(HBĐT) - Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), ngoài công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp viên pháp lý còn tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại diện thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL mà chưa được nhiều người biết đến.

 

Ông Lưu Văn Thường, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Nguyên tắc của hoạt động TGPL là hoàn toàn miễn phí đối với đối tượng được TGPL nên hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý có ý nghĩa như một luật sư công. Đương sự được TGPL không phải trả một khoản phí nào cho luật sư bào chữa cho mình và có thể yêu cầu có luật sư, người đại diện vào các giai đoạn của quá trình tố tụng. Pháp luật quy định nhóm đối tượng được TGPL miễn phí gồm: người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa.  

 

Mặc dù Luật TGPL được ban hành và có hiệu lực từ năm 2006 nhưng việc TGPL trong hoạt động tố tụng ở tỉnh ta đến năm 2008 trợ giúp viên của Trung tâm TGPL tỉnh mới tham gia. Thực tế thời kỳ đầu triển khai, Trung tâm gặp nhiều khó khăn, trước hết vì đây là quy định mới, vai trò, vị trí của trợ giúp viên chưa được quy định trong các văn bản luật như dân sự, hình sự, giải quyết các vụ án hành chính, nhiều cơ quan tố tụng gây khó khăn cho trợ giúp viên trong quá trình thực hiện, số trợ giúp viên ít, khi đó, Trung tâm mới chỉ có 3 trợ giúp viên, chưa có nhiều kinh nghiệm về tham gia tố tụng… Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp ký kết các chương trình phối hợp thực hiện hoạt động TGPL với cơ quan công an, viện kiểm sát, TAND. Thông tư liên tịch số 10 ngày 28/12/2007 của liên Bộ tư pháp, công an, quốc phòng, tài chính, VKSNDTC, TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng được ban hành đã “gỡ rối” cho những vướng mắc, khó khăn khi triển khai. Ngay sau đó, các khóa tập huấn thông tư số 10 cho cán bộ lãnh đạo, những người trực tiếp thực hiện quá trình tố tụng của các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phối hợp thực hiện. Đến nay, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của trung tâm đã tăng lên 6 người, đều đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư, có thời gian công tác lâu năm trong lĩnh vực pháp luật, được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp, ngày càng có nhiều kinh nghiệm hành nghề, đáp ứng yêu cầu thực hiện TGPL theo hình thức tham gia tố tụng như luật sư. Quy định của pháp luật về trợ giúp viên tham gia tố tụng hiện cũng khá đầy đủ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Cùng với hoạt động của trợ giúp viên, Trung tâm còn có đội ngũ cộng tác viên là luật sư tham gia TGPL.

 

Ông Lưu Văn Thường cho biết thêm: Trong những năm qua, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng từ 70 – 80 đối tượng có yêu cầu trợ giúp viên pháp lý bào chữa tại tòa, đại diện giải quyết vụ việc. Các lĩnh vực tham gia chủ yếu là hình sự, dân sự, án hành chính chiếm số lượng ít. Đối tượng có yêu cầu phần nhiều là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người chưa thành niên. Trong đó, khoảng một nửa số vụ việc tham gia tại cơ quan tố tụng do luật sư cộng tác viên đảm nhiệm, còn lại là trợ giúp viên của trung tâm giải quyết. Thông qua các kênh như đối tượng có yêu cầu trực tiếp, cơ quan công an có văn bản đề nghị, Trung tâm xem xét cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng. Tuy nhiên, do nhóm đối tượng được TGPL là người nghèo, diện chính sách ưu đãi, trình độ dân trí pháp lý hạn chế nên nhiều người chưa biết đến tổ chức TGPL để có yêu cầu, đề nghị khi vướng vào vòng lao lý, người biết trực tiếp đến đề nghị ít. Nhiều vụ án có sự tham gia của trợ giúp viên khi tổ chức TGPL lưu động như trường hợp của anh X.V.V, diện hộ nghèo ở huyện Đà Bắc bị TAND huyện xử phạt 4 năm tù về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Trong quá trình tổ chức TGPL lưu động tại cơ sở gia đình có ý kiến hỏi, thắc mắc mức án xử phạt cao được trợ giúp viên hướng dẫn, giúp đỡ bào chữa tại phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh đã được giảm án còn 3 năm tù. Trường hợp anh B.V.T ở huyện Tân Lạc lái xe ô tô làm chết người, viện kiểm sát truy tố tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tình tiết tăng nặng không giữ nguyên hiện trường, đề nghị mức án từ 3 - 10 năm (theo điểm c, khoản 2, Điều 202 BLHS), qua quá trình bào chữa của trợ giúp viên, viện kiểm sát đã thay đổi mức án từ khoản 2 chuyển lên khoản 1, bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng…

 

Thực tiễn cho thấy, TGPL trong hoạt động tố tụng là một trong những hoạt động đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực nhất cho người được TGPL. Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong hoạt động này vẫn còn những bất cập, hạn chế. Đó là đối tượng được TGPL chủ yếu là người chưa thành niên phạm tội mà chưa mở rộng ra các đối tượng khác như người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn. Vẫn còn tình trạng cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa hướng dẫn đầy đủ cho đương sự thuộc đối tượng được TGPL về quyền lợi của mình. Đội ngũ người thực hiện TGPL còn mỏng, chưa bảo đảm cung ứng cho 100% người có nhu cầu được giúp đỡ pháp lý, số vụ việc do trợ giúp viên tham gia tố tụng so với số lượng vụ án được thụ lý của các cơ quan chức năng đối với người được TGPL còn chiếm tỷ lệ thấp. Chế độ đối với trợ giúp viên khi tham gia tố tụng thấp, hiện chỉ bằng 10% mức chi trả cho luật sư cộng tác viên tham gia TGPL nên chưa động viên, thu hút sự tham gia của trợ giúp viên, nhất là đối với các vụ án có thời gian kéo dài…

 

Khắc phục dần những hạn chế trên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nắm bắt thông tin, nhận thức đầy đủ về TGPL trong hoạt động tố tụng góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

 

 

Hà Thu

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh liên tiếp phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (TTN) điều khiển phương tiện không chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mang theo hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng (TTCC). Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật (VPPL) trong TTN?

Tìm người bị hại trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang điều tra vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, xảy ra trên địa bàn tỉnh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT-Đ2 ngày 14/02/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục