(HBĐT) - Theo số liệu của Phòng CSGT (Công an tỉnh), 9 tháng năm nay, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 56 người chết, 44 người bị thương, giảm 10 vụ, giảm 8 người chết và 27 người bị thương so với cùng kỳ năm 2016. Trong 3 tuần đầu của Tháng hành động về an toàn giao thông (ATGT) năm nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ TNGT làm 4 người bị thương, không có người chết, trong đó có tuần không xảy ra vụ TNGT nào. Công tác đảm bảo TTATGT được tăng cường, nỗ lực đã góp phần kiềm chế TNGT, tình hình TNGT giảm sâu trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết, số người bị thương.

 

Người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tại điểm đèn tín hiệu giao thông trên đại lộ Thịnh Lang (TP Hòa Bình).


CSGT thành phố Hòa Bình kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.

 Những kết quả tích cực 

TNGT xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, cộng đồng, là vấn đề bức xúc và mối quan tâm của toàn xã hội. Từ nhiều năm qua, hàng năm được Chính phủ lấy là "Năm an toàn giao thông” với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó tháng 9 được chọn là tháng cao điểm hành động về ATGT, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thiết lập lại trật tự kỷ cương ATGT. Địa bàn tỉnh là cửa ngõ vùng Tây Bắc, địa hình đèo dốc, sương mù. Những năm qua, hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển, có tuyến quốc lộ 6 chạy xuyên suốt, bên cạnh thuận lợi cho giao thông cũng tiềm ần nhiều nguy cơ TNGT.

Từ năm 2010 đến năm 2015, TNGT trên địa bàn tỉnh liên tục được kéo giảm nhưng đến năm 2016 lại tăng 3 vụ TNGT, tăng 10 người chết so với năm 2015. Số vụ TNGT trên tuyến quốc lộ, số người chết trên tuyến tỉnh lộ, nội thị và đường nông thôn tăng cao. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2017, công tác đảm bảo TTATGT trên toàn tỉnh được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường, tập trung chỉ đạo, xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện, huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Ban ATGT tỉnh tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
 
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, sâu rộng đến từng thôn, bản, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ. Nổi bật trong tháng 4 với chủ đề Tháng hành động về thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố. Thành phố Hòa Bình và các huyện đã quyết liệt triển khai, cơ bản lập lại trật tự, trả lại vỉa hè an toàn cho người đi bộ. Phòng CSGT làm tốt công tác tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện các chuyên đề ATGT về tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, nồng độ cồn… Trong 9 tháng, Phòng chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng 8 phóng sự tuyên truyền, tổ chức 25 buổi tuyên truyền quy định pháp luật ATGT đường bộ, đường thủy nội địa cho hơn 10 nghìn lượt người nghe… Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông được đẩy mạnh. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 11.983 trường hợp vi phạm, phạt tiền 9.830 trường hợp với tổng số tiền trên 9,3 tỉ đồng, tạm giữ 2.161 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 676 trường hợp. Trong đó, riêng Phòng PC 67 đã phát hiện và lập biên bản 5.661 trường hợp, phạt tiền 4.375 trường hợp với tổng số tiền trên 6,3 tỉ đồng, tạm giữ 344 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 447 trường hợp.
 
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng, tình hình TTATGT 9 tháng năm nay đã đạt được những kết quả tích cực. TNGT giảm sâu trên cả 3 mặt. Đặc biệt, trong 3 tuần đầu của Tháng hành động về ATGT chỉ xảy ra 3 vụ TNGT, không có người chết vì TNGT, Đây là kết quả chưa từng có trong Tháng hành động về ATGT qua các năm trên địa bàn tỉnh.
 
Thực trạng hạ tầng cơ sở giao thông
 
Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ GTVT quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Toàn tỉnh hiện có 11.745 km đường bộ, gồm 301,1 km quốc lộ, 439,1 km đường tỉnh, 686,7 km đường huyện, 1.470 km đường xã, liên xã, 21,05 km đường chuyên dùng, 202,4 km đường đô thị, 2.846 km đường trục thôn, xóm… Hàng năm, Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo trì đường bộ, sửa chữa kịp thời các điểm hư hỏng mặt đường, điểm lún cao su, vá láng ổ gà trên các tuyến đường tỉnh và đường đô thị, tổ chức bổ sung hệ thống biển báo, vạch sơn, cọc tiêu, dải phòng vệ mềm tại những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến giao thông được giao quản lý.
 
Tuy vậy, thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng giao thông trong tỉnh còn thiếu đồng bộ. Nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng chậm được đầu tư, nâng cấp do thiếu vốn đầu tư, chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của phương tiện giao thông. Trong 9 tháng năm nay, tại 9 điểm đăng ký xe của Công an tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết đăng ký mới cho 1.298 xe ô tô, 17.769 xe mô tô, 2.079 xe máy điện. Hiện quản lý 16.617 xe ô tô, 347.689 xe mô tô, 10.133 xe máy điện toàn tỉnh.
 
Xây dựng văn hóa giao thông là yếu tố then chốt

Có mặt tại điểm chốt kiểm tra ATGT tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) cùng tổ kiểm tra của Đội CSGT - Công an thành phố Hòa Bình trong Tháng hành động về ATGT chúng tôi ghi nhận khá nhiều trường hợp vi phạm. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Đội cho biết: Các lỗi vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ, đèn vàng, người điều khiển xe mô tô, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không đầy đủ giấy tờ xe, vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn…
 
Theo đánh giá của Phòng CSGT (Công an tỉnh), với sự gia tăng của phương tiện giao thông làm mật độ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một lớn hơn, nhất là tại địa bàn thành phố Hòa Bình và các thị trấn có thêm nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện của người dân tham gia giao thông, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng các yêu cầu của hoạt động giao thông, dẫn đến các hoạt động giao thông ngày một phức tạp hơn. Tại địa bàn thành phố Hòa Bình và các thị trấn vẫn nổi lên các vi phạm về giao thông tĩnh của xe ô tô các loại, tình trạng vi phạm hành lang giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lề đường còn khá phổ biến. Vi phạm trong điều khiển các loại xe gắn máy, xe đạp điện của thanh, thiếu niên còn diễn ra thường xuyên, nhất là hành vi vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Qua phân tích nguyên nhân TNGT của cơ quan chức năng, các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ… khi tham gia giao thông cho thấy ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông, người dân còn nhiều hạn chế.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm, TNGT nhưng có thể thấy nguyên nhân chính, sâu xa là từ sự kém ý thức của người tham gia giao thông. Số vụ TNGT xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ cao. ATGT là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Thời gian qua, ủy ban ATGT quốc gia đã có nhiều giải pháp triển khai đảm bảo TTATGT, trong đó, việc tạo dựng văn hóa giao thông, nâng cao nhận thức, ứng xử văn minh trong tham gia giao thông được xem là giải pháp quan trọng, then chốt. "Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật giao thông”, mỗi người tham gia giao thông có văn hóa, chấp hành đúng, gương mẫu, tự giác đối với luật giao thông sẽ góp phần giảm thiểu, hạn chế tai nạn giao thông, tạo ra môi trường giao thông văn minh, thân thiện, an toàn.

 

                                          Hà Thu

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm, tác động tích cực đến việc chấp hành pháp luật ATGT

Trung tá Đinh Thị Thu Hằng Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng CSGT đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh, chính quyền địa phương các cấp xây dựng các kế hoạch, giải pháp đảm bảo TTATGT trên địa bàn, đồng thời tích cực phối hợp, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật ATGT, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về ATGT. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, liên tục tại các khu dân cư, trường học trực tiếp tuyên truyền cho học sinh, người dân nắm bắt, hiểu biết các quy định để thực hiện tham gia giao thông đúng pháp luật, đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.

Trong Tháng hành động về ATGT năm nay, Phòng CSGT đã tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho gần 3.000 giáo viên, học sinh các trường THCS Lê Quý Đôn, THCS Lý Tự Trọng, tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Hòa Bình); phối hợp với Tỉnh Đoàn, Công ty Bình An, Công ty Honda Việt Nam tổ chức tập huấn lái xe an toàn cho 300 sinh viên trường CĐSP Hòa Bình và trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm áp dụng triệt để các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm tra, xử lý. 

Cùng với đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả các chuyên đề, đặc biệt chuyên đề nồng độ cồn với mức xử phạt cao tạo tác động tích cực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, ngăn ngừa tái phạm. Riêng 3 tuần đầu của Tháng hành động năm nay đã xử phạt 77 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, có trường hợp bị xử phạt đến 17 triệu đồng. Qua đó góp phần đảm bảo tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được ổn định, hoạt động giao thông trên các tuyến đường đảm bảo thông suốt, an toàn. 

Trong những tháng cuối năm, lực lượng CSGT tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung vào những hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây TNGT, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật ATGT trong nhân dân, giữ vững ổn định tình hình TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh.

Đảm bảo ATGT trên các tuyến đường giao thông nông thôn

Nguyễn Văn Mậu Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (Kỳ Sơn)

éịa bàn xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) có tỉnh lộ 445 đi qua. Những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn xã được đầu tư tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Việc đảm bảo TTATGT luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo sát sao. MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức như thông qua các cuộc họp, hội nghị của xã, sinh hoạt câu lạc bộ, họp xóm đưa kiến thức pháp luật về an toàn giao thông đến hội viên, đoàn viên, học sinh, các tầng lớp nhân dân. Lực lượng Công an xã duy trì hoạt động tuần tra, kiểm tra nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành tốt quy định pháp luật giao thông. Mỗi gia đình chủ động nhắc nhở các thành viên có ý thức tuân thủ pháp luật như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, chú ý quan sát khi đi trên các tuyến đường thôn, xóm có nhiều cua gấp, không để con em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông…

Đến nay, hầu hết nhân dân trong xã đều thực hiện tốt các quy định pháp luật về ATGT, hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATGT. Trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng lấn chiếm đất giao thông, không xảy ra tai nạn giao thông, đảm bảo ATGT từ thôn, xóm, khu dân cư.

Mỗi người đều cần có văn hóa giao thông khi tham gia giao thông

Lê Văn Tuyển, Phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình)

Hiện nay, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, hầu hết các gia đình đều có phương tiện đi lại, nhiều gia đình có cả ôtô, xe máy, xe điện. Phương tiện giao thông ngày càng gia tăng trong khi đường sá chật hẹp, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu là một bất cập. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người tham giao thông cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế khi đi ra đường không khó để bắt gặp các hành vi vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi lấn làn đường, đi xe máy, xe điện dàn hàng ba, bốn, đi vào đường một chiều, khi rẽ không bật xi nhan, sang đường, quay đầu xe không quan sát… Những điều này đều là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông, thậm chí là tai nạn nghiêm trọng làm chết người nhưng nhiều người vẫn coi đó là chuyện bình thường, có khi là chuyện nhỏ, chỉ đến khi tai nạn xảy ra mới thấu hiểu. Vì vậy, mỗi người khi ra đường cần có ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông. 

Văn hóa giao thông không phải là điều gì lớn lao mà bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như dừng lại khi gặp đèn đỏ, không chen lấn làn đường, không bấm còi inh ỏi, khi xảy ra va chạm cư xử nhẹ nhàng… Tham gia hoạt động giao thông có văn hóa cả trong hành vi và ứng xử, có ý thức tự giác thực hiện đúng luật định, gương mẫu, tôn trọng những người cùng tham gia giao thông để cùng góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, an toàn và trật tự công cộng.

 


Các tin khác


Công an huyện Mai Châu bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm

Thông tin từ Công an huyện Mai Châu cho biết, đơn vị vừa bắt 1 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy đang lẩn trốn trên địa bàn. Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện đã phát hiện Giàng A Chư (SN 1982), trú tại xóm Thung Mặn, xã Hang Kia (Mai Châu) là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy đang có mặt tại nhà.

Người dùng Internet Việt đối mặt với 7 hình thức lừa đảo trực tuyến mới

Ngoài những hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn Thông tin cũng lưu ý người dùng Việt về chiến dịch lừa đảo trực tuyến qua email mới có quy mô quốc tế.

Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) đang xác minh, giải quyết Đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.

Gọi anh họ đi đòi nợ bằng vũ lực, bị cáo lĩnh 36 tháng tù treo

Ngày 25/3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Phi Hổ (SN 1989), trú tại An Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Trước đó, Nguyễn Phi Hổ đã cùng anh họ là Nguyễn Quang Trung (SN 1989) cùng trú tại An Tiến, huyện Mỹ Đức bị TAND huyện Lương Sơn xét xử sở thẩm và xử tổng mức hình phạt 78 tháng tù về tội "cướp tài sản”. Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Phi Hổ đã làm đơn kháng cáo xin được lưởng án treo.

Công an tỉnh tiếp nhận hành vi có dấu hiệu vi phạm trật tự an toàn giao thông qua mạng xã hội

Công an tỉnh Hòa Bình ban hành Thông báo số 201/TB-CAT, ngày 22/3/2024 về việc thông báo tiếp nhận những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông thông qua phản ánh của tổ chức, cá nhân.

Huyện Cao Phong tăng cường kiểm sát thi hành án hình sự

Thực hiện công tác kiểm sát thi hành án hình sự (THAHS), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Cao Phong đã quản lý, theo dõi đầy đủ, kịp thời các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, qua đó kiểm sát chặt chẽ hoạt động ra quyết định thi hành án (THA), việc áp giải bị án THA phạt tù, việc theo dõi, quản lý bị án phạt tù nhưng được hưởng án treo, cấp giấy chứng nhận hết thời gian thử thách…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục