines (COMELEC) phải nhắc nhở các hãng truyền thông bảo đảm công bằng trong hoạt động vận động tranh cử. Biên tập viên tạp chí Newsbreak M.Vi-túc nói rằng, truyền hình tiếp tục là nguồn thông tin chính để truyền tải các vấn đề của cuộc bầu cử tới công chúng và các nghiên cứu cho thấy yếu tố "sao" có tác động không nhỏ đến hành vi của cử tri nước này.

Chủ đề chính trong cuộc tranh cử tổng thống được các ứng viên đưa ra là diệt trừ nghèo đói, tham nhũng cũng như cải thiện tình trạng thất nghiệp, những nguyên nhân khiến người dân Philippines không khỏi mất lòng tin đối với Chính phủ. Ngoài ra, nếu đắc cử, ứng viên A-ki-nô cam kết sẽ thúc đẩy kinh tế, cải thiện giáo dục và y tế; ứng viên Vi-la cam kết thúc đẩy công bằng xã hội, thực hiện mô hình kinh tế tự cung tự cấp, hạn chế các hoạt động phá hoại môi trường... trong khi ứng viên Ê-xtơ-ra-đa cam kết giải quyết vấn đề ly khai ở miền nam đất nước, tạo môi trường xã hội an toàn để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, cải thiện điều kiện phát triển nông nghiệp, tăng đầu tư cho giáo dục...

Ứng cử viên A-ki-nô được nhận xét đã khá khéo léo khi lấy danh tiếng của gia đình để ra tranh cử, với chủ trương chống tham nhũng; cựu Tổng thống Ê-xtơ-ra-đa có lý do để hy vọng trở lại nắm quyền vì được đa số người nghèo ủng hộ; TNS Vi-la bỏ ra 22 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình, miêu tả lại chặng đường gian nan của ông, từ một người bần hàn vươn lên trong cuộc sống để có được địa vị hôm nay cũng thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri. Kết quả thăm dò dư luận xã hội mới nhất cho thấy, ứng cử viên  A-ki-nô thuộc đảng Tự do dẫn đầu với khoảng 40% số phiếu ủng hộ, hai ứng cử viên Vi-la thuộc đảng Dân tộc và Ê-xtơ-ra-đa thuộc đảng Sức mạnh quần chúng Philippines thay nhau ở các vị trí tiếp theo, với khoảng từ 20 đến 30% số phiếu ủng hộ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng G.Tê-ô-đô-rô thuộc đảng CMD chỉ nhận được không quá 5% số phiếu bầu của cử tri. Một số ứng cử viên khác có tỷ lệ phiếu bầu thấp, từ 2% đến 5%, gồm: TNS R.Gô-đơn thuộc đảng Bagumbayan; Gi.Các-lốt, Chủ tịch đảng Ang Kapatiran và TNS Gi.Ma-đri-gan, ứng cử viên độc lập.

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ở Philippines đã xảy ra nhiều vụ bạo lực làm hàng chục chính khách bị giết hại trước mỗi kỳ bầu cử. Vụ thảm sát đẫm máu liên quan bầu cử xảy ra tháng 11 năm ngoái làm 57 người chết ở tỉnh miền nam Ma-ghin-đa-nao khiến Chính phủ phải tăng cường nỗ lực ngăn chặn bạo lực trước bầu cử. Tuy nhiên, bạo lực chính trị có xu hướng tăng mạnh thời gian qua, làm 90 người chết. Quân đội Philippines đã ban bố tình trạng báo động đỏ trên toàn quốc và duy trì lệnh này đến ngày 20-5. Hơn 19.000 binh sĩ và 1.800 nhân viên cảnh sát Philippines đã đăng ký tham gia bỏ phiếu sớm để sau đó thực thi công tác bảo đảm an ninh cho ngày bầu cử.

Tại cuộc tổng tuyển cử lần này, lần đầu Philippines đưa vào vận hành hệ thống bỏ phiếu tự động trị giá tới 231,7 triệu USD, với việc triển khai 82.000 máy kiểm phiếu tự động trên toàn quốc nhằm tránh gian lận và giúp tiến trình bầu cử diễn ra nhanh gọn. Vài ngày trước ngày bầu cử, các kỹ sư phát hiện trục trặc trong cấu hình của thẻ nhớ trong máy kiểm phiếu, buộc nhà chức trách phải cho thay thế phần mềm thẻ nhớ của hơn 76.000 máy kiểm phiếu. Những rủi ro của hệ thống bỏ phiếu tự động mới (như trục trặc kỹ thuật, khó lắp đặt vì điều kiện địa lý xa xôi) khiến không ít cử tri nghi ngờ về tính xác thực của hệ thống này. Ứng cử viên A-ki-nô thậm chí cảnh báo sẽ biểu tình lớn nếu ông thất bại.

Ðương kim Tổng thống Gloria Arroyo, người kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30-6-2010, sẽ là tổng thống đầu tiên tranh ghế trong Hạ viện. Hiến pháp Philippines quy định tổng thống chỉ được phép nắm một nhiệm kỳ sáu năm nên bà Arroyo không được tiếp tục tái tranh cử tổng thống. Làm tổng thống Philippines kể từ năm 2001 sau cuộc nổi dậy của người dân do quân đội hậu thuẫn lật đổ Tổng thống lúc bấy giờ là Ê-xtơ-ra-đa, sau ba năm cầm quyền, bà Arroyo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Trong thời gian tại vị, Chính phủ của Tổng thống Arroyo đã vượt qua nhiều sóng gió, nỗ lực cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội cũng như bình ổn tình hình miền nam bất ổn của Philippines. Mặc dù vậy, những người không ủng hộ Tổng thống Arroyo chỉ trích Chính phủ của bà để tình trạng tham nhũng và bất công bằng xã hội leo thang, tỷ lệ người nghèo và thất nghiệp tăng, v.v. Họ đang kỳ vọng ở một tương lai mới, khi ê-kíp lãnh đạo mới lên nắm quyền.

                                                                                           Theo ND

Các tin khác


Chặng đường nhiều thành tựu của EU

Nhiều hoạt động được tiến hành nhằm kỷ niệm 20 năm ngày Liên minh châu Âu (EU) kết nạp thêm 10 nước thành viên, sự kiện đánh dấu đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối. Nhìn lại chặng đường đã qua, sự mở rộng nhanh chóng của EU tạo ra nhiều thành tựu, song cũng kéo theo không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị, kinh tế... hiện thay đổi nhiều so với 20 năm trước với hàng loạt nguy cơ rình rập.

WHO kêu gọi đạt được thỏa thuận toàn cầu về đại dịch trước thời hạn chót

Ngày 3/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước nhất trí một thỏa thuận nhằm đối với với các đại dịch trong tương lai, trong bối cảnh tháng này là thời hạn chót cho đàm phán.

CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục