Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ đòi nợ mang tính chất "xã hội đen" như bắt giữ người trái pháp luật; gây rối trật tự công cộng; cưỡng đoạt tài sản, thậm chí sử dụng vũ khí "nóng" đe dọa, gây áp lực với các con nợ… Nguyên nhân của các vụ việc này đều xuất phát từ việc vay nợ "tín dụng đen".

 

Với suy nghĩ thật đơn giản, vay nợ thì phải trả, hơn nữa thấy con nợ cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhiều người bị hại trong lúc nôn nóng đòi tiền đã thiếu kiềm chế, có cách hành xử côn đồ, vi phạm pháp luật. Vậy là từ bị hại, họ trở thành bị can trong vụ án...

Thuyết phục người bị hại hợp tác với cơ quan điều tra

Từ thực tế các vụ đòi nợ mang tính chất "xã hội đen" xảy ra trong thời gian qua cho thấy, những vụ án này đều bắt nguồn từ việc vay tiền với lãi suất cao hay còn gọi là vay nợ "tín dụng đen" vẫn đang âm thầm tồn tại trong đời sống xã hội.

Các vụ án này xảy ra, lỗi một phần cũng từ phía người bị hại, một số trường hợp do cần vốn làm ăn đã chấp nhận vay tiền với lãi suất cao nhưng đã sử dụng sai mục đích, dẫn đến không có khả năng chi trả; số khác thì ngay từ đầu đã có hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, lô đề rồi dẫn đến nợ nần, bị ép phải viết giấy nhận nợ… nên khi sự việc xảy ra đã ngại ngần, không muốn hợp tác với cơ quan điều tra. Đây là trở ngại đầu tiên, các điều tra viên phải khắc phục khi thụ lý, điều tra các vụ đòi nợ mang tính chất "xã hội đen".

Trở lại vụ đòi nợ xảy ra ngày 10/4, tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), hiện cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đang ráo riết truy tìm Nguyễn Ngọc Long (46 tuổi, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), đối tượng gây ra vụ án dùng súng bắn người để đòi nợ. Trước đó, ông Mai Xuân Hiển, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (nạn nhân của vụ án) có vay Long một khoản tiền, nhưng đến thời điểm này không có khả năng chi trả.

Các đối tượng trong vụ bắt cóc trẻ em, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng tại quận Đống Đa (Hà Nội).

Khoảng 18h ngày 10/4, ông Hiển đến nhà Phạm Thị Kim Lan, trú tại tổ 68, phường Hoàng Văn Thụ chơi đã chạm mặt Long ở đó. Long yêu cầu ông Hiển phải trả khoản vay trước đó, lời qua tiếng lại Long đã nổi đóa, dùng những lời nói thô tục lăng mạ, chửi bới ông Hiển, đồng thời rút khẩu súng mang theo người bắn trọng thương ông này.

Vì lo sợ bị các đối tượng trả thù, ông Hiển đã âm thầm bệnh viện chữa bệnh, không trình báo cơ quan Công an. Sau đó một ngày, khi ông Hiển đang nằm điều trị tại bệnh viện thì có một phụ nữ, tự giới thiệu là vợ của Long, tìm gặp. Người phụ này thay chồng xin lỗi ông Hiển, muốn tự thỏa thuận việc trên, đồng thời đưa 50 triệu đồng nói là để giúp đỡ ông Hiển trả viện phí… Trong vụ án này các điều tra viên đã khéo léo thuyết phục người bị hại để họ tin tưởng hợp tác, từ đó làm sáng tỏ vụ án.

Hiện nay, nhiều đối tượng do mâu thuẫn nợ nần liên quan đến "tín dụng đen" đã thuê côn đồ xử lý lẫn nhau… Trong các trường hợp này, cơ quan điều tra chỉ nắm được thông tin qua biện pháp nghiệp vụ cũng như việc phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Vì thế, khi nắm được thông tin sự việc xảy ra, điều tra viên phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Việc lấy lời khai của các nhân chứng phải được tiến hành một cách cụ thể và tỷ mỷ, để từ đó dựng được chân dung của các đối tượng có liên quan.

Trở lại vụ vay nợ 9 tỷ đồng và sử dụng vũ khí "nóng" để giải quyết mâu thuẫn xảy ra tại quận Hoàng Mai vào cuối năm 2010. Khoảng 17h ngày 25/11/2010, Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an quận Hoàng Mai nhận tin báo của quần chúng về vụ nổ súng xảy ra tại khu vực hồ Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ.

Vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn, hơn nữa đối tượng gây án đều là người tỉnh ngoài nên việc xác định đối tượng gây án gặp rất nhiều khó khăn. Song khi xuống hiện trường, các điều tra viên đã tỷ mỷ lấy lời khai của các nhân chứng và xác định được một trong các đối tượng liên quan đến vụ án là Lê Doãn Phong. Tiếp đó, các điều tra viên phải lật ngược lại quãng thời gian trước đó và phát hiện đối tượng tên Bân thường đến doanh nghiệp Đông Phong để đòi nợ. Sau khi xác định được danh tính của Bân, các điều tra viên đã vận động tên này đến cơ quan Công an đầu thú. Và với sự điều tra tỷ mỷ, tích cực, vụ án dần được làm rõ.

Vào tháng 5/2010, Lê Doãn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phong vay của chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) 9 tỷ đồng. Đến hạn, Phong vẫn chưa có tiền trả nợ nên Lan giao cho Bân, Tuyển, Trường, Thắng xuống gặp Phong lấy tiền hộ.

Ngày 25/11/2010, Tuyển cùng Trường đến công ty của Phong tại phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai lấy tiền. Khi đó, Phong đã xin khất nợ đến ngày 29/11/2010, nhưng yêu cầu trên không được Tuyển chấp thuận. Và các đối tượng đã sử dụng dao, kiếm và súng để giải quyết mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc. Khi thấy Đinh Công Tuyến (23 tuổi, trú tại thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) cầm súng bắn thì nhóm thanh niên bỏ chạy hết…

Phải tuân thủ các quy định của pháp luật

Ngoài hành vi cưỡng đoạt và cướp tài sản, nhiều chủ nợ vì bức bách đã liên kết với các băng nhóm hoạt động có tính chất "xã hội đen", bắt cóc con nợ để tra tấn, yêu cầu gia đình họ đem tiền đến chuộc người. Những đối tượng này vì đồng tiền, cũng không từ bất cứ thủ đoạn nào để thúc ép đòi tiền: Ban đầu, chúng có thể dùng các thủ đoạn như ngồi lỳ ở nhà con nợ; đổ chất phế thải trước cửa nhà và sau đó là bắt cóc đánh đập gây thương tích người bị hại…

Trong những trường hợp này, việc đảm bảo an toàn tính mạng cho nạn nhân cần được đặt lên hàng đầu. Khi đó điều tra viên phải động viên gia đình người bị hại, khéo léo thu thập tin tức, đồng thời thuyết phục họ bình tĩnh, hợp tác làm theo các chỉ dẫn của cơ quan điều tra. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng các nạn nhân.

Mới đây nhất, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội đã điều tra làm rõ vụ bắt giữ người trái pháp luật. Vụ việc xảy ra ngày 27/4, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội đã giải cứu an toàn cho nạn nhân, đồng thời bắt giữ đối tượng gây án là Phạm Thị Xuân (44 tuổi, trú tại đường Lam Sơn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng); Nguyễn Đức Kinh (61 tuổi, trú tại Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Trước đó, Xuân đã cho anh Vũ Đức Nam, trú tại tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội vay 6 triệu đồng để làm ăn trong thời hạn 3 tháng. Hết thời hạn, Nam không trả được khoản nợ trên đã thông báo với Xuân rằng đã chuyển khoản nợ cho chị Vũ Thị Thanh Thương, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

12h ngày 19/4, chị Thương cùng chồng là anh Phạm Văn Đại cùng đi dự một phiên tòa, đã bị các đối tượng bắt và đưa đến một quán karaoke ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên rồi dùng búa và chai bia đánh vào người, gối chân và khuỷu tay chị Thương. Tiếp đó, đối tượng này gọi điện thoại yêu cầu anh Đại phải nộp cho chúng 1 tỷ đồng. Khi tiếp nhận đơn trình báo của người bị hại, điều tra viên đã khéo léo sắp đặt và tổ chức bắt giữ đối tượng khi chúng đang nhận của anh Đại 100 triệu đồng, đồng thời giải cứu an toàn cho nạn nhân.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xử lý các vụ vay nợ gặp rất nhiều khó khăn. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đồng thời đánh vào lòng tham của chính các nạn nhân, các đối tượng tiếp tục huy động tiền dưới hình thức vay nợ "tín dụng đen".

Nhiều vụ sử dụng tiền không đúng mục đích dẫn đến thất thoát. Số tiền bị vỡ nợ đã lớn nhưng càng lớn hơn khi đó là khoản tiền ảo (các khế ước vay tiền thường gồm cả tiền gốc và tiền lãi, mặc dù lãi suất không được thể hiện ở trên đó), chính điều này cũng gây khó khăn cho công tác xử lý của các điều tra viên.

Do ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, số vụ vỡ nợ xảy ra trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng. Khi bị đòi đã sử dụng các chiêu lách luật như trả nợ nhỏ giọt, tránh xử lý của pháp luật. Nhiều đối tượng bức xúc vì thế đã sử dụng "luật rừng" để bắt nợ. Từ đó xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật giải quyết vụ án như trên, làm tốn rất nhiều thời gian và công sức của cơ quan Công an.

Đồng chí Tấn, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Trong các trường hợp này, bị hại thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, nhiều người lo sợ bị các đối tượng trả thù, hơn nữa cũng không muốn phô bày việc vay nợ "tín dụng đen" giữa "thanh thiên, bạch nhật" nên ngại ngần không hợp tác với cơ quan điều tra. Cá biệt, có những trường hợp, chủ nợ sau khi đánh trọng thương "con nợ" đã cho người thân đến gặp gia đình nạn nhân "thỏa thuận" việc bồi thường…

Vì thế, họ rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" chẳng còn cách nào khác là chấp nhận việc đền bù, tự xử lý vụ việc theo hướng chèo lái của các đối tượng. Bởi vậy, việc đầu tiên của các điều tra viên là phải tạo dựng được lòng tin với "con nợ" lúc này đang ở tư cách là người bị hại của vụ án, khéo léo tiếp cận nạn nhân và gia đình họ, giúp họ cảm thấy được an toàn. Rồi tùy từng tình huống cụ thể, điều tra viên sẽ linh hoạt tác động, dần dà chuyển đổi được suy nghĩ của họ.

Ý kiến của cơ quan điều tra

Khi thụ lý, giải quyết các vụ vay nợ "tín dụng đen", các cơ quan thi hành pháp luật phải chứng minh được "ý thức chiếm đoạt" của người phạm tội. Trong khi đó, ngay khái niệm này của các cơ quan thi hành pháp luật cũng có quan điểm khác nhau. Trước hết, cơ quan Công an phải xác định được người vi phạm có ý định trả nợ hay không. Tiếp đó, còn phải chứng minh rằng, việc vay tiền trong hợp đồng và sử dụng thực tế tài sản vay có hợp pháp hay không; họ có khả năng thanh toán được nợ nần hay không?

Thực tế cho thấy, để trốn tránh, con nợ có hàng trăm cách lách luật… khi cơ quan điều tra ráo riết xác minh thì người vay quay về, họ trả nợ nhỏ giọt người cho vay tiền để họ không làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an, sau đó bỏ đi bặt vô âm tín. Bởi vậy, để tránh rơi vào trường hợp trên, khi cho vay tiền, người cho vay cần phải có hợp đồng chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Hợp đồng phải ghi rõ ngày, giờ giao tiền, có người làm chứng, tỷ lệ lãi suất thỏa thuận giữa hai bên.

Theo đó, mức lãi suất trên hợp đồng không được vượt quá mức quy định của pháp luật. Với những hợp đồng chặt chẽ này, cơ quan điều tra mới có căn cứ để xử lý đối tượng, trong trường hợp hợp đồng vay nợ bị đổ bể. Trong một số trường hợp khác, nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa án dân sự, không nên tự ý giải quyết bằng cách thuê côn đồ, hoặc tự ý xử lý theo cách của mình dẫn đến vi phạm pháp luật.

 

       Theo  CAND

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục