Hoảng loạn là phản ứng bản năng sai lầm nhất khi có động đất.

Hoảng loạn là phản ứng bản năng sai lầm nhất khi có động đất.

Không được trang bị các kỹ năng ứng phó một cách bài bản và chính thống, phản ứng của người dân khi có động đất là hoảng loạn và "mạnh ai nấy chạy". Điều này đã từng xảy ra tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Nếu có động đất thực sự xảy ra, thiệt hại sẽ rất lớn.

 

Có một thực tế là ở nước ta, từ các cơ quan chức năng đến người dân đều không được trang bị những kiến thức về động đất cũng như các kỹ năng cần thiết để phòng và đối phó với thảm họa này. Ngay cả các địa phương thường xảy ra động đất như Lai Châu, Điện Biên…, chưa có một thông báo nào về nguy cơ động đất cũng như các phương án phòng chống.

Bị động nếu động đất mạnh xảy ra

Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 4, đã có 10 trận động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó có 3 trận cường độ mạnh hơn 3,5 độ richter. Lai Châu cũng là tỉnh nằm trong đới đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, thường xuyên xảy ra động đất. Theo TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (BTĐĐ và CBST), đới đứt gãy trên có thể gây động đất cực mạnh tới 7 độ richter và trên thực tế, nơi đây đã từng có động đất mạnh 6,8 độ richter.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đào Ngọc Hưởng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu cho biết, chính bản thân ông và người dân địa phương chỉ biết đến nguy cơ động đất tại nơi mình sinh sống qua các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa hề có một cơ quan chuyên môn nào làm việc cũng như thông báo chính thức cho Lai Châu về những kiến thức, phương án phòng chống động đất.

"Lai Châu tuy là địa bàn ít người, cư dân sinh sống thưa thớt nhưng nếu có động đất lớn xảy ra, thiệt hại sẽ không nhỏ bởi hầu hết các công trình xây dựng ở địa phương đều không có thiết kế kháng chấn. Chúng tôi bị động hoàn toàn nếu có động đất mạnh xảy ra", ông Hưởng cho biết.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm BTĐĐ&CBST, Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Lai Châu hiện vẫn chưa có trạm địa chấn. Các thông số để kết luận, cảnh báo xảy ra động đất trong thời gian qua đều do các trạm ở địa bàn lân cận như Điện Biên, Lào Cai... báo về Viện Vật lý địa cầu.

Về mức độ chính xác của các thông tin động đất, sóng thần ở Việt Nam, ông Phương cho biết, hoàn toàn có thể tin cậy. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là việc truyền số liệu tại 25 trạm địa chấn ghi động đất đặt tại các khu vực trên cả nước có tốc độ phân tích số liệu chậm, việc xác định các thông số vừa xảy ra phải mất đến 15-20 phút nên sẽ làm cho công tác ứng phó bị động khi động đất mạnh xảy ra.

Mặc dù khẳng định, trên thế giới hiện vẫn chưa có nước nào dự báo chính xác được thời điểm động đất sẽ xảy ra nhưng theo ông Phương, việc nâng cao nhận thức cho người dân về bản chất, tác hại và phương thức phòng tránh động đất là rất cần thiết. Để tăng cường năng lực thông tin cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đang tiến hành hoàn chỉnh đề án "Tăng cường mạng lưới quan sát động đất báo tin động đất và cảnh báo sóng thần". Theo đề án, mạng lưới được xây dựng gồm 36 trạm địa chấn trải rộng kèm theo các thiết bị GPS phân bố khắp cả nước, trong đó khảo sát xây dựng 22 trạm tại vị trí mới. Phương thức truyền số liệu từ các trạm về Viện Vật lý địa cầu được thực hiện chủ yếu là Internet và vệ tinh.

Để chủ động đối phó với thảm họa động đất, PGS - TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh, khi tiến hành xây dựng các công trình, các đơn vị phải tuân thủ quy phạm thiết kế kháng chấn đã được Bộ Xây dựng soạn thảo và ban hành năm 2006, nhất là các vùng nguy cơ xảy ra động đất mạnh như khu vực Tây Bắc. Trong các khu nhà làm việc, nhà ở cần có những khoảng trống nhất định để mọi người sơ tán, trú tránh khi động đất xảy ra.

Học cách tự bảo vệ mình khi xảy ra động đất

Không được trang bị các kỹ năng ứng phó một cách bài bản và chính thống, phản ứng của người dân khi có động đất là hoảng loạn và "mạnh ai nấy chạy". Điều này đã xảy ra khi Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh có dư chấn trong thời gian vừa qua. Đây hoàn toàn là cách phản ứng bản năng và nếu có động đất thực sự xảy ra, thiệt hại sẽ rất lớn.

Trên trang web của Trung tâm BTĐĐ  và CBST đã có các hướng dẫn cụ thể để người dân tự bảo vệ mình trước, trong và sau khi động đất xảy ra. Nhưng rất ít người biết tìm đến địa chỉ này để đọc và nghiên cứu cũng như làm theo. Hoảng loạn là tâm lý chung của tất cả mọi người. Phần lớn mọi người đều đổ xô chạy vào thang máy và chạy theo thang thoát hiểm xuống mặt đất trong khi các tòa nhà chung cư vẫn đang "lắc lư". Đây là một hành động sai lầm bởi nếu động đất mạnh xảy ra, các khu vực này lại là nơi có tử vong nhiều nhất. Nếu có động đất và mất điện, chỉ được dùng đèn pin và tuyệt đối không được bật diêm, bật lửa vì có thể gây hỏa hoạn.

Theo Doug Copp, Đội trưởng Đội cứu hộ của Mỹ, từng đi cứu hộ động đất ở 60 quốc gia từ năm 1985, khi tòa nhà sụp đổ, trọng lượng của trần rơi xuống thì đồ đạc ở bên trong ngôi nhà thường bị nghiền nát hoặc xô xát vào nhau, để lại một khoảng trống ngay cạnh chúng. Khoảng không gian này, Doug gọi là "tam giác của sự sống". Và lúc đó, mọi người sử dụng cái khoảng trống này để trú ẩn an toàn, tránh bị thương tích. Tư thế được cho là thích hợp nhất khi có động đất là đầu ép sát vào đầu gối, hay tay ôm đầu (hoặc tư thế bào thai cuộn).

Tuy nhiên, việc hướng dẫn cách tự bảo vệ bản thân và gia đình khi có động đất cần được phổ biến tại trường học, công sở… và cần thiết, cũng cần có các cuộc diễn tập ứng phó với động đất cho các cơ quan chức năng bởi nếu có động đất, người dân cần một "bộ não" phản ứng nhanh và chính xác.

                                                                                Theo Báo CAND

 

 

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục