Kể từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực, mức phạt vi phạm giao thông tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Điều này khiến nhiều người tham gia giao thông ngần ngại trong việc vượt đèn đỏ, ngay cả khi gặp các xe cấp cứu, cứu hỏa hoặc các xe ưu tiên khác. Điều này đã tạo ra những tình huống khó xử, gây cản trở cho các phương tiện ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp.

Kể từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực, mức phạt vi phạm giao thông tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây, khiến nhiều người tham gia giao thông ngần ngại trong việc vượt đèn đỏ.

Vậy vượt đèn đỏ nhường xe ưu tiên có bị phạt? Thứ tự ưu tiên của các xe được quy định ra sao? Người dân cần làm gì để vừa đảm bảo hỗ trợ xe ưu tiên, vừa tránh bị xử phạt?... Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Quyết Tiến, Công ty Luật TNHH Kết Nối Toàn Cầu (Globalink Law Firm).

Đây là một câu hỏi rất thực tế và phổ biến hiện nay. Theo Điều 23 Luật Hình sự sửa đổi năm 2017, hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp được coi là hành động trong tình thế cấp thiết. Điều này có nghĩa là người điều khiển phương tiện phải gây một thiệt hại nhỏ hơn (vượt đèn đỏ) để ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn (cản trở xe ưu tiên). Do đó, hành vi này không bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rõ rằng, không xử phạt hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết; đồng thời Khoản 5 Điều 27 Luật Giao thông đường bộ số 36/2024 yêu cầu người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề phải hoặc dừng lại để nhường đường cho xe ưu tiên. Nếu vượt đèn đỏ để nhường đường, người điều khiển phương tiện cần đảm bảo dừng lại ngay sau khi vượt đèn đỏ, tránh việc tiếp tục di chuyển dẫn đến vi phạm các quy định khác.

Thứ tự ưu tiên của các loại xe được quy định thế nào? Người dân cần chú ý điều gì để nhường đường đúng luật, thưa luật sư?

Theo Điều 27 Luật Giao thông đường bộ số 36/2024, các loại xe ưu tiên được xếp thứ tự như sau: Xe chữa cháy; Xe của lực lượng quân sự, công anhoặc đoàn xe có Cảnh sát giao thông dẫn đường; Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê; Xe làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp khác; Đoàn xe tang.

Người dân cần quan sát tín hiệu của xe ưu tiên (đèn nhấp nháy, còi) và thứ tự ưu tiên của xe để nhường đường đúng luật. Đặc biệt, cần nhớ rằng việc nhường đường cho xe ưu tiên không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm được quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Nếu người dân không nhường đường cho xe ưu tiên thì có bị phạt không, thưa luật sư?

Theo Nghị định 168/2024, hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu sẽ bị xử phạt hành chính rất nặng. Cụ thể, tại Điều 6 Khoản 6 của Nghị định này, người điều khiển phương tiện không nhường đường cho xe ưu tiên sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đây là mức phạt tăng gấp 4 - 5 lần so với quy định trước đây trong Nghị định 100/2019, với mức phạt chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị trừ điểm trên giấy phép lái xe theo quy định mới của Nghị định 168/2024. Đây là biện pháp răn đe mạnh mẽ nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và đảm bảo ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách như cứu thương, chữa cháy.

Nếu vượt đèn đỏ để nhường xe ưu tiên nhưng không đi luôn mà dừng lại, hành vi này có được xem là hợp pháp không?

Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Khi vượt đèn đỏ để nhường xe ưu tiên, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ nguyên tắc "vượt để nhường" và không tiếp tục di chuyển mà phải dừng lại ngay sau khi đã tạo điều kiện cho xe ưu tiên đi qua. Điều này giúp đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây nhầm lẫn hoặc nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Ngoài xe cứu hỏa và cứu thương, còn những loại xe ưu tiên nào được phép vượt đèn đỏ khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, thưa luật sư?

Theo quy định tại Điều 27 Luật Giao thông đường bộ số 36/2024, ngoài xe cứu hỏa và xe cứu thương, các loại xe ưu tiên khác cũng được phép vượt đèn đỏ khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, bao gồm: Xe quân sự và xe công an; đặc biệt là các xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp hoặc các đoàn xe có Cảnh sát giao thông dẫn đường; Xe hộ đê khi đi làm nhiệm vụ bảo vệ đê điều trong các tình huống khẩn cấp; Xe làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ: Bao gồm các xe xử lý sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp khác.

Tuy nhiên, những phương tiện này phải có tín hiệu ưu tiên rõ ràng (đèn nhấp nháy và còi ưu tiên) và người điều khiển phương tiện khác cần nhường đường theo quy định. Việc vượt đèn đỏ chỉ hợp pháp khi có tín hiệu báo hiệu nhiệm vụ khẩn cấp và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, đoàn xe tang có được phép vượt đèn đỏ không và nếu nhường đường cho đoàn xe tang có bị phạt không, thưa luật sư?

Đoàn xe tang, kể cả đoàn xe tang cấp quốc gia, không được phép vượt đèn đỏ nếu không có Cảnh sát giao thông dẫn đường và tín hiệu ưu tiên đặc biệt. Người tham gia giao thông cần nhường đường cho đoàn xe tang bằng cách giảm tốc độ hoặc dừng lại ở nơi phù hợp, nhưng không cần vượt đèn đỏ để nhường đường trong trường hợp này.

Xe tang nằm cuối trong danh sách thứ tự ưu tiên. Nếu đoàn xe tang có Cảnh sát giao thông dẫn đường và phát tín hiệu hợp lệ, người dân phải nhường đường bằng cách giảm tốc độ, đi sát lề phải hoặc dừng lại. Tuy nhiên, vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe tang mà không có tín hiệu ưu tiên đặc biệt là không đúng luật và có thể bị xử phạt.

Với mức phạt hiện nay, người dân cần lưu ý gì để tránh bị xử phạt, thưa luật sư?

Người dân cần hiểu rõ luật và hành xử phù hợp khi gặp xe ưu tiên để tránh bị xử phạt. Đặc biệt, không nhường đường cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu: Phạt 6 - 8 triệu đồng theo Nghị định 168/2024. Vượt đèn đỏ không đúng luật: Phạt 18.000.000- 20.000.000đồng đối với ô tô; 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Theo đó, người tham gia giao thông nên quan sát kỹ tín hiệu của xe ưu tiên, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường khi cần thiết. Trong trường hợp vượt đèn đỏ để nhường, cần đảm bảo không gây nguy hiểm và dừng lại ngay sau đó để tránh vi phạm.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!


Theo Baotintuc

Các tin khác


Tổng kết công tác thanh tra năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 8/1, Thanh tra tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Thanh tra tỉnh Hòa Bình.

Phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng

Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 6 và 12B vào đầu tháng 12/2024 do lái xe ô tô đi lấn làn. Ban An toàn giao thông tỉnh đã xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn, đồng thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Bị dân “tố” làm sai, huyện Lạc Sơn yêu cầu thu hồi sổ đỏ đã cấp cho gia đình Chủ tịch UBND xã Quý Hòa

Bức xúc trước việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GNQSDĐ) cho ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa có nhiều vấn đề chưa đúng, người dân trong xã đã gửi đơn kiến nghị đến cấp có thẩm quyền đề nghị giải quyết. Qua xác minh, UBND huyện Lạc Sơn đã có văn bản yêu cầu thu hồi GCNQSDĐ đã cấp.

Tăng cường kiểm sát giải quyết vụ án tham nhũng

Những năm gần đây, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Tham nhũng xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành với tính chất ngày càng phức tạp; thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thiệt hại do tham nhũng gây ra rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp tỉnh đã chú trọng công tác kiểm sát khởi tố, thụ lý điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ.

Xét xử phúc thẩm nhóm đối tượng tổ chức "tiệc ma túy" tại huyện Đà Bắc

Ngày 6/1, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Nguyễn Việt Dũng (SN 1992), Đỗ Minh Hoàng (SN 1992) cùng trú tại phường Đồng Tiến; Lê Xuân Trường (SN 1991), trú tại xã Mông Hóa; Phạm Hữu Sơn (SN 1993), trú tại phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Trước đó, các bị cáo đã bị Tòa án nhân dân huyện Đà Bắc xét xử về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ trong dịp Tết

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo, tuy nhiên, tình trạng mua bán, tàng trữ, kinh doanh pháo trái phép, nhất là vào dịp Tết cổ truyền trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nhiều đối tượng bất chấp quy định pháp luật vẫn mua, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép... gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, cũng như gây mất ổn định về an ninh trật tự (ANTT).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục