Có mặt tại Bệnh xá Trại tạm giam - Công an tỉnh Bắc Ninh lúc đã quá trưa, tôi khá ngạc nhiên khi thấy Trung tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Hoán, Bệnh xá trưởng vẫn mải miết khám bệnh. Bệnh nhân là Lê Hoài Nam - một bị can phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy bị bắt cách đây hơn 2 tháng. Nam vốn nghiện ma túy nặng, nhiễm HIV...

 

Bệnh xá quy mô chỉ có 12 giường nhưng bệnh nhân thường rất đông, nhiều khi phải nằm ghép với nhau khiến việc điều trị gặp khó khăn hơn. Đây cũng coi như một bệnh viện thu nhỏ, điều trị không thiếu một thứ bệnh gì, từ viêm dạ dày, viêm gan B, viêm phế quản, đường tiết niệu, tim mạch... nan giải nhất vẫn là HIV/AIDS. Chỉ có 3 cán bộ nên ai cũng phải “tăng ca”, hầu như không bao giờ được nghỉ theo chế độ quy định. Thậm chí, việc được nghỉ bù, nghỉ phép là chuyện rất hiếm hoi…

Có trường hợp như bệnh nhân Nguyễn Thị Xuyên, đã gần 60 tuổi, lại mắc rất nhiều bệnh như tim mạch, huyết áp cao... nên thường xuyên bị ngất, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tai biến vỡ mạch máu não, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, anh Hoán bố trí cho bệnh nhân này nằm sát phòng trực, để dễ bề xoay xở, cấp cứu khi có tình huống xảy ra.

Với đặc thù bệnh nhân là những phạm nhân đều đang mang tội, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nên nhiều đối tượng luôn gây gổ, chống đối, thậm chí không muốn chữa bệnh.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ nhưng lại cố tình giả bệnh nặng để được chuyển lên tuyến trên. Sở dĩ như vậy, bởi những bệnh nhân này thường có tâm lí, nếu được điều trị ở bệnh viện, bệnh nặng có thể được gặp người nhà.

Tuy nhiên, vất vả nhất là các phạm nhân nhiễm HIV/AIDS, bởi những đối tượng này thường bất cần đời, nhiều trường hợp tự rạch tay chảy máu để gây sức ép với các y, bác sỹ. Ở thời điểm hiện tại, toàn Trại tạm giam - Công an tỉnh Bắc Ninh có hơn 20 phạm nhân nhiễm HIV, các bệnh nhân này thường mắc rất nhiều bệnh từ sốt kéo dài, tiêu chảy, viêm hạch, viêm da lở loét, nấm thực quản...

Bác sĩ Trần Đức Đảm, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam - Công an tỉnh Hà Nam đang khám bệnh cho can phạm nhiễm HIV.

Anh Hoán cho biết: “Đa số họ đều là bị can đang trong giai đoạn điều tra án, nên cần phải phải đảm bảo bí mật. Chính vì vậy, chúng tôi không thể đưa đến bệnh viện làm xét nghiệm để được hưởng thuốc ARV miễn phí theo chương trình tài trợ. Cũng vì không được điều trị bằng thuốc đặc trị, việc điều trị cho các bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài”.

Được biết, điều kiện làm việc ở Trại tạm giam – Công an tỉnh Bắc Ninh còn nhiều thiếu thốn, ngoài việc khám chữa bệnh cho họ, nhiều lúc, các y, bác sĩ còn kiêm thêm nhiệm vụ của người thân, chăm sóc họ, bởi có nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, họ rất cô đơn, chán nản.

Anh Hoán tâm sự: “Đối với bệnh nhân có HIV, ngoài việc quản lý, chữa trị cho họ, các cán bộ y tế còn phải làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để các phạm nhân khác biết cách phòng tránh nhưng không xa lánh, kì thị người bệnh. Công tác ở trại nên có rất nhiều đặc thù, nhiều hôm, đến bữa chưa kịp ăn cơm, lại có bệnh nhân cấp cứu, chúng tôi lại xuống ngay, bởi dù là phạm nhân nhưng họ vẫn là con người, nên không ai nỡ lòng nào bỏ rơi họ".

Khi tôi hỏi về thu nhập, anh Hoán cười: “Bác sỹ trại giam như chúng tôi làm vì yêu nghề, nếu vì thu nhập chả ai trụ nổi đâu”. Quả vậy, nếu làm bác sĩ ở các bệnh viện, ngoài lương, họ còn được gia đình bệnh nhân quan tâm, còn ở đây, việc chăm sóc bệnh nhân là vô điều kiện, không thể có thu nhập gì hơn. Thậm chí, kể cả tiền trực cũng rất “khiêm tốn” bởi chế độ quy định 10.000đ/đêm, hàng chục năm nay vẫn chưa thay đổi. Tính ra, mỗi đêm trực chỉ được khoảng 1/3 bát phở với thời giá hiện nay...

Ngoài những bệnh nhân nặng thường xuyên nằm tại bệnh xá, các y, bác sỹ Trại tạm giam - Công an Bắc Ninh phải chăm sóc các bệnh nhân khác tại phòng giam giữ. Vất vả là vậy nhưng những y, bác sỹ tại đây vẫn ngày đêm lặng lẽ đảm nhận các công việc mà Ban giám thị trại giao cho.

Rời Bệnh xá Công an tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đến Bệnh xá Trại tạm giam - Công an tỉnh Hà Nam nằm ven triền sông Đáy, biệt lập với phố thị ồn ào náo nhiệt. Lúc chúng tôi có mặt thì trời đã về chiều, những cơn mưa càng nặng hạt như làm tăng thêm vẻ u hoài ảm đạm ở nơi này. Trung tá, bác sĩ, Bệnh xá trưởng Trần Đức Đảm vẫn đang lúi húi khám cho mấy bệnh nhân là can phạm. Dáng bệnh nhân gầy gò và đôi mắt trắng lờ đờ với những cử chỉ chậm chạp khiến chúng tôi nghi ngại. Thế nhưng, bác sĩ Đảm vẫn ân cần cầm tay bắt mạch, vạch áo nghe tim phổi và hỏi bệnh nhân về miếng ăn giấc ngủ rất cặn kẽ. Lát sau, anh nói với chúng tôi: “Đó là những phạm nhân đều mắc HIV đấy, chán đời nên họ hay phá bĩnh lắm”.

Tâm sự về nghề, bác sĩ Đảm thổ lộ, năm nay 54 tuổi, đã có tới hơn 30 năm công tác ở trại giam và làm nghề “trị bệnh cứu người”. Bệnh nhân của anh là các can phạm, đã từng mắc tội lỗi ở ngoài đời, không ít người mắc trọng tội và mang trong mình những căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan. Điều đặc biệt là tâm tính của họ thì thường là… bất ổn, không như những bệnh nhân ở ngoài xã hội.

Ngày anh trở thành cán bộ trại giam mới 18 tuổi, nghề y đã đeo bám anh từ đó. Chăm chỉ học hành, trở thành bác sĩ giỏi của trại Tống Lê Chân (nay ở tỉnh Bình Dương) ở cách quê hương Hà Nam của anh gần 2 ngàn cây số. Cả một thời trai trẻ, người bác sĩ trẻ miệt mài tâm huyết với nghề mà anh yêu như máu thịt. 10 năm sau anh xin chuyển công tác về quê hương để gần vợ con và tiện chăm sóc bố mẹ già.

Bây giờ, đã 54 tuổi, là Bệnh xá trưởng của Trại tạm giam - Công an tỉnh Hà Nam mà anh vẫn phải sống xa gia đình, ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân, hằng ngày tiếp xúc với những người bệnh là tội phạm. Vợ con ở TP Nam Định, cách đó 30km nhưng 1 tháng họ chỉ gặp nhau đôi lần, cuộc sống của anh vẫn là… ở trại tạm giam.

Những nỗi nhọc nhằn của người thầy thuốc ở trại giam Trung tá Đảm đã nếm trải. Anh bảo, nghề bác sĩ ở trại rất vất vả so với ở ngoài. Can phạm vào ngày một đông, tình hình phức tạp có rất nhiều bệnh nguy hiểm. Đặc biệt các can phạm luôn tìm cách chống đối và trốn chạy nên đã gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ y tế. Việc khám bệnh, xác định đúng bệnh cho can phạm quả là chẳng dễ. Họ hay giả vờ kêu đau đớn, có người đưa thuốc cho uống thì họ giấu đi, tìm mọi cách chống chế để được đi bệnh viện. Những “ca bệnh” này thì người thầy thuốc không chỉ điều trị bằng y học mà phải trị liệu bằng biện pháp nghiệp vụ và tâm lý nữa.

Đặc biệt, những can phạm mắc HIV, lao phổi thì người thầy thuốc phải thật khéo léo trong điều trị. Mới đây, bệnh nhân Hàn Đức Thức mắc HIV giai đoạn cuối, với mức án 8 năm tù. Anh ta biết mình bệnh nặng, là “của độc” nên bất cần và rất chán đời. Sau nhiều lần đưa thuốc anh ta đều vứt đi, bác sĩ Đảm đã gần gũi động viên an ủi, anh ta đã phải mềm lòng và chấp hành nghiêm mọi chế độ điều trị. Được sự quan tâm của bác sĩ và các y sĩ, y tá ở trại, Thức rất cảm động và yên tâm khi được chuyển viện để chữa bệnh.

Có những can phạm nghiện ma túy nặng như Nguyễn Văn Trang, vào trại trong tình trạng lở loét toàn thân, nhiễm HIV giai đoạn cuối, hằng ngày bác sĩ Đảm vẫn gần gũi thăm khám từng bệnh nhân như thế. Băn khoăn lo lắng, tôi hỏi: “Anh có sợ lây nhiễm HIV không?”. Anh Đảm tâm sự: “Thực ra là bệnh rất nguy hiểm, bệnh nhân lại chán đời không hợp tác. Khi khám bệnh, tôi phải có ý thức bảo vệ mình. Họ có thể cào cắn, chống đối và không ít lần dọa dẫm cho vài con “ết”. Đã có can phạm nhiễm HIV khi được chuyển lên bệnh viện điều trị, khi bác sĩ lấy máu xét nghiệm đã rút kim tiêm đe dọa bác sĩ và cán bộ quản giáo trông coi lúc ở bệnh viện.

Vậy là, đã 30 năm gắn bó với nghề y ở trại giam, vất vả nhọc nhằn và đầy nguy hiểm, bác sĩ Đảm luôn tâm niệm một điều giản dị, chăm sóc với người bệnh dù họ là can phạm để làm tròn trách nhiệm của một cán bộ y tế trong lực lượng Công an, tránh mọi sơ sảy bất trắc nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nói về người Bệnh xá trưởng tận tụy với nghề, Đại tá Đỗ Hùng Thắng, Giám thị Trại tạm giam - Công an tỉnh Hà Nam chia sẻ: Ở trại, ngày cũng như đêm, bác sĩ phải trực 24/24h, số lượng bệnh nhân rất đông. Ở trại thường xuyên có từ 300-400 can phạm, bệnh tật nhiều, số phạm nhân mắc HIV có lúc chiếm tới 20%. Có nhiều phạm nhân từ Trại giam Nam Hà chuyển về có mức án rất cao như tù chung thân cũng được chuyển về đây. Số này thì càn quấy, hăm dọa đồng bọn và chửi cả bác sĩ. Nhưng với tinh thần trị bệnh cứu người, phục vụ công tác điều tra xét xử nên các thầy thuốc ở trại luôn tận tụy với nhiệm vụ đầy nguy hiểm này. Không ít lần thức trắng đêm cấp cứu cho can phạm, những lúc thiếu ma túy chúng kêu gào phá phách…

Dù phải trải qua biết bao khó khăn trong nghề nghiệp và cuộc sống nhưng bác sĩ Đảm vẫn say mê, tâm huyết, ngoài chữa bằng tây y, anh còn mày mò nghiên cứu các bài thuốc nam gia truyền chữa bệnh hiệu quả. Tận tâm tận lực với nghề, liên tục nhiều năm liền anh đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở

 

                                                                 Theo Báo CAND

 

Các tin khác


Triệt xoá điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý tại chung cư Dạ Hợp

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết, sau một thời gian điều tra, xác minh, trưa 23/4, đơn vị đã phối hợp Công an TP Hòa Bình triệt phá thành công tụ điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý tại chung cư Dạ hợp 12 tầng thuộc tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình do Bùi Tuấn Anh (SN 1987) cầm đầu.

Trao quyết định giảm án phạt tù cho 9 phạm nhân

Sáng 25/4, Trại Tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình đã tổ chức công bố quyết định giảm án phạt tù có thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện giảm án nhân dịp 30/4/2024. Trong 9 phạm nhân được trao quyết định giảm án có 2 phạm nhân được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được tha ngày 16/4/2024; 7 phạm nhân được giảm từ 2 - 7 tháng phạt tù.

Đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ 27/4 đến 1/5). Đây sẽ là thời điểm người dân có nhu cầu đi thăm thân, tham quan, du lịch tăng cao, dẫn đến lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ gia tăng đột biến. Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn trong suốt thời gian nghỉ lễ.

8 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2023, UBND huyện Lạc Thủy đã công nhận 8/10 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện, toàn huyện có 112 tổ hòa giải ở cơ sở và 706 hòa giải viên.

Phát hiện kho hàng đông lạnh chứa gần 1 tấn thực phẩm 'bẩn'

Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường số 22 ra quyết định kiểm tra số hàng hóa tại kho địa chỉ số 489 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, phát hiện gần 1 tấn thực phẩm gồm các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà đều là sản phẩm đông lạnh đóng túi, một số đã tẩm ướp sẵn để đưa đi tiêu thụ.

Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hoà Bình

Sáng 23/4, UBND thành phố Hoà Bình tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ "Tổ liên gia an toàn PCCC" năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục